Trừ điểm giấy phép lái xe: Hình thức phạt có tính răn đe và mang ý nghĩa nhân văn

Thay vì tạm giữ bằng lái, ảnh hưởng đến cuộc sống của người lái xe, việc trừ điểm giấy phép lái xe là hình phạt răn đe nhưng cũng mang ý nghĩa nhân văn

Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lí vi phạm. (Ảnh: tapchicongthuong.vn).

Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lí vi phạm. (Ảnh: tapchicongthuong.vn).

Một trong điểm mới, đáng chú ý là hướng dẫn thực hiện quy định về trừ điểm giấy phép lái xe và phục hồi điểm. Đây là lần đầu tiên quy định này được áp dụng tại Việt Nam và được dư luận rất quan tâm.

Dự thảo này quy định, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe, trong một số trường hợp cụ thể.

Trong khi đó, dự thảo vẫn quy định trong một số trường hợp có thể tước giấy phép lái xe. Nhưng trình tự, thủ tục tước quyền sử dụng giấy phép, được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp, hành vi vi phạm đã bị trừ điểm giấy phép lái xe thì không áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép lái xe.

Riêng về quy định trừ điểm giấy phép lái xe, không chỉ các đại biểu Quốc hội mà đa số người dân đều đồng tình, ủng hộ bởi so với việc tước giấy phép lái xe như hiện nay hoặc đục lỗ như đã áp dụng trước đó thì biện pháp này công bằng và nhân văn hơn. Bởi lẽ, thay vì tạm giữ bằng lái, ảnh hưởng đến việc gián đoạn điều khiển phương tiện nói chung, với những người hành nghề lái xe kiếm sống thì hình thức này không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, việc trừ điểm như là biện pháp răn đe khiến lái xe cẩn trọng hơn mỗi khi ra đường.

Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa qua, đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, quy định trừ điểm của giấy phép lái xe là biện pháp quản lý Nhà nước vừa có tính giáo dục vừa có tính răn đe. Mỗi khi bị trừ điểm như tiếng chuông cảnh báo giúp lái xe chú ý hơn, cẩn thận hơn, chấp hành tốt hơn, ngoài ra giúp cơ quan nhà nước quản lý được người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe. Từ đó vừa nâng cao quản lý Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông, vừa nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: quochoi.vn).

Mặt khác, hệ thống trừ điểm cũng được vận hành trên nền tảng công nghệ thông tin, đảm bảo sự minh bạch, chính xác, hạn chế tối đa tình trạng tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm. Điều này mang đến sự công bằng, tạo niềm tin cho người tham gia giao thông, góp phần xây dựng một xã hội pháp trị, minh bạch.

Song song với việc trừ điểm, chính sách cũng tạo cơ hội cho người vi phạm sửa chữa lỗi lầm, tiếp tục được tham gia giao thông một cách an toàn. Việc phục hồi điểm sau một thời gian, cùng với việc được tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ là một minh chứng rõ ràng cho tinh thần nhân văn của pháp luật Việt Nam.

Áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe không chỉ là một giải pháp quản lý, mà còn là một thông điệp rõ ràng về sự ưu tiên của nhà nước đối với an toàn giao thông, về mong muốn xây dựng một xã hội văn minh, trật tự.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS. Vũ Hải Anh - Giảng viên Khoa Luật, Học viện Ngân hàng cho rằng, pháp luật hiện hành quy định hình thức tước giấy phép lái xe là một chế tài nghiêm khắc, nhưng nếu tài xế vô tình vi phạm quy định có áp dụng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe thì việc này đồng nghĩa tài xế sẽ mất việc hoặc không đủ điều kiện để điều khiển phương tiện ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, gia đình của người vi phạm. Vì vậy, nếu áp dụng thêm quy định trừ điểm giấy phép lái xe, và phục hồi giấy phép lái xe trong đời sống có ý nghĩa nhân văn, có ý nghĩa giáo dục, nâng cao ý thức người tham gia giao thông là rất phù hợp và cần thiết.

Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả quy định này cần phải có quy định rõ ràng, áp dụng cụ thể về mức áp dụng trừ điểm để để người thi hành công vụ trừ điểm theo cảm tính. Mặt khác cần có cơ chế giám sát việc thực hiện trừ điểm; tuyên truyền giáo dục ý thức người tham gia giao thông, không để người tham gia giao thông thấy còn cơ hội sửa chữa là coi thường pháp luật, nhờn luật.

Theo đánh giá, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ được áp dụng sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong công tác quản lý, qua đó đạt mục tiêu nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Việc áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe được kỳ vọng sẽ là một bước ngoặt, góp phần thay đổi văn hóa giao thông Việt Nam hiện đại, văn minh hơn.

Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 giấy phép lái xe. Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh, đời sống hằng ngày của người dân. Việc này không chỉ gây bất tiện cho người dân mà còn tạo gánh nặng cho cơ quan quản lý. Hệ thống trừ điểm giúp quản lý người lái xe một cách toàn diện, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đến việc giám sát hành vi sau khi vi phạm.

Vũ Hạ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tru-diem-giay-phep-lai-xe-hinh-thuc-phat-co-tinh-ran-de-va-mang-y-nghia-nhan-van-337027.html