Trừ điểm giấy phép lái xe không phải hình thức xử phạt hành chính bổ sung

Sáng 11.6, tiếp tục chương trình phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 đợt của Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, giữ nguyên số chương và số điều; đã tiếp thu, chỉnh lý nội dung và kỹ thuật của 75 điều, giữ nguyên nội dung của 14 điều.

Về điểm của giấy phép lái xe (Điều 58), có ý kiến cho rằng, trừ điểm giấy phép lái xe là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung. Cụ thể, tại khoản 3, một số ý kiến đề nghị giao Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ để phục hồi điểm trừ nhằm bảo đảm tính thống nhất trong quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Ảnh: Lâm Hiển

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật được tiếp cận là một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người lái xe, phòng ngừa vi phạm, không có tính chế tài, nên không phải là hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Do đó, việc bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật là cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển hiện nay.

Việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ không phải là sát hạch lại để cấp giấy phép lái xe, nhưng có nội dung tương tự như nội dung sát hạch lý thuyết cấp giấy phép lái xe. Do đó, Thường trực Ủy ban đề xuất tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh sửa quy định kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ theo quy định tại khoản 8 Điều 60 của dự thảo Luật; còn thẩm quyền kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật giao cho lực lượng Cảnh sát giao thông.

Giải trình thấu đáo để tạo đồng thuận cao

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với nội dung Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã tích cực tiếp thu ý kiến thảo luận tại Kỳ họp thứ Bảy; đồng thời lưu ý, cần tiếp tục chú trọng đến kỹ thuật lập pháp của từng quy định, vì đây là dự thảo Luật được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm khi phạm vi điều chỉnh liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Luật theo hướng bám sát quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật của Đảng cũng như ác chính sách lớn mà đại biểu Quốc hội đã nêu. Đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, phải có giải trình một cách thấu đáo để đại biểu Quốc hội xem xét, biểu quyết, bảo đảm sự thống nhất cao.

Đối với quy định về điểm của giấy phép lái xe, đa số ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật được tiếp cận như một biện pháp để quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép lái xe. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và phòng ngừa vi phạm.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Ghi nhận nội dung này, song theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm tính thuyết phục hơn; đồng thời, xem xét, đánh giá, giải trình kỹ lưỡng việc trừ điểm có phải là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính bổ sung hay không? Bởi, khi thực hiện biện pháp này vẫn phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Mặt khác, theo quy định tại Điểm b, khoản 7, Điều 57 dự thảo Luật, thì việc trừ điểm sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là giấy phép lái xe không còn hiệu lực sẽ tương tự như xử phạt vi phạm hành chính là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất, khả thi, tránh có nhiều cách hiểu khác nhau về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cân nhắc bổ sung trong dự thảo Luật một nguyên tắc cơ bản trong việc trừ điểm giấy phép lái xe.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, cần nghiên cứu giải trình rõ hơn về quy định điểm của giấy phép lái xe - đây không phải là một hình thức xử phạt hành chính bổ sung; bổ sung nguyên tắc cơ bản trong việc trừ điểm và trách nhiệm sát hạch lại, tránh chồng lấn trong quản lý nhà nước.

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tru-diem-giay-phep-lai-xe-khong-phai-hinh-thuc-xu-phat-hanh-chinh-bo-sung-i375189/