Trực thăng Ingenuity hoàn thành chuyến bay thứ 50 trên Sao Hỏa

Trực thăng Ingenuity của NASA hạ cánh trên bề mặt Sao Hỏa ngày 5/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết trực thăng Ingenuity của cơ quan này đã hoàn thành chuyến bay thứ 50 trên Sao Hỏa, sau gần 2 năm thực hiện chuyến bay đầu tiên trên Sao Hỏa (ngày 19/4/2021).

Theo NASA, trực thăng lần đầu tiên bay trên "hành tinh Đỏ" lập dấu mốc lịch sử nói trên vào ngày 13/4 (giờ Mỹ) khi di chuyển được 322,2m trong 145,5 giây.

Ingenuity cũng lập kỷ lục mới với việc bay cao lên tới 18m trước khi hạ cánh xuống gần miệng núi lửa Belva rộng 800m. Mốc này đã xô đổ kỷ lục trước đó (14m) do chính Ingenuity xác lập hôm 3/12/2022.

Trực thăng Ingenuity cao 50cm và nặng 1,8kg, được phóng lên Sao Hỏa vào ngày 18/2/2021 cùng tàu thăm dò Perseverance nhằm thử nghiệm tính khả thi của trực thăng lần đầu tiên bay trên Sao Hỏa.

Ingenuity cũng được trang bị camera dò tìm các khu vực mà Perseverance có thể khảo sát, cũng như hỗ trợ tìm tuyến đường hiệu quả, an toàn nhất để tàu thăm dò này di chuyển trong sứ mệnh tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên hành tinh Đỏ.

Theo NASA, trực thăng Ingenuity được thiết kế để bay trong thời gian tối đa 90 giây, với khoảng cách gần 300 mét mỗi lần và cách mặt đất khoảng 3-4,5m.

Việc trực thăng này thực hiện các chuyến bay trên Sao Hỏa được đánh giá là cuộc trình diễn công nghệ để lần đầu tiên thử nghiệm bay bằng động cơ trên một hành tinh khác.

Ngày 11/4, NASA đã công bố một không gian sống mới mô phỏng môi trường sao Hỏa - gồm 4 căn phòng nhỏ, 1 phòng tập thể dục và rất nhiều cát đỏ.

Những người tình nguyện sẽ sống ở đây 1 năm để kiểm tra xem cuộc sống sẽ như thế nào trong các sứ mệnh tương lai sống trên hành tinh láng giềng của Trái Đất này.

Không gian sống này được xây dựng để phục vụ các thí nghiệm được gọi là Mô phỏng khám phá hiệu suất và sức khỏe phi hành đoàn (CHAPEA). Không gian mô phỏng này được đặt tại cơ sở nghiên cứu lớn của NASA ở Houston, Texas.

Bốn tình nguyện viên sẽ bắt đầu vào ở thử nghiệm đầu tiên tại đây trong mùa hè này. Trong thời gian thử nghiệm, NASA dự kiến theo dõi sức khỏe thể chất và tinh thần của các tình nguyện viên để hiểu rõ hơn về khả năng chịu đựng của con người trong thời gian dài bị cô lập.

Trưởng nhóm nghiên cứu thí nghiệm CHAPEA Grace Douglas cho biết từ các dữ liệu thu thập trong quá trình thử nghiệm, NASA sẽ hiểu rõ hơn "việc sử dụng tài nguyên" của các phi hành gia trên sao Hỏa.

Theo kế hoạch thử nghiệm, các tình nguyện viên sẽ sống trong một ngôi nhà rộng 160m2, được đặt tên là "Mars Dune Alpha", bao gồm 2 phòng tắm, 1 trang trại thẳng đứng để trồng rau salad, 1 phòng chăm sóc y tế, một khu vực để thư giãn và một số không gian làm việc.

Tại đây cũng có không gian mô phòng môi trường "ngoài trời" của sao Hỏa - mặc dù trên thực tế ở bên trong nhà chứa máy bay.

Các tình nguyện viên được trang bị một máy chạy bộ mô phỏng hoạt động đi bộ lơ lửng trên dây đai trong trạng thái lực hấp dẫn thấp của hành tinh đỏ. Các tình nguyện viên sẽ sử dụng máy chạy bộ để mô phỏng các chuyến đi dài bên ngoài để lấy mẫu, thu thập dữ liệu hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng.

Các thành viên của nhóm thử nghiệm đầu tiên chưa được nêu tên, nhưng NASA cho biết việc lựa chọn "sẽ tuân thủ các tiêu chí tiêu chuẩn của NASA đối với các ứng viên phi hành gia", chú trọng các tiêu chuẩn về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Trong quá trình thử nghiệm, các nhà nghiên cứu sẽ thường xuyên kiểm tra phản ứng của phi hành đoàn đối với các tình huống căng thẳng, chẳng hạn như nguồn nước sinh hoạt eo hẹp hoặc hỏng thiết bị.

Theo nhà nghiên cứu Grace Douglas, không gian sống này có một tính năng đặc biệt nữa, đó là không gian được in 3D - một trong những công nghệ mà NASA đang xem xét như một tiềm năng để xây dựng môi trường sống trên các bề mặt hành tinh khác hoặc Mặt Trăng.

NASA đang trong giai đoạn đầu chuẩn bị cho một sứ mệnh tới sao Hỏa, mặc dù phần lớn trọng tâm của cơ quan này là các sứ mệnh Artemis sắp tới nhằm đưa con người trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên sau nửa thế kỷ.

Tàu thăm dò Lucy của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã ghi lại những hình ảnh đầu tiên về 4 tiểu hành tinh Trojan, cách Trái Đất 530 triệu km.

* Thông báo của NASA cho biết trong thời gian từ ngày 25-27/3 vừa qua, Lucy đã sử dụng L'LORRI - thiết bị chụp ảnh có độ phân giải cao nhất của tàu này, để ghi lại những hình ảnh đầu tiên của 4 tiểu hành tinh Trojan của Sao Mộc.

Đây là những hình ảnh đầu tiên trong kế hoạch được hoạch định trước đó, nhằm xác định cách các tiểu hành tinh Trojan phản xạ ánh sáng ở những góc cao hơn vị trí có thể quan sát được từ Trái Đất. Các tiểu hành tinh này Trojan có tiềm năng mang lại những giá trị khoa học to lớn và được ví như “những viên kim cương trên bầu trời".

Lucy sẽ bay ngang qua các tiểu hành tinh này vào năm 2027 và 2028, khi tàu vũ trụ đi qua một đám tiểu hành tinh nhỏ dẫn Sao Mộc vào quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời.

Ngày 16/10/2021, Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã lần đầu tiên phóng tàu vũ trụ Lucy nhằm thực hiện sứ mệnh khám phá các tiểu hành tinh Trojan gần Sao Mộc, mở ra những cái nhìn mới hơn về sự hình thành Hệ Mặt Trời.

Tên lửa đẩy Atlas V mang theo tàu Lucy đã rời bệ phóng vào lúc 5h34 sáng cùng ngày (theo giờ địa phương) tại trạm phóng Cape Canaveral, bang Florida (Mỹ). Sứ mệnh Lucy nhằm khám phá các tiểu hành tinh Trojan kéo dài trong 12 năm và dự án này của NASA trị giá 981 triệu USD.

Lucy sẽ trở thành tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên có hành trình thám hiểm rất xa Mặt Trời và sẽ quan sát được nhiều tiểu hành tinh hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào trước đó, với 8 tiểu hành tinh.

Bên cạnh đó, Lucy sẽ có 3 lần tiếp cận gần Trái Đất để hỗ trợ trọng lực, trở thành tàu vũ trụ đầu tiên di chuyển đến vòng ngoài Hệ Mặt Trời rồi trở lại gần Trái Đất.

Ông Thomas Zurbuchen, thuộc bộ phận Sứ mệnh khoa học của NASA, nêu rõ mỗi tiểu hành tinh sẽ cung cấp một phần cho quá trình hình thành Hệ Mặt Trời. Vào năm 2025, tàu vũ trụ Lucy sẽ tiếp cận tiểu hành tinh đầu tiên có tên Donaldjohanson ở Vành đai chính giữa Sao Hỏa và Sao Mộc.

Tiểu hành tinh này được đặt tên theo người phát hiện ra hóa thạch Lucy. Trong khoảng thời gian từ năm 2027 đến năm 2033, tàu vũ trụ của NASA sẽ tiếp cận 7 tiểu hành tinh Trojan - 5 tiểu hành tinh trong nhóm đi trước Sao Mộc và 2 tiểu hành tinh theo sau Sao Mộc. Tiểu hành tinh lớn nhất trong số tiểu hành tinh tàu vũ trụ NASA tiếp cận có đường kính khoảng 95km.

Bên cạnh đó, Lucy sẽ tiếp cận các vật thể mục tiêu trong phạm vi 400km so với bề mặt của các tiểu hành tinh và sử dụng các thiết bị và ăng ten lớn trên tàu vũ trụ để thăm dò địa chất, như thành phần, khối lượng, mật độ và thể tích.

Đáng chú ý, tàu vũ trụ Lucy còn mang theo một máy tách tia sáng kim cương, hay còn gọi là máy đo phổ phát xạ nhiệt Lucy, giúp phát hiện bức xạ nhiệt, qua đó có thể lập bản đồ nhiệt độ bề mặt các tiểu hành tinh. Bằng cách đo nhiệt độ tại các thời điểm khác nhau trong ngày, nhóm nghiên cứu có thể tìm ra các đặc tính vật lý như lượng bụi, cát hoặc đá có trên tiểu hành tinh đó.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/297576/truc-thang-ingenuity-hoan-thanh-chuyen-bay-thu-50-tren-sao-hoa.html