Trực Ninh xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh

Những năm qua, phong trào thi đua xây dựng tổ chức Hội vững mạnh đã được các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Trực Ninh tập trung chỉ đạo với phương châm hướng mạnh về cơ sở. Các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các đợt thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ công tác trọng tâm... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Những năm qua, phong trào thi đua xây dựng tổ chức Hội vững mạnh đã được các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Trực Ninh tập trung chỉ đạo với phương châm hướng mạnh về cơ sở. Các cấp Hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai các đợt thi đua, các cuộc vận động, các nhiệm vụ công tác trọng tâm; đa dạng hóa mô hình hoạt động và hình thức tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên; quan tâm phát triển hội viên mới; nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội; đẩy mạnh xây dựng và phát triển quỹ Hội, Quỹ Hỗ trợ nông dân, thực sự trở thành “chất keo” gắn kết giữa hội viên nông dân với tổ chức Hội.

Hội viên nông dân thị trấn Cổ Lễ phát triển nghề mộc mỹ nghệ.

Trong 5 năm qua, các cấp HND trong huyện đã tổ chức thực hiện có hiệu quả 3 phong trào thi đua trọng tâm: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh”. Nổi bật là, đã có hàng nghìn cán bộ, hội viên trở thành gương điển hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm thu nhập trên 100 triệu đồng; nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đến gần 3 tỷ đồng. Tiêu biểu là các ông: Trần Văn Hài, xã Trực Hùng sản xuất sợi PE; ông Nguyễn Đoàn Phó, thị trấn Cổ Lễ sản xuất đồ gỗ truyền thống; ông Lâm Văn Lưu xã Trực Hùng trồng rau thủy canh kết hợp hữu cơ; ông Phạm Văn Oánh, xã Trực Thanh làm tăm nhang xuất khẩu; ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái chăn nuôi; ông Lưu Văn Uyển, xã Trực Thắng trồng cây cảnh; ông Nguyễn Văn Sỹ, xã Trực Thuận chăn nuôi trang trại; ông Đồng Ngọc Hà, xã Trực Khang chăn nuôi gà; ông Đinh Văn Xông, xã Liêm Hải nuôi ba ba; ông Ngô Văn Ánh, xã Trực Cường nuôi cá lồng bè trên sông Ninh Cơ… Hàng năm, các cấp HND trong huyện giúp được từ 400-500 hộ vươn lên thoát nghèo, từ đó đã tạo thêm niềm tin và mối quan hệ ngày càng gắn bó của hội viên với tổ chức Hội. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo lợi ích thiết thực, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với hội viên, nông dân. Với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, các cấp Hội đã tập trung xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Hội cấp trên; tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo; chủ động tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để khai thác, vận động tạo nguồn lực cho Hội hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, vay vốn tín dụng, tạo điều kiện cho hội viên nông dân trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua, đã có trên 400 lượt hộ hội viên nông dân được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp với số tiền gần 3 tỷ đồng để phát triển sản xuất. HND huyện cũng đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề trong và ngoài tỉnh dạy một số ngành nghề cho hội viên như: Nghề trồng cây cảnh ở các xã Trực Thắng, Trực Đại; nghề mộc ở thị trấn Cổ Lễ, các xã Trung Đông, Việt Hùng; nghề đan lẵng hoa ở xã Trực Tuấn; nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm ở thị trấn Cát Thành, các xã Trực Hưng, Trực Cường, Trực Thanh, Trực Thuận, Trực Chính; nghề may tại các xã Liêm Hải, Việt Hùng... Từ năm 2015 đến nay các cấp HND trong huyện đã phối hợp tổ chức được 34 lớp dạy nghề cho 1.190 lao động nông thôn, sau học nghề 80% lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Cùng với đó, các cấp HND trong huyện đã phát huy vai trò tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhiều nội dung kiến nghị, đề xuất của Hội đã được cấp ủy Đảng, chính quyền ghi nhận và giải quyết. Thông qua đó, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện để HND các cấp trên địa bàn huyện hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, các cấp Hội thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới. Với vai trò nòng cốt, thúc đẩy, quyết định chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua yêu nước của Hội, HND huyện đã đổi mới lề lối làm việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm. Đội ngũ cán bộ chuyên trách Hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với nông dân, nông thôn, sâu sát thực tiễn phong trào, thường xuyên đi cơ sở, tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong người cán bộ Hội theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt, các cấp Hội trên địa bàn toàn huyện và cán bộ Hội đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; khắc phục những hạn chế, yếu kém của tổ chức và cá nhân, có giải pháp thiết thực, cụ thể để khắc phục sửa chữa. Nhiều cán bộ Hội cơ sở vừa giỏi làm kinh tế, vừa giỏi trong điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhiệt tình, trách nhiệm với công tác Hội và phong trào nông dân, quan tâm giúp đỡ hộ nghèo vượt khó đã có sức lôi cuốn, thu hút mạnh mẽ hội viên, nông dân làm theo; tạo được uy tín, niềm tin đối với cấp ủy, chính quyền và hội viên nông dân. Đó là những cán bộ “Dân vận khéo”, “Óc nghĩ, mắt thấy, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Điển hình như ông Nguyễn Văn Thỉnh, Chủ tịch HND xã Trực Thuận, kinh doanh vật tư nông nghiệp thu nhập bình quân hơn 300 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Đăng, Phó Chủ tịch HND xã Liêm Hải xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa lai cho thu nhập 400 triệu đồng/năm. Ông Trịnh Văn Diện, chi hội trưởng chi An Trạch, xã Trực Chính cải tiến công cụ, trồng cây vụ đông cho thu nhập 500 triệu đồng/năm. Ông Vũ Trung Trực, tổ trưởng tổ hội nghề nghiệp xã Trung Đông, sản xuất lúa gạo sạch cho thu nhập 700 triệu đồng/năm… Qua các phong trào thi đua, đội ngũ cán bộ Hội ngày càng nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Phong trào thi đua đã trở thành động lực tinh thần to lớn cổ vũ, động viên cán bộ Hội tích cực, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ hiệu quả phong trào thi đua xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chất lượng hội viên và HND cơ sở ở huyện Trực Ninh ngày càng được nâng lên, số cơ sở Hội vững mạnh, xuất sắc năm sau luôn cao hơn năm trước, nông dân tham gia sinh hoạt Hội ngày càng tăng. Đến nay, toàn huyện có 30.710 hội viên nông dân. Hệ thống tổ chức Hội được củng cố và phát triển, vai trò, vị thế của tổ chức Hội ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh xuất sắc, được các cấp ủy Đảng, chính quyền ghi nhận./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5086/202109/truc-ninh-xay-dung-to-chuc-hoi-nong-dan-vung-manh-2546305/