Trúc Lâm đầu đà - một phong cách xuất trần Thượng sĩ

Hòa hợp xã hội là một phương pháp chính trị của vương quyền nhà Trần, nhưng cũng mang phong cách của Ngài từ ảnh hưởng giáo lý nhà Phật thấm nhuần.

Tìm lại dấu xưa là để ôn cố tri tân vậy. Bài viết này chúng tôi muốn nói lên phong cách đặc thù của Tổ Trúc Lâm, một phong cách tiêu biểu cho Thiền sư Việt Nam, cho Đạo Phật Việt Nam, mà ngày nay chúng ta đang tôn vinh và học hỏi.

Phong cách bình đẳng

Đạo Phật bản chất là một tôn giáo bình đẳng mọi tầng lớp giai cấp. Ở một xã hội phong kiến như nước ta thời ấy, Trúc Lâm Điều Ngự (Trần Nhân Tông) lại chọn cho mình hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà, nghĩa là một tu sĩ khổ hạnh. Mục đích của Ngài là người tu hành phải tạo cho mình phong cách bình đẳng, gần gũi với mọi tầng lớp xã hội.

- Bình đắng trong khoa cử

Ngài cũng tạo cho tầng lớp Nho giáo hiểu rằng, mặc dù Phật giáo bấy giờ ở thế độc tôn, nhưng để bình đẳng trong khoa cử, nhà Trần vẫn tổ chức các khoa thi cử tuyển người làm quan theo Nho giáo. Mặt khác, giới Tăng lữ Phật giáo phải lập hệ thống thi tuyển sát hạch, trình độ kiến thức phải tương đương, bình đẳng kiến thức Phật học mới được tu hành, giới tăng lữ không được ỷ lại vào triểu đình là Phật giáo mà tu hành với kiến thức không tương ứng, như thế sẽ làm làm cho tầng lớp Đạo giáo, Nho giáo thiếu đi lòng tôn trọng Phật giáo, mất đi sự bình đẳng tương quan trong xã hội.

- Bình đắng trong nhận thức

Ngoài ra, phong cách bình đẳng xã hội ở Ngài còn thể hiện ở đối đãi xã hội. Trong chiến tranh với giặc Nguyên Mông, Ngài mở hội nghị Diên Hồng, tôn trọng ý kiến nhân dân để cùng nhau tạo nên sức mạnh chiến thắng quân xâm lăng. Trong hòa bình thì Ngài từ bỏ vương quyền, theo hạnh đầu đà mà thâm nhập vào dân gian, gần gũi một cách bình đẳng khuyến hóa họ bỏ từ các hủ tục mê tín tu theo Phật đạo. Một phong cách Xuất trần Thượng sĩ của Trúc Lâm Đầu Đà tựa như cuộc đời đức Phật Thích Ca thuở xưa, cho đến ngày nay vẫn chưa có ai thực hiện được. Đó là những phong cách bình đẳng xã hội mà ngài vận dụng thành công từ giáo lý Phật đà.

Tượng Tam Tổ Trúc Lâm tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Ảnh: st

Tượng Tam Tổ Trúc Lâm tại Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác. Ảnh: st

Phong cách dung hợp

Hòa hợp xã hội là một phương pháp chính trị của vương quyền nhà Trần, nhưng cũng mang phong cách của Ngài từ ảnh hưởng giáo lý nhà Phật thấm nhuần.

- Dung hợp Nho - Thích - Đạo
Để tạo nên đối trọng của ba tôn giáo Nho, Phật, Lão là bình đẳng vẫn chưa đủ, còn phải cùng dung hợp với nhau, bổ sung cho nhau trong nhiều lĩnh vực thì Đất nước mới phát triển vững mạnh, cùng đồng lòng trong mọi vấn đề thì không việc gì mà không giải quyết được. Đấy là tư tưởng Tam hợp mà Phật Hoàng đã thực hiện trong suốt thời gian trị vì cũng như trong giai đoạn hoằng hóa Phật đạo của Ngài.

- Dung hợp ba dòng thiền
Về tư tưởng học thuật, Ngài là người tạo nên dấu ấn đặc biệt của Thiền phái Trúc Lâm khi dung hợp được cả ba dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi - Vô Ngôn Thông và Thảo Đường, tiếp thu những tinh hoa ấy đúc kết thành một dòng thiền đặc biệt mang đậm chất Việt, đó là thiền phái Trúc Lâm. Điều đó nói lên được tư tưởng độc lập tự chủ của một bậc tu hành biết nhìn xa trông rộng về một nên móng Phật giáo mới tại đất Việt, mang phong cách đặc thù của tinh thần Việt, được xuất phát điểm từ nơi Trúc Lâm Thượng sĩ.

- Dung hợp ba pháp môn
Thiền phái Trúc Lâm dưới sự hướng dẫn của Ngài đã có khuynh hướng dung hợp cả ba pháp môn Thiền, Mật, Tịnh. Ta có thể thấy được điều đó qua các ngôi chùa có cây tháp Cửu phẩm do các thiền sư Trúc Lâm trụ trì, tượng trưng cho sự dung hợp cả Tịnh độ và Mật giáo trong ấy. Hay như xá lợi của Phật Hoàng còn lưu giữ nơi chùa Hương Tích, Thanh Hà, Hải Dương, là một xâu tràng hạt đeo tay, chứng tỏ Ngài hòa đồng với thế giới tịnh độ như thế nào. Đây là một phong cách thiền chỉ có tại nước Việt do Phật Hoàng tạo nên.

Ảnh: st

Ảnh: st

Phong cách đơn giản

Mỗi một dòng thiền, mỗi vị thiền sư, đều mang phong cách riêng biệt, nhưng dấu ấn của Phật Hoàng còn thể hiện lên hành trạng giản đơn mộc mạc trong cuộc đời hành đạo, qua tư tưởng "Cư Trần Lạc Đạo" nơi Ngài. Chúng ta thử nhận xét sự giản đơn của Ngài và trùng hợp đến ngẫu nhiên với cuộc đời đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni:

- Đức Phật Tổ bỏ ngai vàng diện ngọc đi vào núi rừng xuất gia tìm đạo, Phật Hoàng cũng như thế.
- Đức Phật Tổ cắt ái từ thân lặng lẽ ra đi; Phật Hoàng cũng biệt vương triều ra di như thế.
- Đức Phật Tổ vì cầu đạo, sáu năm khổ hạnh nơi rừng già; Phật Hoàng cũng một mình nơi non cao Yên Tử.
- Đức Phật Tổ du hành hóa đạo không trụ nơi nào; Phật hoàng cũng vân du thiên hạ tế vật độ sinh không nơi nào trụ.
- Đức Phật Tổ cuối đời quay về rừng Sa La Niết bàn; Phật hoàng khi cảm nhận lão suy trở về núi Yên Tử mà thị tịch.
- Đức Phật Tổ nhập Niết Bàn trên giường dây giăng giữa hai cây Sa La; Phật Hoàng cũng không ở trong am Ngọa Vân, mà giăng võng nằm thị tịch ở hai cây bên rừng Hoa Yên.

Qua những hành trạng trên, chúng ta thấy được sự đơn giản biết chừng nào trong cuộc đời hành đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, không rời ý chỉ Phật tổ mà ung dung tự tại, ngao du hóa độ khắp chốn non sông đất Việt thời bây giờ.

Qua tổng hợp về ba phong cách Xuất trần Thượng sĩ trên đây, chúng ta ngày nay thử suy nghĩ việc này sẽ mang lại thông điệp gì cho việc khôi phục, phát triển thiền phái Trúc Lâm mới hiện nay của Phật giáo Việt Nam? Chúng tôi không dám đặt mục tiêu nào cao xa, chỉ nhấn mạnh đến ba điểm nồi bật nơi Ngài, để mình tự cân nhắc cảnh tỉnh lấy mình, để người trong cuộc thời nay tự thân nỗ lực làm mới mình, và phải nhận thức rằng, yếu tố con người vẫn là động lực quan trọng nhất để xây dựng quần thể di tích Yên Tử ngày nay đi đến thành công. Từ đó, đưa giáo hội, tăng đoàn, xã hội, nhân sinh phát triển cộng hưởng, đó chính là hành trạng, phong cách và tư tưởng.

Người muốn kế tục sự nghiệp thiền phái Trúc lâm; người sẽ đương cơ lãnh đạo Giáo hội; người mong thành tựu nhiếp hóa đồ chúng, nếu thiếu đi ba phong cách trên, chắc chắn rằng Phật giáo Trúc Lâm không thể phục hồi phát huy. Dẫu rằng ngày nay di tích chùa cảnh nguy nga, tăng lữ phẩm cao chức trọng, Phật sự sinh hoạt được cúng dường đủ đầy. Thử hỏi, những điều ấy có thể làm nên một phong cách Xuất trần Thượng sĩ được chăng?

Có được những nền móng ngàn xưa để lại quá ư tốt đẹp, chúng ta có quyền tự hào và hãy phát huy truyền thống ấy bằng nỗ lực tự thân nơi mỗi hành trạng, sao cho phong cách, tư tưởng của người thời nay hãnh diện rằng, ta là con cháu đích thực của
Phật hoàng, là người xứng đáng với kỳ vọng của Phật Giáo Việt Nam thống nhiếp đại chúng, phục vụ nhân sinh.

Nguồn: chuaxaloi.vn
Trích: Phật giáo và những dòng suy tư, trang 41-47 (Tác giả Thích Đồng Bổn - NXB Hồng Đức)

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/truc-lam-dau-da-mot-phong-cach-xuat-tran-thuong-si.html