Trừ điểm trên giấy phép lái xe: Chuyên gia giao thông nói gì?
Trừ điểm trên giấy phép lái xe giúp hạn chế hành vi vi phạm giao thông đường bộ, đặc biệt là những hành vi vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, đi vào làn đường ngược chiều...
Trừ điểm trên giấy phép lái xe để giảm tai nạn
Bộ Công an vừa có dự thảo báo cáo Quốc hội giải trình một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. Đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).
Theo đó, điểm sẽ được gán cho bằng lái xe, và nếu trong một năm mất hết điểm, người đó sẽ phải thi lại GPLX. Dự kiến mỗi người có 12 điểm/năm. Theo đề xuất, vi phạm nhiều lần, trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực. Tài xế muốn được cấp GPLX mới thì 6 tháng sau sẽ phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Công an nêu, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông hiện nay còn kém. Điều đó được chứng minh qua việc xử lý vi phạm giao thông hằng năm ở mức cao, trên 3 triệu trường hợp vi phạm.
Tai nạn giao thông trong nước tuy đã giảm nhưng còn ở mức cao, nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng chủ yếu do lỗi của người lái xe không chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Thêm vào đó, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp GPLX đang bị buông lỏng; cơ quan chức năng chưa có các biện pháp quản lý phù hợp, nhất là quản lý việc chấp hành pháp luật của người lái xe.
Quy định này sẽ góp phần quản lý người lái xe trong suốt quá trình từ khi đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho đến quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe, việc vi phạm và tái phạm.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải đồng tình với đề xuất trừ điểm đối với các hành vi vi phạm pháp luật đường bộ, đặc biệt là những hành vi vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, đi vào làn đường ngược chiều. Khi áp dụng, chắc chắn lỗi vi phạm của người đi xe máy sẽ bớt đi. Việc trừ điểm trên giấy phép lái xe nên tập trung vào những hành vi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, những hành vi bị cấm.
Đây là giải pháp giáo dục hữu hiệu đối với tài xế, khắc phục được những nhược điểm của biện pháp xử phạt bấm lỗ, thu giữ bằng lái trước đây. Tuy vậy cần cân nhắc cách thức tính điểm, trừ điểm cho phù hợp với tình hình thực tế. Cách tính điểm thế nào, cách trừ điểm thế nào thì phải cân nhắc, tức là hành vi nào thì bị tính điểm, cách trừ điểm thế nào, cách phục hồi điểm thế nào là phải cân nhắc. Ví dụ như trừ điểm sau bao lâu thì số điểm đó được phục hồi lại...
"Thực tế trước đây chúng ta đã có quy định điểm và trừ điểm bằng lái xe. Thời gian đó, tôi thấy nhiều tài xế rất sợ việc tăng giảm điểm nên chạy xe có ý thức chấp hành luật giao thông rất cao. Giờ áp dụng lại quy định này là rất tốt, đồng thời cơ quan thực thi pháp luật cần nghiêm minh hơn nữa mới mong nâng cao ý thức của người tham gia giao thông", ông Thủy góp ý.
Quan trọng nhất là công khai, minh bạch
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam bày tỏ đồng tình với việc bổ sung quy định trên. Theo ông, quy định này giúp cơ quan quản lý giám sát, theo dõi, đánh giá được việc chấp hành pháp luật của tài xế. Thêm vào đó, doanh nghiệp, cơ quan cũng quản lý được và xem xét ký hợp đồng lao động, giám sát việc tài xế chấp hành các quy định trong suốt quá trình làm việc.
Việc tính điểm trên giấy phép lái xe là một giải pháp đã được một số nước phát triển trên thế giới áp dụng. Để triển khai được việc này phải dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu theo dõi đầy đủ tài xế, người vi phạm. Làm sao phải công khai, minh bạch để người tham gia giao thông thấy mình đang ở đâu để điều chỉnh kịp thời. Song song đó, việc xử lý vi phạm cũng phải công khai minh bạch. Mọi hành vi vi phạm được giám sát xử lý kịp thời, nghiêm minh thì lúc đó việc tính điểm GPLX mới phát huy hiệu quả.
Về mức điểm và cách thức trừ điểm, ông Thủy cho rằng Bộ Công an cần nghiên cứu một cách phù hợp, công bằng, đặc biệt áp dụng công nghệ để đảm bảo các quy định không gây phiền hà cho người dân trong quá trình xử lý. Ngoài ra, việc xử lý vi phạm tai nạn giao thông cần đánh giá nhiều yếu tố để xem xét trừ điểm hay xử phạt hành chính. "Bởi vì tai nạn giao thông xuất phát từ nhiều yếu tố, không phải hoàn toàn do kỹ năng của người lái xe", ông Thủy nhận định.
Các chuyên gia nhìn nhận, việc trừ điểm bằng lái sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu chung, giúp khắc phục trường hợp người vi phạm đối phó bằng cách báo mất bằng, xin cấp lại để xóa bỏ vi phạm trước. Muốn làm được việc này, cơ sở dữ liệu về xử lý vi phạm phải liên thông toàn quốc, làm sao để dễ dàng kiểm tra, đối chiếu...
Như vậy, hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trữ sẽ rất lớn và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư để lực lượng chức năng ở các địa phương có thể tra cứu cũng như lưu trữ, trừ điểm người điều khiển phương tiện vi phạm. Đây là vấn đề mà cơ quan chức năng phải tính đến nếu đưa nội dung này vào dự thảo Luật.
Hiện nay, Mỹ, Anh, Singapore, Trung Quốc, Na Uy... đang áp dụng quy định trừ điểm Giấy phép lái xe đối với những hành vi vi phạm luật giao thông để kiểm soát tình trạng vi phạm giao thông. Trong đó, Na Uy quy định trừ 3 điểm đối với lỗi đỗ xe sai vị trí hay vượt đèn đỏ, trừ 2 điểm đối với trường hợp vượt quá tốc độ cho phép 15-20 km/h (khi vận tốc tối đa là 70 km/h). Nếu bị trừ 8 điểm trong 3 năm, lái xe sẽ bị tước bằng 6 tháng...