Trụ sở sáng đèn nhờ điện 'sạch'
Thực hiện 'Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả' của tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (XTTM), Sở Công Thương đã xây dựng, lắp đặt một số hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT). Hiện các mô hình này đang phát huy hiệu quả và tiếp tục được nhân rộng.
Tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường
Năm 2021, Trung tâm Khuyến công và XTTM thực hiện đề án “Xây dựng, lắp đặt hệ thống cột đèn chiếu sáng sử dụng NLMT kết hợp lưới điện tại quảng trường UBND huyện Lục Ngạn”, thị trấn Chũ. Dự án gồm các hạng mục, cấu kiện lắp đặt như: Cột điện chiếu sáng; tấm pin NLMT (gồm 12 tấm, mỗi tấm có công suất 45 Wp); 1 bộ Inverter Hybrid 5 kW 3 pha (Hybrid là hệ thống sử dụng cả NLMT và bộ pin lưu trữ để cung cấp điện năng cho gia đình hoặc doanh nghiệp); 1 bộ công suất lưu trữ 16 KWh; 1 tủ điện chứa thiết bị đóng, cắt và bảo vệ; 18 bóng đèn pha led 100 W; cáp nguồn và một số phụ kiện khác. Tổng mức đầu tư hơn 460 triệu đồng. Công trình được khởi công xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV năm 2021.
Ông Trần Xuân Lộc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Lục Ngạn (đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống đèn chiếu sáng sử dụng NLMT kết hợp lưới điện tại quảng trường UBND huyện Lục Ngạn) chia sẻ, trước khi công trình này được đưa vào sử dụng, chi phí cho hệ thống đèn chiếu sáng cũ tại quảng trường rất tốn kém.
Cụ thể, hệ thống chiếu sáng của quảng trường có 30 bóng đèn cao áp, loại 400 W/bóng, tiêu thụ khoảng 85 kWh/ngày, chi phí bình quân khoảng 62,5 triệu đồng/năm. Việc thay thế, lắp đặt hệ thống cột đèn sử dụng NLMT Hibrid chiếu sáng sẽ giảm chi phí trong khoảng 9 tháng (3 tháng còn lại mùa đông, ít nắng), chỉ cần bổ sung từ 10-20% điện lưới. Đồng nghĩa với huyện tiết kiệm được khoảng 56 triệu đồng/năm.
Từ năm 2018 đến nay có 4 đơn vị (đều ở huyện Lục Ngạn) được hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng NLMT bao gồm: Khuôn viên UBND xã Giáp Sơn (năm 2018); khuôn viên UBND xã Tân Mộc (năm 2019); quảng trường UBND, huyện Lục Ngạn (năm 2021); khuôn viên UBND xã Tân Quang (năm 2022). Tổng kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hiện tại thị trấn Chũ chi khoảng 500 triệu đồng cho điện chiếu sáng/năm. Nếu thị trấn chuyển toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bằng điện lưới sang sử dụng NLMT sẽ tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng/năm.
Được biết, đến nay có 4 đơn vị (đều ở huyện Lục Ngạn) được hỗ trợ xây dựng, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng NLMT theo Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bao gồm: Khuôn viên UBND xã Giáp Sơn (năm 2018); khuôn viên UBND xã Tân Mộc (năm 2019); quảng trường UBND, huyện Lục Ngạn (năm 2021); khuôn viên UBND xã Tân Quang (năm 2022).
Lợi ích của việc sử dụng pin NLMT chiếu sáng đó là sản xuất ra nguồn năng lượng “sạch”, thân thiện và an toàn với môi trường; giúp đơn vị sử dụng điện tiết kiệm hơn so với nguồn điện thường; sử dụng điện trực tiếp tại chỗ. Tuổi thọ công trình sử dụng lâu dài, độ bền khoảng 20 năm. Ông Trần Huy Dương, Chủ tịch UBND xã Tân Quang cho biết: “Nhờ có nguồn điện sạch từ NLMT, trụ sở và khu trung tâm thể thao của xã luôn được thắp sáng, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự địa bàn về đêm. Đồng thời, tiết kiệm từ 10-15% điện năng tiêu thụ của xã Tân Quang”.
Khắc phục hạn chế, nhân rộng mô hình
Theo Trung tâm Khuyến công và XTTM, hiện đơn vị đang triển khai 2 công trình trong năm 2023 đó là: Xây dựng, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng khuôn viên UBND xã Phong Vân (Lục Ngạn) và đường nông thôn xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa). Dự kiến cuối năm 2023 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM cho biết, Nhà nước đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân lắp đặt, sử dụng NLMT cả trong sinh hoạt và sản xuất, nhất là điện chiếu sáng công cộng. Để phát huy hiệu quả và nhân rộng các công trình sử dụng NLMT, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình thí điểm về chiếu sáng công cộng sử dụng NLMT. Cách làm này sẽ tác động tích cực và nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và các cấp chính quyền về các loại sản phẩm nguồn sáng, thiết bị chiếu sáng tiết kiệm điện, nguồn năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, đơn vị thụ hưởng cần xác định cụ thể nhu cầu sử dụng và lắp đặt công trình sử dụng NLMT của mình, xây dựng kế hoạch cụ thể, làm đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí gửi Trung tâm Khuyến công và XTTM tổng hợp, lên kế hoạch khảo sát và tham mưu Sở Công Thương thẩm định, thực hiện theo quy định.
Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc xây dựng các mô hình sử dụng NLMT chiếu sáng do Trung tâm Khuyến công và XTTM thực hiện vẫn còn điểm hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, tại dự án “Xây dựng, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng sử dụng NLMT khuôn viên UBND xã Giáp Sơn”, công trình được đầu tư 480 triệu đồng để lắp mới 9 cột đèn chiếu sáng bằng NLMT gồm: Tấm pin NLMT, đèn led, cột đèn, cùng một số phụ kiện khác.
Ngoài ra, xã Giáp Sơn còn tự đầu tư xây dựng thêm 3 cột đèn chiếu sáng bằng NLMT. Đây là hệ thống điện NLMT lắp trực tiếp, không qua Inverter và hòa lưới điện quốc gia (ban ngày điện được tạo ra nhờ tấm pin NLMT, nạp vào bộ lưu trữ, tự động bật vào buổi tối và tắt vào buổi sáng nhờ cài đặt hẹn giờ sẵn). Công trình được bảo hành 3 năm, 2018-2021. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021 đã có một số bóng đèn bị hỏng.
Từ năm 2022 đến nay chỉ còn 2 cột đèn sáng. Việc lắp đặt 2 cột đèn trong sân trụ sở UBND xã rất cẩu thả. Hiện các hộp kỹ thuật không thể mở được vì không có chìa khóa (?), do đó xã gặp khó khi sửa chữa các cột đèn bị hỏng. Thực tế này đòi hỏi chủ đầu tư cần sớm phối hợp khắc phục, tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Bài, ảnh: Bảo Lâm
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/411480/tru-so-sang-den-nho-dien-sach-.html