Trữ lạnh vắc-xin COVID-19 đang là thách thức mới của Thế giới
Có rất nhiều thách thức trong việc phân phối vắc-xin COVID-19 đến người dùng trên toàn thế giới, trong đó trữ lạnh được cho là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Theo CNN, có rất nhiều yếu tố thách thức trong việc phân phối vắc-xin COVID-19 đến người dùng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, công tác hậu cần vận chuyển và bảo quản vắc-xin, công đoạn mang chúng từ phòng thí nghiệm đến tay người dân, hay còn gọi là "dây chuyền lạnh" - được cho là yếu tố quan trọng hơn cả.
Đòi hỏi nhiều đá khô và tủ đông siêu lạnh
Vắc-xin COVID-19 do tập đoàn dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sản xuất cần được bảo quản ở khoảng -70 độ C khi vận chuyển. Nhiệt độ này lạnh hơn tới -50 độ so với bất kỳ loại vắc-xin nào khác hiện đang được sử dụng.
Trong khi đó, công ty Moderna (Mỹ) cho biết vắc-xin của họ có thể bảo quản khi vận chuyển ở -20 độ C, ngưỡng nhiệt độ ở các tủ đông lạnh y tế phổ biến, và giữ trong tủ lạnh tiêu chuẩn trong 30 ngày.
Các thử nghiệm ở giai đoạn 3 cho thấy, cả hai ứng viên vắc-xin COVID-19 do hai tập đoàn kể trên phát triển đều có hiệu quả ngừa bệnh khoảng 95%, mặc dù kết quả này vẫn chưa được các nhà quản lý thẩm định. Tuy nhiên, nhiều khả năng lượng vắc-xin có sẵn trong năm tới của Moderna sẽ ít hơn của Pfizer.
Hôm 18/11, CEO của BioNTech - Ugur Sahin - đối tác của Pfizer, đã thừa nhận khó khăn trong việc vận chuyển loại vắc-xin do hãng đồng sản xuất, đồng thời cho biết đang nghiên để có thể vận chuyển vắc-xin ở nhiệt độ phòng, thời điểm hoàn thành dự kiến là vào nửa cuối năm 2021.
Pfizer có kế hoạch xuất xưởng 1,3 tỷ liều vắc-xin trong năm tới, do đó đòi hỏi nhiều đá khô (carbon dioxide thể rắn, nhiệt độ khoảng -78 độ C), và rất nhiều hộp đẳng nhiệt. Mỗi hộp dự kiến chứa tới 975 lọ (tương đương 4.875 liều) và yêu cầu được đổ đầy đá khô trong thời gian bảo quản lên đến 15 ngày.
Thách thức ngoài nước Mỹ
Việc phân phát vắc-xin đông lạnh cho các khu vực nông thôn hoặc nhóm nhỏ người dân cần tiêm tại Mỹ - mà không ảnh hưởng đến nhiệt độ bảo quản - đã là một vấn đề đau đầu. Tuy nhiên, đối với một số quốc gia khác, vấn đề lại càng nan giải hơn.
Trong đó, kết nối giao thông chậm hơn và cơ sở y tế nghèo nàn chính là những trở ngại đầu tiên. "Những quốc gia như Châu Phi và Ấn Độ không có cơ sở hạ tầng dây chuyền lạnh. Mỹ chi tiêu cho dây chuyền lạnh gấp 300 lần so với Ấn Độ”, ông David Gitlin, Giám đốc điều hành của tập đoàn điện lạnh Carrier, chia sẻ với CNN.
Chẳng hạn như Peru, một trong những quốc gia đã đặt hàng vắc-xin COVID-19 của Pfizer. Tại thủ đô Lima, với 30 tủ đông siêu lạnh, việc cung cấp vắc-xin có thể hiệu quả.
Tuy nhiên, khoảng 20 triệu người sống ở những nơi khác, gồm cả những cộng đồng sống trên dãy Andes và rừng nhiệt đới, việc cung cấp vắc-xin sẽ rất khó khăn vì những nơi này không có một chiếc tủ đông siêu lạnh nào.
Ngoài ra, vẫn còn có các rào cản hậu cần khác, trong đó bao gồm cả việc Thế giới sẽ cần một cuộc không vận lớn để đưa vắc-xin đến những nơi cần thiết.