{Trực tuyến} Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người

Sáng 27/2, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, các thế hệ phiên dịch ngoại giao từng công tác tại Phòng Phiên dịch – nay là Trung tâm Biên Phiên dịch Quốc gia và những cán bộ nhiều năm gắn bó với nghề phiên dịch thuộc các thứ tiếng khác nhau có buổi gặp mặt trong khuôn khổ Tọa đàm 'Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người'. Báo TG&VN đưa tin tại sự kiện.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tọa đàm có sự hiện diện và chia sẻ ý kiến của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, lãnh đạo một số đơn vị trong Bộ. Các diễn giả chính tại Tọa đàm bao gồm nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan (tiếng Nga), nguyên Thứ trưởng Trường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin (tiếng Tây Ban Nha), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh (tiếng Anh và Pháp)…

Chính thức được thành lập theo Sắc lệnh số 47 ngày 07/4/1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đội ngũ phiên dịch của Bộ Ngoại giao – những nhà ngoại giao làm phiên dịch ngoại giao - đang hướng tới 75 năm truyền thống với những năm tháng cống hiến, đóng góp đầy tâm huyết cho mặt trận đối ngoại.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Biên-phiên dịch Quốc gia, ông Phạm Bình Đàm chia sẻ, buổi Tọa đàm với bản thân ông là một "ước vọng" trở thành hiện thực. "Giờ phút này đây tôi đang phải cố kìm nén xúc động. Gần 20 năm trong nghề, tôi vẫn nghe nói về những thế hệ phiên dịch vàng son, nghe các bậc đàn anh nói 'tớ ngày xưa cũng ở Phòng Phiên dịch', nghe 'anh/chị ấy là dân phiên dịch cũ', nghe 'Lãnh đạo Bộ rất nhiều người trưởng thành từ phiên dịch'. Quá khứ huy hoàng vừa như rõ mồn một, vừa như lẩn khuất. Mong muốn tìm lại những lớp phiên dịch xưa không ngừng thôi thúc, giống như những người con, cháu mong muốn tìm lại gốc gác, ông bà, tổ tiên mình".

Giám đốc Trung tâm Biên - Phiên dịch Quốc gia Phạm Bình Đàm phát biểu khai mạc Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ông Đàm và các cán bộ của Trung tâm, thông qua Tọa đàm, mong muốn bày tỏ lòng tri ân và những tình cảm trân trọng nhất đến tất cả các thế hệ phiên dịch ngoại giao đi trước, những người đã làm nên lịch sử vàng của phiên dịch ngoại giao trong suốt 7 thập kỷ qua.

Phòng Phiên dịch là một trong những đơn vị ra đời sớm nhất Bộ, nhưng do yêu cầu của công việc từng thời kỳ, Phòng tồn tại dưới nhiều tên khác nhau và có giai đoạn không chính thức tồn tại, dù vẫn có những người tiếp tục đảm nhiệm công việc biên phiên dịch. Có lẽ vì vậy mà dòng chảy truyền thống hơn 7 thập kỷ, gồm cả giai đoạn chảy ngầm chưa được ghi chép, ghi nhận đầy đủ.

Do vậy, theo ông Đàm, Tọa đàm mang ý nghĩa một cuộc đoàn viên của những người cùng mang trong mình huyết thống phiên dịch sau những năm dài thất tán, gặp lại người cũ, gặp gỡ người mới, ôn chuyện xưa, kể chuyện nay, vừa nhằm tìm lại những trang còn thiếu, tô lại những trang đã mờ của lịch sử 75 năm phiên dịch ngoại giao, để biên soạn được cuốn Kỷ yếu trọn vẹn của đơn vị, gồm đẩy đủ các thứ tiếng với những con người đã gắn bó với nghề phiên dịch qua mỗi thời kỳ.

"Tôi tin tưởng rằng buổi gặp mặt ngày hôm nay sẽ truyền cảm hứng mãnh liệt, thổi bùng và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề cho thế hệ phiên dịch ngày hôm nay, để họ viết tiếp những trang sử mới, rực rỡ của phiên dịch ngoại giao", ông Đàm khẳng định.

Đại diện cho Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đánh giá rất cao sáng kiến của Trung tâm Biên Phiên dịch Quốc gia Bộ Ngoại giao đã tổ chức cuộc Tọa đàm “Phiên dịch Ngoại giao: 75 năm ký ức và con người"; cho rằng đây không chỉ là cuộc tọa đàm để chia sẻ trải nghiệm về nghề mà là sự tri ân đối với những cán bộ phiên dịch qua các thế hệ, những con người đặc biệt đã có những đóng góp thầm lặng, nhưng rất quan trọng trong các cuộc tiếp xúc, các cuộc đàm phán, kể cả các cuộc chiêu đãi...

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thứ trưởng cho rằng, có lẽ ít có nghề nào mang lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như nghề phiên dịch. Đó là cảm xúc vui sướng khi hoàn thành xuất sắc một cuộc thông dịch, đưa người nói và người nghe đến gần với nhau. Hay đó là cảm xúc đau buồn, áy náy, thậm chí trách cứ mình... như là lời nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là những cây cầu ọp ẹp, không đưa người nói và người nghe xích lại với nhau; cảm xúc bừng sáng khi được học, được làm quen với những tri thức mới trong quá trình đọc tài liệu chuẩn bị, hay học hỏi kiến thức từ những người mình phục vụ; cảm xúc tự hào khi được dịch và được học hỏi, được chứng kiến sự thăng hoa, đĩnh đạc, trí dũng song toàn của các nhà ngoại giao, các nhà chính khách của đất nước ta và trên thế giới.

"Tôi không biết có nghề nào có thể tạo cho mình nhiều cảm xúc đến thế, nhiều cung bậc khác nhau, đôi khi dồn dập trong thời gian rất ngắn", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ xúc động chia sẻ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, làm phiên dịch là quãng thời gian mà các cán bộ ngoại giao có thể học hỏi và trưởng thành nhiều nhất. Đây cũng là nghề tạo cơ hội hiểu nhất về bếp núc của ngành ngoại giao, tiếp cận trực tiếp nhất những chính khách tầm cỡ nhất, và cả những nhọc nhằn, vinh hoa nhất của nghề ngoại giao…

Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ bày tỏ mong muốn Trung tâm Biên - Phiên dịch Quốc gia tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, phong cách chuyên nghiệp của các cán bộ phiên dịch; có các biện pháp căn cơ, dài hơi hơn để phát triển đội ngũ phiên dịch các tiếng ngoại ngữ phổ thông và địa phương của Bộ, cũng như tham gia tích cực, hiệu quả hơn vào công tác đào tạo, chuẩn hóa nghiệp vụ ngoại ngữ cho các cán bộ ngoại giao…

Toàn cảnh Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Lịch sử của đơn vị, những con người, ký ức, thời gian được các diễn giả và cử tọa chia sẻ, bàn luận, hướng tới hoàn thiện cuốn Kỷ yếu Phiên dịch Ngoại giao 75 năm (1946-2021). Những câu chuyện sống động về nghề gắn với những giai đoạn lịch sử của ngành Ngoại giao và của đất nước trình bày tại Tọa đàm cũng như những bài viết sau này dự kiến được tập hợp trong cuốn sách “Phiên dịch ngoại giao: người, nghề và những sự kiện lịch sử”. Sự kiện là cuộc hội ngộ cảm động của những đồng nghiệp trải suốt hơn 7 thập kỷ, mang theo những câu chuyện thú vị chưa từng được kể.

Tọa đàm gồm 2 phiên thảo luận chính: "Phiên dịch ngoại giao 1945-1986" và "Phiên dịch ngoại giao thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế".

Ba diễn giả chính tham gia Phiên thảo luận "Phiên dịch ngoại giao 1945-1986" là nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin và Đại sứ Nguyễn Thị Hồi.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Chia sẻ về những kỷ niệm với ngành ngoại giao, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể lại, khi ông được giao viết tư liệu về lịch sử ngành ngoại giao, ông nhận thấy "vùng trũng" nhất là những tư liệu về phiên dịch vì đây chỉ là một đơn vị nhỏ, bị phân tán khá nhiều về thông tin. "Mảng tư liệu về nghề phiên dịch rất thiếu", ông Vũ Khoan nhớ lại.

Nhà ngoại giao kỳ cựu cho rằng, trước đây nhiều người cho rằng công tác phiên dịch là công việc dễ dàng nhưng không phải như vậy mà đây là một công việc khó khăn, vất vả, không hề đơn giản. Rất nhiều những cán bộ lãnh đạo trong Bộ Ngoại giao đều từng trưởng thành từ phòng phiên dịch hoặc từng là một phiên dịch viên.

Theo ông Vũ Khoan, nghề phiên dịch là một nghề đòi hỏi kiến thức tổng hợp, nếu chưa được đào tạo phải tự đào tạo. Nghề phiên dịch cũng mang đến nhiều cơ hội để học hỏi và học được rất nhiều. "Mỗi lần được đi dịch cho những nguyên lãnh đạo của ta như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh... đều là một cơ hội học tập quý báu", ông Khoan khẳng định.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đề xuất Bộ Ngoại giao nên tổ chức thêm các khóa đào tạo về phiên dịch để phiên dịch trở thành một ngành; bồi dưỡng các cán bộ trong ngành những kiến thức về ngoại giao, lịch sử ngoại giao, kinh tế quốc tế… "Phiên dịch phải biết tất cả, không trừ một ngành nào”, ông nói, đồng thời đề xuất nhiều chính sách cho các cán bộ làm nghề phiên dịch.

Theo ông Vũ Khoan, nếu không có chính sách tốt thì ngành ngoại giao sẽ không thể có các cán bộ giỏi. "Thông điệp của tôi đưa ra đối với thế hệ mới của ngành phiên dịch đó là: Chính sách, chính sách và chính sách. Hiện nay chúng ta mới chỉ có phiên dịch viên tầm quốc gia nhưng vẫn chưa có những phiên dịch viên tầm quốc tế", nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Về cơ duyên đến với nghề phiên dịch, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin "bật mí" rằng, ông đến với nghề khá tình cờ khi ông đang là sinh viên năm thứ nhất chuyên ngành văn học nghệ thuật tại trường Đại học La Habana trong những năm 1960. Ông đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Cuba chọn làm phiên dịch viên cho rất nhiều cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Cuba và lãnh đạo Việt Nam. Trong đó, những lần phiên dịch cho lãnh tụ vĩ đại, Chủ tịch Cuba Fidel Castro là kỷ niệm ông Nguyễn Đình Bin nhớ mãi không quên.

Ông Nguyễn Đình Bin từng chia sẻ rằng, việc phiên dịch cho Chủ tịch Fidel là việc làm rất khó khăn bởi Fidel là một nhà diễn thuyết tài ba, không bao giờ có văn bản trước và thường nói liên tục vài tiếng là chuyện bình thường. Cựu Đại sứ Việt Nam tại Pháp nhấn mạnh rằng công việc phiên dịch "tay trái" thời gian đó chính là trường học rất lớn, cơ hội tuyệt vời, may mắn đặc biệt để trưởng thành.

Với gần 40 năm làm việc tại Bộ Ngoại giao và với 6 năm gắn bó liên tục với nghề phiên dịch (1970-1976), Đại sứ Nguyễn Thị Hồi kết luận rằng “phiên dịch là một nghề đặc biệt và cao quý”, nhiều lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã trưởng thành từ nghề phiên dịch. Nghề phiên dịch chính là cái “nôi” tuyệt vời, tạo nền tảng quan trọng cho các hoạt động ngoại giao của Đại sứ sau này.

Theo Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, không phải giỏi ngoại ngữ thì có thể làm phiên dịch giỏi, đó là một nghề khó cần sự tâm huyết, nắm vững vấn đề và năng khiếu. Cũng có những lần dịch “gãy” khi gặp phải những chủ đề nắm không vững, vì vậy, nghiệp vụ dịch vô cùng quan trọng. Với bà Nguyễn Thị Hồi - cựu Đại sứ Việt Nam tại Áo và Canada, 6 năm làm nghề phiên dịch phần nhiều có tính “du kích” hơn hiện nay nhưng đó là khoảng thời gian bà được cùng trải qua những chặng đường quan trọng của đất nước.

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đại sứ Nguyễn Thị Hồi chia sẻ, hai lần dịch mà bà nhớ nhất là lần dịch cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp đại diện Palestine ngay sau giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và cuộc dịch cho cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trước thời điểm chiến tranh biên giới Việt – Trung.

Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền cũng là nữ phiên dịch từng gắn bó lâu năm với nghề. Bà kể lại, sự trưởng thành trong nghề phiên dịch đến từ những đêm tận tâm với công việc đọc morat. Công việc tưởng như đơn giản nhưng rất cần sự kiên trì, bền bỉ và tâm huyết. Chính công việc đọc morat đã giúp bà rất nhiều khi làm việc tại các cơ quan khác trong Bộ Ngoại giao, kể cả khi Đại sứ làm việc tại Liên hợp quốc. Theo Đại sứ Huyền, những cán bộ ngoại giao đã từng kinh qua nghề dịch, khi chuyển sang các đơn vị ngoại giao khác cũng sẽ rất thuận lợi và được “dùng ngay”, phát huy được không ít lợi thế.

Nhiều câu chuyện về nghề dịch cũng đã được Đại sứ Lê Kinh Tài và Đại sứ Nguyễn Hoàng An chia sẻ tại Tọa đàm. Với các Đại sứ, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, công tác phiên dịch giúp họ gặt hái được nhiều kinh nghiệm trong nghề.

Đại sứ Nguyễn Hoàng An cho rằng, lãnh đạo dù có giỏi ngoại ngữ đến đâu vẫn cần có phiên dịch. Làm nghề phiên dịch đòi hỏi một phông kiến thức rộng lớn, dù có vinh quang nhưng có gian nan và đòi hỏi sự nỗ lực liên tục. Đôi khi chỉ bẵng đi vài ngày có thể dịch “gãy” ngay lập tức nếu như không có sự chuẩn bị từ trước. Nếu không lăn xả với nghề thì có lẽ không thể làm “trọn” được với nghề.

Phiên hai "Phiên dịch Ngoại giao thời kỳ Đổi mới và Hội nhập Quốc tế" có sự tham dự của hai diễn giả: Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ, cơ duyên đưa bà đến với ngành Ngoại giao cũng bắt đầu từ vị trí của một phiên dịch viên. Bà Ninh cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, phiên dịch viên phải được đào tạo bài bản để trở thành một nghề, phải chuyên nghiệp và có chính sách cho ngành phiên dịch.

Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhu cầu về các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp đang đặt ra nhiều thách thức cho Trung tâm Biên - Phiên dịch quốc gia. Chất lượng và hiệu quả của công tác phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao cũng cần được chú trọng. Do đó, nhiệm vụ của Trung tâm trong thời gian tới là phải giúp, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ làm công tác phiên dịch, đặc biệt là phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao.

Vinh dự khi từng là một cán bộ phiên dịch ngoại giao trong 4 năm, Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt cảm nhận rõ cái duyên của nghề phiên dịch và công tác đa phương. Ông cho rằng, “dù một ngày là phiên dịch thì ‘máu’ phiên dịch vẫn sẽ gắn bó với mình suốt cuộc đời”. Kinh nghiệm có được từ nghề dịch đã giúp ông từng bước trưởng thành trong hoạt động đối ngoại suốt gần 20 qua.

Công tác phiên dịch đã giúp ông và những cán bộ làm công tác phiên dịch đóng vai trò cầu nối kết nối giữa các lãnh đạo, các dân tộc hay rộng hơn là các nền văn hóa. Điều này đã được phát huy hiệu quả khi ông đảm nhiệm nhiều vị trí khác nhau trong Bộ Ngoại giao, đặc biệt là khi làm công tác đa phương.

Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế Đỗ Hùng Việt chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Ông Việt chia sẻ, nghề phiên dịch đôi khi mang đến niềm vui nhưng cũng không tránh khỏi có những lúc cảm thấy mình “vô dụng”, tự vấn bản thân sau những lần thất bại để từ đó có động lực vươn tới những thành công hơn. Gửi gắm thông điệp tới các cán bộ trẻ làm phiên dịch, ông Việt cho rằng được làm nghề dịch chính là một “cơ hội vàng”, các bạn trẻ cần tận dụng tối đa những cơ hội học hỏi từ những tấm gương ưu tú và xuất sắc trong nghề. Việc cảm nhận được tự tin tưởng của lãnh đạo kể cả khi mới bước vào nghề hay tuổi nghề còn rất trẻ chính là điều đặc biệt của cán bộ phiên dịch.

Là các cán bộ ngoại giao đã về hưu, Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt đều chia sẻ tầm quan trọng của công tác phiên dịch đối với hoạt động ngoại giao của mình. Đại sứ Nguyễn Quang Khai, dù không phải là thành viên phòng Phiên dịch nhưng ông rất đam mê dịch và niềm say mê tiếng Ả Rập chính là niềm tự hào của ông.

Niềm say mê ngôn ngữ đã giúp ông có được nhiều ưu ái khi hai lần làm Đại sứ Việt Nam tại Iraq. “Tôi luôn nghĩ mình là người phiên dịch, tôi dịch cho bất cứ ai khi họ cần, không nhất thiết phải là lãnh đạo cấp cao”, Đại sứ Nguyễn Quang Khai chia sẻ.

Còn với Đại sứ Hồ Đắc Minh Nguyệt, các kỹ năng phiên dịch và sử dụng tiếng Nga đã giúp Đại sứ hoạt động ngoại giao độc lập. Đại sứ luôn mong muốn cán bộ ngoại giao trẻ ngày càng có những kỹ năng tốt hơn về ngôn ngữ để hoạt động ngoại giao tốt và chuyên nghiệp hơn.

Bạn Đào Ngọc Mai Thy, đại diện cán bộ trẻ của Trung tâm Biên - Phiên dịch Quốc gia phát biểu. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cuối buổi Tọa đàm, thay mặt cán bộ trẻ của Trung tâm Biên - Phiên dịch Quốc gia, bạn Đào Ngọc Mai Thy bày tỏ lòng biết ơn vì thông qua Tọa đàm có cơ hội được gặp gỡ, được kết nối với những huyền thoại sống, những nhân chứng sống không chỉ của ngành phiên dịch ngoại giao, mà còn là của cả nền ngoại giao nước nhà, được nghe những chia sẻ, những câu chuyện và bài học quý giá từ các bậc tiền bối.

“Trước kia cháu chỉ nghĩ phiên dịch là một nghề khó, thách thức, đòi hỏi ngoại ngữ giỏi, kiến thức tốt. Nhưng sau khi được nghe những chia sẻ của các cô các bác trong suốt quá trình trước đó cũng như trong ngày hôm nay, thì cháu nghiệm ra rằng phiên dịch ngoại giao không chỉ là một nghề, mà nó là một cuộc đời, một sự nghiệp, những đắng cay ngọt bùi, và những nỗ lực không ngừng nghỉ”, bạn Mai Thy chia sẻ.

Bạn Mai Thy bài tỏ sự quyết tâm không ngừng học hỏi, không ngừng nỗ lực; giữ ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, khao khát công hiến cho ngành phiên dịch ngoại giao và cho nền ngoại giao nước nhà, giữ ngọn lửa đó trong tim mình và truyền nó cho các thế hệ tiếp theo.

Một số hình ảnh bên lề Tọa đàm:

Các nhà ngoại giao kỳ cựu cùng xem lại những bức ảnh lịch sử quý giá. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tìm lại những hình ảnh ngày xưa tại Triển lãm ảnh phiên dịch ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tọa đàm là cuộc gặp gỡ giữa các thế hệ từng tham gia phiên dịch ngoại giao, đóng góp vào thành công chung của đối ngoại Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Và cũng là cuộc hội ngộ của những cây đa cây đề trong làng ngoại giao Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Nhóm PV-TGVN

Nhóm PV-TGVN

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/truc-tuyen-phien-dich-ngoai-giao-75-nam-ky-uc-va-con-nguoi-110380.html