Trục lợi bảo hiểm sẽ bị xử lý như thế nào?
Trục lợi bảo hiểm là dùng các hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Đây là hành vi bị cấm theo pháp luật.
Trước đây, tại Lâm Đồng xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân xuất phát từ việc muốn trục lợi bảo hiểm. Theo đó, Đỗ Văn Minh khi đó đang là cán bộ ở xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.
Vào khoảng từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2020, Minh đã vay mượn và nhận tiền của nhiều người dân trên địa bàn huyện Lâm Hà để thỏa thuận chuyển nhượng đất với số tiền lên đến hơn 23 tỷ đồng. Số tiền này Minh chủ yếu dùng vào việc mua bán cà phê trực tuyến trên sàn quốc tế nhưng bị thua lỗ dẫn đến không có khả năng trả nợ.
Minh đã nảy sinh âm mưu mua bảo hiểm rồi nhân thọ rồi tìm cách tạo hiện trường giả một vụ tai nạn giao thông. Mục đích của Minh là để mọi người lầm tưởng bản thân đã chết nhằm xóa nợ và chiếm đoạt số tiền bảo hiểm.
Để thực hiện ý định trên, ngày 9/4/2020, Minh mua bảo hiểm nhân thọ với giá 230 triệu đồng/năm, giá trị bồi thường trong trường hợp tai nạn tử vong là 18 tỷ đồng và đóng đủ số tiền của năm 2020. Sau đó, Minh đã sát hại một người dân trong vùng, cho vào ô tô của mình và phóng hỏa đốt.
Khi bị bắt giữ, Minh khai lý do là muốn chiếm đoạt số tiền bảo hiểm được đền bù. Sau này, Minh đã bị tuyên án tử hình.

Bị cáo Minh bị tuyên án tử hình do giết người nhằm trục lợi bảo hiểm. Ảnh: CALĐ.
Trước đó, vào ngày 5/5/2016, do mắc vào nợ nần, Lý Thị N. (SN 1986, Phúc Thọ, Hà Nội) đã thuê Doãn Văn Doanh (SN 1995) cùng quê chặt 1/3 bàn chân và 1/3 bàn tay bên trái của N. với giá 50 triệu đồng rồi tạo hiện trường giả một vụ tai nạn tàu hỏa để lấy tiền bảo hiểm.
Qua điều tra, công an phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Kết luận giám định thương tật, N. bị tổn hại 79% sức khỏe. Tuy nhiên, thương tích ở tay và chân cô này không giống do tai nạn tàu hỏa gây ra.
Đặc biệt, cơ quan điều tra phát hiện, trước đó hơn 1 tháng, N. mua liên tiếp 3 gói bảo hiểm thân thể của 2 công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo hợp đồng, nếu bị thương tật vĩnh viễn do tai nạn giao thông, cô ta có thể được thanh toán tổng số tiền khoảng 3,5 tỷ đồng.
Một vụ án khác liên quan đến số tiền bảo hiểm chi trả cho người đã mất. Năm 2024, Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, trú tại xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng bị cáo buộc sát hại những người thân trong gia đình và sau đó nhận 800 triệu đồng tiền bảo hiểm.
Theo luật sự Đặng Xuân Cường (Trưởng ban Hình sự, TAT Law Firm) nếu một cá nhân cố tình tước đoạt mạng sống của người thân để được nhận tiền bảo hiểm, hành vi đó trước tiên cấu thành tội giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, người đó còn có thể bị xem xét thêm về tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213 BLHS) nếu có hành vi lừa dối để chiếm đoạt tiền từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Tội giết người có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Trong khi đó, gian lận bảo hiểm có thể bị phạt tới 7 năm tù nếu số tiền trục lợi lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là một trường hợp điển hình về trục lợi bảo hiểm bằng hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nếu được xác nhận bởi kết luận điều tra. Luật sư Đặng Xuân Cường cho hay trục lợi bảo hiểm không phải là chuyện hiếm. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc, từ dàn dựng tai nạn, làm giả hồ sơ y tế, giả chết, thậm chí cố tình gây hư hại tài sản để được bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, việc giết người thân để trục lợi bảo hiểm là hành vi nằm ở giới hạn cực đoan và phi nhân tính nhất.

Ảnh minh họa
Luật pháp quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo hiểm như sau:
a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.
Như vậy, trục lợi bảo hiểm là hành vi cố tình vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh bảo hiểm để thu lợi bất chính từ đối tượng được bảo hiểm. Việc trục lợi có thể đến từ người thụ hưởng hoặc đến từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Các mức xử phạt đối với hành vi trục lợi bảo hiểm
Theo đó, căn cứ Điều 213 Bộ luật hình sự 2015, mức xử phạt của tội gian lận trong bảo hiểm được định khung hình phạt tùy vào đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và số tiền chiếm đoạt của hành vi này, cụ thể như sau:
Đối với cá nhân phạm tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu chiếm đoạt tiền bảo hiểm từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng khi thực hiện các hành vi sau:
+ Thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;
+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
+ Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
+ Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm trừ trường hợp luật quy định khác.
- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu vi phạm:
+ Có tổ chức;
+ Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
+ Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu:
+ Chiếm đoạt số tiền bảo hiểm 500.000.000 đồng trở lên;
+ Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng,cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.