Trục lợi bảo hiểm: Khi lòng tham đẩy con người tới tội ác
Vụ việc người mẹ ở Quảng Nam nhẫn tâm sát hại con trai ruột 6 tuổi để trục lợi tiền bảo hiểm nhân thọ đã khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ những ngày qua. Một lần nữa, hồi chuông cảnh báo về tình trạng trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam lại vang lên, nhức nhối và đầy ám ảnh.
Tội ác vì đồng tiền
Chia sẻ quan điểm về vụ việc này, bà Nguyễn Minh Châu - Quản lý kinh doanh, Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam bày tỏ: "Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng đây là một trong những hành vi tàn nhẫn và suy đồi đạo đức nghiêm trọng nhất. Thậm chí, người mẹ này còn có sự tính toán, mua bảo hiểm cho con trước, chờ đến thời điểm thích hợp để ra tay sát hại con nhằm hưởng khoản bồi thường của bảo hiểm”.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích, hành vi của người mẹ xâm phạm một lúc 02 khách thể mà pháp luật bảo vệ, đó là tính mạng của người khác và trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Do đó, Luật sư Nguyễn Văn Đồng cho rằng, người phụ nữ này có thể sẽ phải đối diện với 02 tội danh là tội giết người với các tình tiết định khung giết 02 người trở lên; giết người dưới 16 tuổi; giết người vì động cơ đê hèn (Hành vi thực hiện với mục đích xấu xa, thấp hèn, đáng khinh bỉ, không màng đến danh dự, nhân phẩm, tư cách đạo đức) quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình; và tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm với tình tiết định khung chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500 triệu đồng trở lên, quy định tại khoản 3 Điều 213 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù.

Mẹ sát hại con để trục lợi bảo hiểm có thể đối diện với khung hình phạt cao nhất là tử hình
Nói về nguyên nhân khiến các hành vi trục lợi bảo hiểm vẫn liên tiếp xảy ra, dù bị xã hội lên án mạnh mẽ, bà Minh Châu cho rằng, lòng tham và áp lực tài chính là 2 lý do hàng đầu. “Sở hữu một hợp đồng bảo hiểm trị giá hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng có thể dễ dàng khiến một số người nảy sinh ý đồ "lách luật" để chiếm đoạt số tiền đó, nhất là khi đạo đức bị lung lay trước những khó khăn vật chất”, bà Minh Châu cho hay.
Bên cạnh đó, những lỗ hổng trong quy trình thẩm định, giám sát của một số công ty bảo hiểm cũng góp phần tạo điều kiện cho các hành vi gian lận diễn ra. Các thủ đoạn trục lợi ngày càng tinh vi, có tổ chức hơn, thậm chí có sự tiếp tay của người trong ngành y tế hay chính nhân viên bảo hiểm. Nhiều vụ việc trục lợi bị phát hiện, nhưng việc xử lý chưa thực sự nghiêm minh, khiến hiệu quả răn đe chưa đạt kỳ vọng.
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, từ sự việc này và các trường hợp trục lợi bảo hiểm xảy ra trước đó cho thấy, cơ chế kinh doanh bảo hiểm, quy định về hưởng chế độ, hồ sơ, trình tự thủ tục và cả chế tài xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm hiện còn khá lỏng lẻo. Điều này dẫn đến tình trạng một số người bất chấp sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của bản thân và người thân để trục lợi.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
Thiệt hại tài chính, suy giảm niềm tin
Giải thích về quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm nhân thọ, bà Nguyễn Minh Châu - Quản lý kinh doanh, Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam cho biết, quá trình này bắt đầu bằng việc thông báo sự kiện bảo hiểm, nộp đầy đủ hồ sơ yêu cầu. Công ty bảo hiểm sẽ thẩm định, xác minh hợp đồng, nguyên nhân sự cố và tính hợp lệ của hồ sơ trước khi quyết định chi trả.
Tuy nhiên, trong những trường hợp tử vong bất thường như tai nạn, tự tử, sát hại hoặc mất tích, quy trình thẩm định sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn. Công ty bảo hiểm sẽ rà soát kỹ lưỡng các yếu tố liên quan đến nguyên nhân tử vong và mối quan hệ giữa người thụ hưởng và người được bảo hiểm, đồng thời chờ kết luận chính thức từ cơ quan chức năng trước khi ra quyết định chi trả.
Cũng theo vị này, các yếu tố để công ty bảo hiểm quyết định từ chối hoặc đồng ý chi trả quyền lợi bao gồm: hiệu lực hợp đồng, điều khoản loại trừ, nguyên nhân sự kiện bảo hiểm, tính chính xác của hồ sơ yêu cầu và dấu hiệu gian lận nếu có.
“Những vụ việc trục lợi bảo hiểm không chỉ gây thiệt hại tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp, mà còn làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của khách hàng vào toàn ngành. Chi phí điều tra gian lận tăng cao, cùng với nguy cơ rủi ro pháp lý, buộc nhiều công ty phải cân nhắc tăng phí bảo hiểm, gián tiếp gây thiệt hại cho những khách hàng chân chính”, bà Nguyễn Minh Châu cho hay.

Bà Nguyễn Minh Châu - Quản lý kinh doanh, Công ty Bảo hiểm Dai-ichi Life Việt Nam
Trước đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã từng ghi nhận nhiều vụ việc trục lợi tương tự, từ việc dàn dựng tai nạn giả, khai man hồ sơ y tế đến cố tình tạo ra sự cố. Các vụ việc này không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh ngành bảo hiểm mà còn tạo ra những hệ lụy xã hội tiêu cực.
Để hạn chế tình trạng trên, bà Minh Châu cho rằng, các công ty bảo hiểm cần tăng cường kiểm tra, thẩm định hồ sơ kỹ lưỡng; đào tạo nhân viên chuyên sâu để phát hiện dấu hiệu gian lận; ứng dụng công nghệ trong giám sát và xử lý dữ liệu. Bên cạnh đó, việc truyền thông đúng đắn về ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm nhân thọ là điều rất cần thiết.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đồng khuyến nghị, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu mở rộng phạm vi xử lý, kể cả đối với hành vi "chuẩn bị phạm tội" trong lĩnh vực này, nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tội phạm hiệu quả hơn”.