Trụ cột hợp tác an ninh - quốc phòng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ
Là lĩnh vực nhạy cảm và phức tạp, hợp tác an ninh - quốc phòng thường có độ trễ so với kinh tế và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với nỗ lực và sự kiên trì, Việt Nam và Mỹ đã vượt qua nhiều trở ngại, tạo những động lực tích cực cho hợp tác an ninh - quốc phòng phát triển vì lợi ích của hai nước.
Hợp tác ngày càng sâu rộng và cụ thể
Hợp tác an ninh - quốc phòng Việt - Mỹ gắn liền với quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đây là chặng đường hòa giải nhiều chông gai nhưng kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, hành trình này đã đạt được những thành tựu quan trọng, với nhiều cột mốc ý nghĩa, trong đó có lĩnh vực an ninh - quốc phòng.
Khởi đầu từ các hoạt động tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích và xác định danh tính hài cốt quân nhân Mỹ ở Việt Nam, hợp tác an ninh - quốc phòng Việt - Mỹ đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác cụ thể và sâu rộng hơn. Đây là điều mà nhiều người đánh giá là “không thể tưởng tượng được”, nếu xét tới mối quan hệ thù địch giữa hai bên trong quá khứ chiến tranh.
Tháng 9-2011, hai bên ký Biên bản ghi nhớ về Thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó đề ra 5 lĩnh vực ưu tiên gồm an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, phối hợp giữa các trường đại học và viện nghiên cứu quân sự.
Tiếp đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ 31-5 đến 2-6-2015 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, hai bên ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng để định hướng hợp tác song phương trên cơ sở “Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương” năm 2011, bao gồm hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, an ninh biển; đào tạo; quân y; tham vấn lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương, ADMM+ và các lĩnh vực khác mà hai bên có nhu cầu và khả năng.
Trên cơ sở những văn bản ký kết, hợp tác an ninh - quốc phòng Việt - Mỹ được đẩy mạnh. Trước hết trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, hai bên đã tổ chức hơn 4.000 lượt điều tra hỗn hợp và gần 1.000 hài cốt đã được trao trả cho phía Mỹ. Việc phối hợp tổ chức tìm kiếm các liệt sĩ, bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh cũng được hai bên đẩy mạnh. Phía Mỹ còn hợp tác với Việt Nam trong việc xử lý vật liệu chưa nổ (UXO), xử lý ô nhiễm dioxin, hỗ trợ người khuyết tật. Tính từ năm 1993, Chính phủ Mỹ đã tài trợ hơn 166 triệu USD vào các nỗ lực xử lý bom mìn và vật liệu chưa nổ ở Việt Nam.
Trong các lĩnh vực khác, đáng chú ý có đối thoại chính trị, an ninh và quốc phòng Việt - Mỹ, đối thoại chính sách quốc phòng Việt - Mỹ. Các cuộc đối thoại này được tổ chức gần như thường niên kể từ khi được bắt đầu vào năm 2008 và 2010. Tiếp đó là các chuyến thăm Việt Nam của hải quân Mỹ, các cuộc diễn tập hải quân. Vào các năm 2011 và 2012, tàu sân bay USS George Washington khi đang hoạt động ở vùng biển quốc tế trên Biển Đông đã đón các đoàn quan chức và cán bộ quân sự Việt Nam lên thăm. Tháng 3-2018, tàu sân bay USS Carl Vinson đã thực hiện chuyến thăm đầu tiên của một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam sau hơn 40 năm.
Các cuộc diễn tập hải quân chung liên quan tới những vấn đề an ninh phi truyền thống cũng được tiến hành kể từ năm 2010. Chương trình Đối tác Thái Bình Dương với sự tham gia của Mỹ, Việt Nam và các nước đối tác nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ nhân đạo và sẵn sàng ứng phó thiên tai đã được tổ chức tại Việt Nam lần đầu vào năm 2007. Sau khi Việt Nam thông báo mở cửa cảng quốc tế Cam Ranh cung cấp các dịch vụ hàng hải cho các tàu dân sự, quân sự của các quốc gia trên thế giới, Mỹ trở thành một trong những khách hàng đầu tiên của hoạt động này khi tàu vận tải USNS Richard Byrd cập cảng vào tháng 8-2011. Hải quân Mỹ từ đó sử dụng dịch vụ hậu cần và bảo dưỡng tại cảng quốc tế Cam Ranh gần như hàng năm.
Chia sẻ nhiều mối quan tâm từ sự song trùng lợi ích về mặt chiến lược
Trong những năm gần đây, nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, nổi lên ngày càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực. Duy trì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và Mỹ.
Ngoài các lợi ích từ hợp tác kinh tế vốn là nền tảng cho mối quan hệ song phương, sự song trùng lợi ích về mặt chiến lược trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức an ninh trong khu vực, cũng thúc đẩy Việt Nam và Mỹ tăng cường tìm kiếm các cơ hội hợp tác. Theo giáo sư Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, các tài liệu chính về quốc phòng - an ninh được phê chuẩn dưới thời Tổng thống Donald Trump như Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, Chiến lược quốc phòng quốc gia Mỹ và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều coi Việt Nam là đối tác ưu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai nước đều chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, giải quyết hòa bình các tranh chấp cũng như duy trì môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự và tự do hàng không, hàng hải tại các vùng biển và đại dương theo quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Từ năm 2017 đến 2021, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tài trợ cho Việt Nam các khoản hỗ trợ an ninh song phương trị giá khoảng 60 triệu USD thông qua chương trình Tài trợ quân sự nước ngoài (FMF) và hơn 20 triệu USD qua Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á (SAMSI) thuộc chương trình FMF khu vực của Bộ Ngoại giao Mỹ. Cũng trong chương trình FMF, Việt Nam còn tiếp nhận 81,5 triệu USD trong tài khóa 2018 để hỗ trợ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chương trình FMF chủ yếu hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực về an ninh hàng hải và nhận thức vấn đề hàng hải. Theo chương trình chuyển giao trang bị quốc phòng dư thừa (EDA), Mỹ đã tân trang, chuyển giao và bảo trì lâu dài 2 tàu tuần duyên lớp Hamilton đã qua sử dụng của lực lượng Tuần duyên Mỹ cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Hiện Mỹ đang xem xét khả năng sẽ cung cấp cho Việt Nam chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ ba. Ngoài ra, Mỹ còn chuyển giao cho Cảnh sát biển biển Việt Nam các xuồng tuần tra Metal Shark có vận tốc lên tới 50 hải lý/giờ nhằm phục vụ hoạt động tuần tra liên bờ biển và thực thi pháp luật ngăn chặn buôn lậu, buôn bán bất hợp pháp, cướp biển và các vụ cướp tàu có vũ trang, đánh bắt cá bất hợp pháp.