Trữ đông trứng: Xu thế mới của người trẻ và cứu cánh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn
Phương pháp trữ đông trứng mở ra nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, cùng với đó là bảo đảm cơ hội có con cho những phụ nữ đang tập trung cho sự nghiệp, những người mắc bệnh liên quan đến sinh sản, hiểm nghèo...
Ca trữ đông trứng đầu tiên được thực hiện năm 1986, cho tới nay, kỹ thuật này ngày càng phát triển cũng như có nhiều bệnh nhân và các trường hợp có nhu cầu thực hiện.
Trên thế giới, trữ đông trứng đang là xu thế lựa chọn của phụ nữ tiến bộ trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Tại Việt Nam, phương pháp đông lạnh trứng ngày càng nhận được sự quan tâm của cộng đồng.
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã tiếp nhận và tư vấn cho nhiều cặp vợ chồng còn trẻ, nhiều phụ nữ chưa có gia đình,… muốn tìm hiểu về dịch vụ gửi trứng để sau này mang thai.
Riêng năm 2023, tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bác sỹ đã thực hiện hơn 300 chu kỳ chọc hút trữ trứng cho bệnh nhân.
Theo bác sỹ Trịnh Thị Ngọc Yến, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hiện có một xu hướng chung là mọi người đều rất quan tâm đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, xu thế vô sinh đang trẻ hóa dần. Bệnh viện gặp rất nhiều trường hợp trẻ tuổi, khi đi khám mới phát hiện dự trữ buồng trứng đã bị suy giảm rất nhiều. Thậm chí, có những trường hợp sinh năm 1998-2000 đã phải đi đông lạnh trứng.
Chẳng hạn mới đây, Bệnh viện tiếp nhận điều trị trường hợp một cô gái sinh năm 1998 trong hoàn cảnh tương tự như vậy. Khi đến đây, dự trữ buồng trứng của cô ấy đã bị suy giảm. Do đó, cách duy nhất, chúng tôi bắt buộc phải tư vấn, chỉ định bệnh nhân đó đi trữ trứng để bảo tồn khả năng làm mẹ sau này.
Bên cạnh đó, hiện việc quan tâm, tìm hiểu của người trẻ cũng tốt hơn với trước đây rất nhiều. Các bạn đã đi khám sức khỏe tiền hôn nhân rất nhiều. Từ đó đã giúp họ biết được dự trữ buồng trứng của mình hiện ra sao để có thái độ cũng như hướng điều trị phù hợp trong việc có con.
Thứ nữa, phụ nữ hiện nay có xu hướng độc lập, đảm nhận vai trò trong xã hội và cũng độc lập về tài chính. Họ có xu hướng kết hôn muộn và tự chủ về mọi mặt trong cuộc sống. Đồng thời, ý thức của họ về vấn đề sinh sản cũng ngày càng tốt. Họ có nhiều kênh để có thể tiếp cận thông tin.
Về mặt sinh lý, khi tuổi của người phụ nữ gia tăng thì chất lượng buồng trứng của họ sẽ ngày càng suy giảm. Đặc biệt, sau năm 35 tuổi, số lượng và chất lượng trứng sẽ bị giảm đáng kể. Sau độ tuổi này, cơ hội để người phụ nữ có thai bằng trứng của mình giảm đi rất nhiều.
Độ tuổi lý tưởng nhất và có khả năng có thai cao nhất ở phụ nữ nằm ở khoảng 20-29 tuổi. Sau đó, bắt đầu giảm dần, đặc biệt sau năm 35 tuổi.
Từ 35 tuổi, ngoài tỷ lệ có thai giảm, tỷ lệ bị sẩy thai, thai lưu lại tăng. Chính vì vậy, cơ hội có con khỏe mạnh của người phụ nữ sau năm 35 tuổi rất thấp. Vì thế, khi độc lập hơn, phụ nữ hiện nay đã nghĩ nhiều tới việc trữ đông trứng để bảo tồn khả năng sinh sản trong tương lai cho bản thân.
Chẳng hạn, khi đông trứng ở tuổi 30 do một số yếu tố, sau đó họ kết hôn vào khoảng 35-36 tuổi, chúng tôi vẫn ưu tiên sử dụng trứng tự thân để mang thai tự nhiên.
Trong trường hợp không thể mang thai tự nhiên thì mới nên quay lại để sử dụng trứng đã được đông lạnh. Khi dùng số trứng được trữ đông năm 30 tuổi, cơ hội có thai cũng như nguy cơ đối với chu kỳ sau này cũng chỉ tính ở mức 30 tuổi chứ không phải 35 như tuổi hiện tại. Đó là lợi thế của việc trữ đông trứng.
Những người chưa có đối tượng kết hôn và chưa có ý định kết hôn nên đi khám, kiểm tra sức khỏe sinh sản của mình để được bác sĩ tư vấn.
Nếu trong trường hợp thời gian kết hôn còn lâu quá và dự trữ buồng trứng không còn tốt, họ nên trữ đông trứng để có phương án dự phòng cho tương lai của mình.
Nếu xét nghiệm để đánh giá dự trữ buồng trứng thì hiện có nhiều nơi có thể thực hiện được như các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí các trung tâm tư nhân đều có thể xét nghiệm để đánh giá dự trữ buồng trứng. Xét nghiệm thông thường nhất là chỉ số AMH.
Còn việc trữ đông trứng thì chỉ thực hiện được tại các cơ sở có trung tâm hỗ trợ sinh sản. Kỹ thuật đông trứng là kỹ thuật đặc biệt và khó. Bởi noãn vốn là tế bào đặc biệt nhất trong cơ thể người phụ nữ.
Thông thường, kỹ thuật trữ đông trong hỗ trợ sinh sản gồm: Trữ đông trứng, trữ đông tinh trùng, trữ đông phôi và bảo quản mô buồng trứng và mô tinh hoàn. Trong số đó, trữ đông trứng gần như là kỹ thuật khó nhất.
Về quy trình đông trứng theo bác sỹ, quy trình sẽ bắt đầu khi người phụ nữ bắt đầu chu kỳ kinh đến để khảo sát, đánh giá về dự trữ buồng trứng cũng như tình hình sức khỏe chung.
Trong điều kiện có đủ các điều kiện để dùng thuốc kích thích buồng trứng, theo dõi sự đáp ứng nang noãn bằng siêu âm ngã âm đạo và xét nghiệm nội tiết tố; tiêm thuốc trưởng thành noãn.
Sau đó, tiến hành chọc hút trứng ra bên ngoài. Sau khi thu nhận trứng, các bác sĩ trong Lab sẽ đánh giá trứng, tách các tế bào hạt bên ngoài để thu noãn. Theo đó, những noãn trưởng thành sẽ được trữ đông và cất đi. Thời gian mất khoảng 2 tuần.
Số lượng trứng trữ phụ thuộc vào dự trữ buồng trứng của người phụ nữ và đáp ứng đối với thuốc kích thích buồng trứng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng khi trữ đông được 15 trứng là số lượng kỳ vọng để có kết quả thành công không có sự khác biệt giữa trứng tươi và trứng trữ đông.
Sau này, nếu người phụ nữ đó đã kết hôn, họ sẽ dùng trứng đông kết hợp cùng tinh trùng chồng để tạo thành phôi, chuyển vào cơ thể người phụ nữ để có con. Nếu chưa kết hôn, muốn có con, người phụ nữ đó sẽ xin tinh trùng tại ngân hàng tinh trùng để tạo phôi.
Tất cả nghiên cứu hiện đều ủng hộ quan điểm và các bằng chứng cũng cho thấy việc sử dụng trứng đông và trứng tươi không có sự khác biệt về kết quả như tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ tạo phôi, có thai, thai tốt, thai khỏe…
Tỷ lệ thành công này phụ thuộc nhiều vào độ tuổi của người phụ nữ ở độ tuổi tiến hành đông trứng. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào số lượng trứng đông, điều kiện nuôi cấy, các Lab thực hiện…
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Bộ môn Mô - Phôi, Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thông tin, các trường hợp đến để trữ trứng thuộc 2 nhóm: Nhóm vì lý do y tế như muốn bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư, chưa có tinh trùng để thụ tinh hoặc cần gom noãn tích lũy và nhóm vì các vấn đề xã hội.
Trong đó, số lượng bệnh nhân đến vì các vấn đề xã hội như chưa muốn kết hôn, không có ý định kết hôn, người trẻ chủ động đến để trữ trứng, tăng trong khoảng 3 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, các trường hợp trước khi chuyển giới cũng tìm tới để trữ đông trứng.
Xu hướng trữ trứng càng ngày càng tăng. Một là do xuất phát từ nguyên nhân y tế, ngày càng có nhiều bệnh nhân bị ung thư, họ quan tâm hơn đến việc bảo tồn khả năng sinh con sau khi điều trị bệnh.
"Đồng thời, người bệnh ít trứng quá buộc phải gom lại mới đủ để làm thụ tinh. Hai là độ tuổi kết hôn hiện nay tăng, phụ nữ hiện đại có xu hướng kết hôn muộn, trong khi đó, khả năng sinh sản không trường tồn theo thời gian, sẽ suy giảm sau 35 tuổi", PGS.Hà cho hay.
Về chi phí thực hiện trữ trứng, PGS-TS.Nguyễn Mạnh Hà cho hay, thường khoảng 40-50 triệu đồng bao gồm chi phí thăm khám, xét nghiệm, chọc hút trứng… Để duy trì bảo quản đông lạnh trứng trong các cọng đông, chi phí hằng năm là 1,7 triệu đồng/cọng.
Về nghi ngại về chất lượng trứng được trữ đông, PGS.Hà khẳng định, theo các nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ có thai sinh sống, tỷ lệ tạo phôi không có sự khác biệt giữa noãn trữ đông với noãn tươi. Đồng thời, với noãn đông lạnh, về tỷ lệ trẻ đẻ ra, tâm sinh lý, cân nặng, tỷ lệ dị tật bẩm sinh, cũng như sự phát triển sau này không có sự khác biệt.
PGS-TS.Nguyễn Mạnh Hà khuyến cáo, khác với trữ tinh trùng, trữ đông trứng không phải là kỹ thuật đơn giản, quy trình thực hiện y như thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ thiếu quá trình tạo phôi phía sau mà thôi. Do đó, chị em không nên chạy theo xu thế mà cần suy nghĩ cẩn trọng, chỉ nên thực hiện khi thực sự có nhu cầu và phù hợp.