Trực Ninh phát huy hiệu quả của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Trực Ninh đi vào hoạt động từ năm 2019 trên cơ sở sáp nhập các trạm: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), Chăn nuôi và Thú y, Khuyến nông của huyện. Ngay từ khi thành lập, Trung tâm đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, phát huy tốt vai trò hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Trực Ninh đi vào hoạt động từ năm 2019 trên cơ sở sáp nhập các trạm: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV), Chăn nuôi và Thú y, Khuyến nông của huyện. Ngay từ khi thành lập, Trung tâm đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, phát huy tốt vai trò hoạt động hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Trực Ninh hướng dẫn nông dân xã Trung Đông biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Trực Ninh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) chủ động tham mưu UBND huyện chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh động vật; tổ chức thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như: điều tra, dự tính, dự báo thời gian phát sinh, mức độ gây hại và hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên đồng ruộng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng, nhân rộng các mô hình khuyến nông và phòng chống dịch bệnh động vật… Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, huyện cùng các xã, thị trấn mở các lớp đào tạo nghề trồng cây lương thực, thực phẩm cho 90 lượt người nông dân của các xã Trực Tuấn, Trực Hưng, Trực Nội; 13 lớp tập huấn kỹ thuật gieo sạ, biện pháp quản lý dịch hại, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cho 850 nông dân của các xã, thị trấn: Trực Khang, Trực Tuấn, Trực Đạo, Phương Định, Ninh Cường; 5 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho 250 học viên tại các xã Phương Định, Liêm Hải, Trực Chính, Trực Thái… Qua các lớp tập huấn giúp nông dân tiếp thu, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh gây hại và sản xuất có hiệu quả. Trong vụ xuân năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với Công ty Bayer Việt Nam trình diễn giống lúa Arize 6129 vàng tại xã Liêm Hải với quy mô 1,5ha. Đây là giống chịu thâm canh, có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt có khả năng thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương nhằm bổ sung vào cơ cấu giống của huyện, thay thế cho các giống lúa cũ đã thoái hóa hoặc khả năng chống chịu kém. Năm 2020, Trung tâm đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông (Sở NN và PTNT) thực hiện mô hình sản xuất nấm sò tại xã Trực Thái giúp người dân tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp, tạo sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Trong công tác quản lý dịch hại cây trồng, Trung tâm đã phân công cán bộ tích cực bám sát đồng ruộng, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác điều tra, giám sát; dự tính, dự báo chính xác thời gian phát sinh, phạm vi và mức độ gây hại; đề xuất chủ trương, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật và thông báo kịp thời tình hình dịch hại cây trồng trên địa bàn toàn huyện. Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên theo dõi, giám sát và quản lý tốt những đối tượng dịch hại chính như: chuột, cỏ dại, ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, sâu keo mùa thu, bệnh nghẹt rễ, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt... nên mức độ gây hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể tới năng suất và chất lượng cây trồng.

Trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Trực Ninh phân công cán bộ tăng cường bám sát cơ sở nắm chắc tình hình chăn nuôi, giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi; xác minh, báo cáo kịp thời khi có ổ dịch phát sinh. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), các địa phương triển khai lấy mẫu giám sát chủ động dịch bệnh động vật trên cạn. Cụ thể, đã tiến hành lấy 32 mẫu bệnh phẩm lợn tại các hộ giết mổ ở các xã, thị trấn: Cát Thành, Cổ Lễ, Trực Thuận, Phương Định để tiến hành giám sát các bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch tả lợn cổ điển, tai xanh; kết quả có 4 mẫu dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong 54 mẫu bệnh phẩm gia cầm lấy tại các hộ chăn nuôi ở các xã, thị trấn: Phương Định, Trực Thuận, Trực Khang, Trực Chính, Việt Hùng, Cát Thành, tất cả đều âm tính với virus cúm gia cầm; 54 mẫu gộp dịch hầu họng gia cầm và 17 mẫu gộp môi trường tại chợ Cổ Lễ, kết quả xét nghiệm có 1 mẫu dương tính với virus cúm gia cầm. Kết quả của 61 mẫu giám sát sau tiêm phòng vắc-xin dịch tả lợn vụ xuân 2020 tại xã Trực Thái và thị trấn Cát Thành, có 59 mẫu có kháng thể. Với các địa phương có mẫu dương tính với bệnh, Trung tâm đã hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống, xử lý kịp thời không để nguồn bệnh phát tán ra diện rộng. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Trung tâm tăng cường lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm, thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn lợn. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 6.000 lít hóa chất sát trùng và cấp phát cho các xã, thị trấn; vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua 1.000 lít hóa chất, hơn 400 tấn vôi bột thực hiện khử trùng, tiêu độc ngăn chặn dịch bệnh không lây lan sang địa bàn khác. Nhằm đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm, Trung tâm đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiến hành lấy 10 mẫu thịt lợn, 8 mẫu thịt gà, 14 mẫu thức ăn chăn nuôi tại các xã, thị trấn: Cổ Lễ, Cát Thành, Trực Chính, Trung Đông, Việt Hùng, Trực Hưng để kiểm tra tồn dư kháng sinh, chỉ tiêu vi khuẩn Salmonella, Ecoli và các chất cấm Salbutamol, Clenbuterol; kiểm tra 5 cơ sở giết mổ lợn và 5 mẫu nước phục vụ sản xuất để xét nghiệm các chỉ tiêu Coliform tổng số, E.coli/Feacal Coliforms. Kết quả các cơ sở kiểm tra và các mẫu được test đều đạt các tiêu chí vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Trực Ninh đã phát huy hiệu quả vai trò, nổi bật là sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở trong công tác quản lý dịch hại trên cây trồng và phòng chống dịch bệnh động vật. Mặc dù vậy hoạt động của Trung tâm vẫn còn bất cập. “Hiện nay, các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không có chức năng quản lý Nhà nước như: kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; kiểm tra vệ sinh thú y và sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp… nên gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao. Sau sát nhập, Trung tâm còn thiếu cán bộ chuyên môn” - đồng chí Nguyễn Văn Đăng cho biết. Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho người dân; làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại trên cây trồng; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT, UBND huyện và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; trước mắt chuẩn bị tốt điều kiện cho sản xuất vụ xuân 2021 đảm bảo đạt kết quả tốt nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương ngày càng phát triển./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202011/truc-ninh-phat-huy-hieu-qua-cua-trung-tam-dich-vu-nong-nghiep-2540920/