Trụ đỡ mới của dòng tiền
Trước đây, doanh nghiệp hầu như phụ thuộc ngân hàng về nguồn vốn, thậm chí vốn chủ sở hữu của nhiều công ty cũng vay từ ngân hàng. Đến nay, thị trường chứng khoán đã đảm nhận vai trò là trụ đỡ mới của dòng tiền.
Một năm tăng trưởng bằng bốn năm
Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng đầu năm nay, có 97.100 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường, cao hơn con số 93.700 doanh nghiệp thành lập mới.
Nhưng trên thị trường chứng khoán, số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho thấy, tám tháng liên tiếp gần đây số lượng tài khoản mở mới đều nằm trên mốc 100.000. Vào ngày 15/11, chỉ số chứng khoán VN Index chinh phục thành công mốc 1.476,97 điểm, cao nhất trong vòng 21 năm kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2021, đã có gần 1,09 triệu tài khoản do nhà đầu tư cá nhân mở mới (FO), tăng gấp gần ba lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020, thậm chí cao hơn tổng số tài khoản đã được nhóm nhà đầu tư này mở trong cả bốn năm 2017-2020 cộng lại (1,03 triệu tài khoản).
Chứng kiến nhiều phiên giao dịch đạt thanh khoản tỷ USD, cao nhất là ngày 3/11 đạt gần 52.000 tỷ đồng (gần 2,3 tỷ USD), ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam bây giờ dù quy mô chưa quá lớn nhưng đã vượt qua Philipines, Malaysia và tiệm cận các thị trường lớn nhất khu vực như Thái-lan, Indonesia.
Hàng chục nghìn doanh nghiệp trong nền kinh tế phải dừng hoạt động, phá sản thua lỗ, nhưng trên sàn chứng khoán con số đó rất nhỏ. Những doanh nghiệp trên sàn đa số là những đơn vị rất xuất sắc, ưu tú của nền kinh tế vẫn tăng trưởng mạnh.
Thống kê của Công ty chứng khoán BSC cho thấy, tại thời điểm đầu tháng 11/2021, 95% số công ty niêm yết trên hai sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ. Trong đó, có 45,2% số công ty tăng trưởng và chỉ có 16,6% số công ty thua lỗ trong kỳ. Tính riêng trong rổ VN30, 29/30 cổ phiếu đã công bố kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tăng 21,5% so cùng kỳ năm 2020.
Tại một buổi tọa đàm về thị trường chứng khoán diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, đơn vị này đang báo cáo Chính phủ về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế.
Thị trường phát triển, nhà đầu tư hưởng lợi
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến ngày 30/9/2021, tổng quy mô thị trường đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP với 2.133 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch.
Số tài khoản nhà đầu tư đăng ký đã lên tới gần 4 triệu tài khoản. Kênh chứng khoán đã huy động được hơn 292.000 tỷ đồng trong chín tháng đầu năm, tăng 12% so cùng kỳ năm trước, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng đối với nền kinh tế.
Bình luận về điều này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - quyền Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán VNDirect nói, sự phát triển của thị trường chứng khoán thời gian qua đã giúp cho cấu trúc thị trường tài chính của Việt Nam trở nên bền vững hơn. Trước năm 2000, khi nói đến thị trường tài chính Việt Nam, người ta chỉ nói đến ngân hàng thương mại. Toàn bộ nguồn vốn của nền kinh tế dồn vào vai ngân hàng thương mại, bao gồm cả vốn ngắn trung dài hạn.
Thậm chí vốn chủ sở hữu của nhiều công ty cũng đi vay ngân hàng thương mại. Việc phụ thuộc này đã từng gây ra nhiều hệ lụy. Ngân hàng thương mại có thế mạnh về cho vay vốn ngắn hạn, vốn lưu động và cung cấp các dịch vụ ngân hàng nhưng lại không mạnh về nguồn vốn trung và dài hạn. Khi huy động ngắn hạn mà cho vay trung và dài hạn thì rủi ro rất lớn.
Đến giờ, chúng ta có kênh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn với chi phí vốn ổn định. Nó giảm tải gánh nặng cho ngân hàng và tạo cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng cơ cấu nguồn vốn ổn định, an toàn.
Dự báo lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5-10 năm tới, ông Lê Chí Phúc cho rằng, quy mô của thị trường sẽ còn phát triển rất nhanh và tiếp tục gây bất ngờ cho cả những người lạc quan nhất. Hai năm qua, người Việt Nam bắt đầu coi thị trường chứng khoán là một kênh tài sản để đầu tư, bên cạnh các kênh truyền thống là tiết kiệm, vàng và bất động sản.
Ông Trần Lê Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam nhận định, trong tương lai thị trường chứng khoán sẽ còn phát triển, dựa vào ba động lực chính là: Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam ngày càng cao, nền tảng công nghệ cho giao dịch đầu tư chứng khoán ngày càng dễ dàng, ngày càng có nhiều nhà đầu tư ý thức về vấn đề độc lập tài chính, tự do tài chính bằng con đường đầu tư tích sản.
Đưa ra một chiến lược cụ thể cho nhà đầu tư, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phòng Phát triển năng lực đầu tư, Công ty CP chứng khoán VPS khuyến nghị, muốn đầu tư an toàn, hãy tích lũy tài sản hằng tuần, hằng tháng. Thời gian qua, rất nhiều cổ phiếu đã đi lên mặt bằng giá cao hơn, nếu tích lũy nắm giữ cổ phiếu từ năm ngoái đến năm nay thì đã có một khối tài sản rồi.
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/tru-do-moi-cua-dong-tien-342743.html