Trục sông Đà - trục trung tâm phát triển của thành phố Hòa Bình

Nằm bên dòng sông Đà với chiều dài 10 km từ hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình đến xã Thịnh Minh, cảnh quan thiên nhiên hữu tình với nhiều xóm, bãi bồi, con nước trải dài đang mở ra cơ hội rất lớn cho thành phố Hòa Bình (TPHB) phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.

Nằm bên dòng sông Đà với chiều dài 10 km từ hạ lưu đập thủy điện Hòa Bình đến xã Thịnh Minh, cảnh quan thiên nhiên hữu tình với nhiều xóm, bãi bồi, con nước trải dài đang mở ra cơ hội rất lớn cho thành phố Hòa Bình (TPHB) phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ.

Thành phố Hòa Bình phát triển theo hướng thành phố xanh - sạch - đẹp.

Thành phố Hòa Bình phát triển theo hướng thành phố xanh - sạch - đẹp.

Chính vì vậy, một trong những nội dung quan trọng trong Đồ án quy hoạch chung đô thị (QHCĐT) tỷ lệ 1/10.000 TPHB đến năm 2045 do đơn vị tư vấn đề cập là lấy trục sông Đà làm trục trung tâm phát triển của TPHB trong tương lai; đồng thời phát triển dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.

Theo Đồ án QHCĐT tỷ lệ 1/10.000 TPHB, khu vực dọc hai bờ sông Đà tập trung chỉnh trang các khu dân cư (KDC) hiện hữu, phát triển các khu đất thương mại - dịch vụ, tòa nhà hỗn hợp, du lịch, một số khu đô thị, khu nhà ở mới đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, công viên cây xanh, bến thuyền du lịch, phố đi bộ ven sông Đà. Khu dọc hai bên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình phát triển các khu, cụm công nghiệp, du lịch, sân golf, công viên, một số khu đô thị, khu nhà ở mới đã được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Đối với quy hoạch cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu phát triển du lịch, sân golf.

Đồ án xác định cảnh quan, kiến trúc 2 bên bờ sông Đà nhằm phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại. Theo đó, đối với các KDC hiện hữu: Giữ nguyên, cải tạo, chỉnh trang. Đối với KDC mới đã lựa chọn nhà đầu tư: Giữ nguyên theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tại phường Thịnh Lang bổ sung bến thuyền du lịch, cải tạo, chỉnh trang vườn hoa trước cửa nhà văn hóa thành phố. Tại phường Tân Hòa quy hoạch là đất hỗn hợp. Tại phường Trung Minh quy hoạch đường giao thông ven sông kết hợp xây dựng mới công viên, bãi đỗ xe. Tại xã Yên Mông quy hoạch là đất hỗn hợp, thương mại - dịch vụ, du lịch, cảng tổng hợp đón khách du lịch. Tại phường Kỳ Sơn quy hoạch đất hỗn hợp, công viên cây xanh, dịch vụ công cộng đô thị, bổ sung bến thuyền du lịch...

Về quản lý, sắp xếp không gian các phân khu (trong đó, khu vực lõi và các xã, phường xung quanh khu vực trung tâm TPHB tập trung cải tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”; khu vực huyện Kỳ Sơn (cũ) quy hoạch phát triển là khu đô thị mới). Toàn TPHB được chia thành 6 khu: Trung tâm đô thị hành chính TPHB diện tích khoảng 1.552ha, gồm đơn vị hành chính các phường: Tân Hòa, Thịnh Lang, Hữu Nghị, Tân Thịnh, là khu trung tâm đô thị hành chính, văn hóa, thương mại dịch vụ thành phố. Duy trì không gian trung tâm đa chức năng, đô thị lõi thành phố tương hỗ với khu công nghiệp tập trung phía Đông đường cao tốc. Thúc đẩy hoạt động đô thị sôi động, đa dạng, hấp dẫn. Hình thành các không gian công cộng, quảng trường, công viên trung tâm, các trục phố đi bộ thương mại. Tái thiết không gian, cảnh quan sông nước, lựa chọn không gian, địa điểm phù hợp phát triển trung tâm văn hóa nghệ thuật, dịch vụ du lịch. Đề xuất một số vị trí xây dựng điểm nhấn đô thị, công trình cao tầng (Landmark).

Trung tâm đô thị hành chính tỉnh Hòa Bình diện tích khoảng 7.701 ha, gồm đơn vị hành chính các phường: Thái Bình, Thống Nhất, Dân Chủ, Phương Lâm, Quỳnh Lâm, Đồng Tiến, Trung Minh, là khu trung tâm đô thị hành chính, y tế, thể dục thể thao, du lịch tỉnh. Duy trì và phát triển lõi trung tâm đô thị hiện hữu gắn liền với trung tâm hành chính - chính trị tỉnh. Phát triển khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng phục vụ du lịch. Chú trọng khai thác mặt nước sông Đà, vùng cảnh quan ven sông, ven hồ Hòa Bình và các đồi cao phía Đông. Xây dựng trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, thể thao, công viên, khu đô thị, khu nhà ở mới, khu du lịch nghỉ dưỡng.

Khu đô thị trung chuyển - dịch vụ - du lịch diện tích khoảng 7.045 ha, gồm đơn vị hành chính phường Kỳ Sơn, xã Mông Hóa, là khu đô thị trung tâm trung chuyển, nút giao thông trọng yếu, điểm giao các tuyến đường liên vùng như cao tốc Hà Nội - Hòa Bình, quốc lộ 6, đường sắt vùng Hà Nội. Điểm kết nối với các thành phố lân cận, nơi trung chuyển các phương tiện giao thông (đường bộ, đường sắt) có điều kiện phát triển hỗn hợp, dịch vụ, mật độ cao. Hình thành, phát triển hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao, điện tử, tự động hóa với nền khoa học công nghệ tiên tiến, đảm bảo phát triển bền vững của thành phố trong tương lai. Phát triển mô hình du lịch sinh thái ở các không gian xung quanh hồ Dụ, thác Thăng Thiên, hồ Đồng Bến…

Khu đô thị công nghiệp cửa ngõ phía Bắc diện tích khoảng 8.914 ha, gồm đơn vị hành chính các xã: Hợp Thành, Quang Tiến, Thịnh Minh, là khu đô thị công nghiệp tập trung thương mại dịch vụ, cửa ngõ của thành phố, hình thành đô thị mật độ cao đầy đủ các tính chất thương mại, dịch vụ, tài chính. Phát triển các dự án khu đô thị sinh thái mật độ thấp trên các vùng đồi thoải và xung quanh hồ Đầm Bài. Tăng cường mật độ và tập trung các hoạt động, tính hỗn hợp xung quanh các điểm nút giao thông của đường cao tốc trong tương lai.

Khu sinh thái phía Tây thành phố diện tích khoảng 5.211 ha, gồm đơn vị hành chính các xã: Hòa Bình, Yên Mông, là một trong những trung tâm dịch vụ du lịch vùng lõi khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái hồ, các dịch vụ. Khu nghỉ dưỡng biệt thự, khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ, cảng du lịch Bích Hạ... Là khu vực có mật độ thấp, kế thừa các giá trị quần cư cũ phát triển thành đô thị văn hóa, sinh thái nhà vườn.

Khu sinh thái phía Đông thành phố diện tích khoảng 4.442 ha, gồm đơn vị hành chính xã Độc Lập, là khu vực phát triển mô hình đô thị sinh thái vườn trên nền nông nghiệp sạch. Không gian sinh thái đạt chuẩn tạo giá trị nông sản. Hình thành không gian nhà vườn sinh thái trang trại, kết hợp giữa nền sản xuất nông nghiệp sạch với các hoạt động du lịch sinh thái, như khu công viên sinh thái phục vụ người dân đô thị và hướng tới mục tiêu thu hút du khách. Hình thành những không gian sinh thái nông nghiệp theo chuẩn GlobalGAP tạo thương hiệu nông sản giá trị cao, phát triển thành đô thị văn hóa, sinh thái nhà vườn.

Về phát triển không gian văn hóa Mường, trong quy hoạch cũng đề xuất tuyến phố văn hóa Mường: Tuyến đường Âu Cơ (nối từ đường Hòa Bình lên cảng Bích Hạ) hoặc đường Tây Tiến (từ đường An Dương Vương đi cảng Thung Nai). Khuyến khích xây dựng các nếp nhà sàn đặc trưng của người Mường (đi cùng phát triển du lịch homestay). Cải tạo, mở rộng Bảo tàng di sản văn hóa Mường, Bảo tàng không gian văn hóa Mường. Xây dựng mới Bảo tàng Hòa Bình tại khu trung tâm đa chức năng Quỳnh Lâm. Đồ án cũng quy hoạch dọc quốc lộ 6 (đoạn từ cầu Trắng đến cổng sân golf Hilltop Valley) là khu thương mại - dịch vụ - đất ở (để phục vụ tái định cư các dự án của thành phố); san hạ các đồi đất để lấy đất đắp, mặt bằng để đấu giá nhằm tăng thu cho ngân sách Nhà nước, tạo không gian phát triển mới cho thành phố.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Việc lập QHCĐT TPHB sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TPHB trở thành đô thị văn minh, hiện đại, hài hòa, bền vững, có kiến trúc xanh, tiên tiến, mang đặc trưng của văn hóa Hòa Bình. Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện quy hoạch cần tuân thủ các quy định của pháp luật, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai của thành phố; quản lý tốt quy hoạch, quán triệt quan điểm bảo vệ, giữ gìn văn hóa dân tộc Mường; bố trí quỹ đất phục vụ người dân về giáo dục, y tế, nước sạch, xử lý chất thải… Tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối; chỉnh trang cảnh quan đô thị, tôn tạo, quy hoạch hệ thống cây xanh, cảnh quan môi trường, hướng tới mục tiêu xây dựng TPHB hiện đại, văn minh, bản sắc.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191547/truc-song-da-truc-trung-tam-phat-trien-cua-thanh-pho-hoa-binh.htm