Trực tuyến: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm tuyến y tế cơ sở

Các bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Cùng chuyên gia y tế chia sẻ giải pháp phòng, chống các bệnh này tại tuyến y tế cơ sở, từ 10h ngày 21/11/2018.

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy, cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm. Trong đó, 43% số ca tử vong trước 70 tuổi, gánh nặng bệnh tật do bệnh không lây nhiễm chiếm 66% tổng gánh nặng bệnh tật.

Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng trầm trọng của các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi mạn tính và bên cạnh đó là các rối loạn tâm thần.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc và tử vong các bệnh không lây nhiễm tăng cao đối xuất phát từ lối sống và sự chủ quan của người bệnh như: hút thuốc; uống rượu bia; ăn ít rau, trái cây; ăn nhiều muối; thiếu hoạt động thể lực…Tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn lipid máu… đều có xu hướng gia tăng nhanh.

Theo thống kê, có gần 60% người mắc tăng huyết áp và gần 70% người đái tháo đường chưa được phát hiện bệnh, mới có 31% số phụ nữ 30-49 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung - là loại ung thư nhiều thứ hai ở phụ nữ, chỉ có 14% bệnh nhân tăng huyết áp, 29% bệnh nhân đái tháo đường và gần 30% người có nguy cơ tim mạch được quản lý, dự phòng và dùng thuốc theo quy định. Trên 70% số ca ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn làm cho kết quả điều trị không mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh các yếu tố nguy cơ hành vi như hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, căng thẳng thường xuyên thì một trong những nguyên nhân dẫn đến số người mắc các bệnh không lây nhiễm gia tăng thời gian qua là do dịch vụ khám, chữa bệnh tại tuyến xã chưa đầy đủ, toàn diện. Tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là ở hầu hết các trạm y tế xã, phường chưa cung cấp được các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị lâu dài người mắc bệnh tại cộng đồng.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời từng bước nâng cao hơn nữa vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, VietNamNet phối hợp với Bộ Y tế tổ chức:

Giao lưu trực tuyến: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm tuyến y tế cơ sở

Thời gian: 10h Thứ Tư ngày 21/11/2018

Khách mời:

- Ông Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

- Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên, Bắc Giang

Hai khách mời nhận hoa kỉ niệm tại Tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh: Phạm Hải

Hai khách mời nhận hoa kỉ niệm tại Tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh: Phạm Hải

NỘI DUNG GIAO LƯU

Bé Vy , Nữ - 29 Tuổi

Xin ông cho biết về thực trạng hiện nay của các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam?

Ông Trần Quốc Bảo: Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng của gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Số liệu mới nhất do tổ chức y tế thế giới công bố năm 2016, 77% số ca tử vong của VN là do các bệnh không lây nhiễm, tức là cứ trong 10 ca tử vong thì có gần 8 ca là do những bệnh này, chủ yếu là bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính.

Ước tính hiện nay nước ta có khoảng 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp, trên 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc các bệnh hô hấp mạn tính. Và mỗi năm có khoảng trên 100 ngàn ca mắc mới ung thư.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm đang rất phổ biến: ước tính có khoảng 45% nam giới hiện hút thuốc, 77% nam giới uống rượu bia, hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây, và người dân ăn muối nhiều gấp 2 lần khuyến nghị của WHO. Khoảng 1/3 dân số thiếu vận động thể lực, và tỷ lệ thừa cân béo phì tăng rất nhanh, trung bình tăng 1% /năm.

Nhan Vinh , Nữ - 31 Tuổi

Xin ông cho biết thực trạng trong quản lý và kiểm soát bệnh không lây nhiễm tại bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên?

Ông Nguyễn Văn Bình: Bệnh viện Đa khoa Tân Yên đang quản lý 6.713 bệnh nhân mắc bệnh mạn tính không lây nhiễm. Trong đó, bệnh nhân tăng huyết áp là 6.713 bệnh nhân, chiếm 75,4%. Bệnh nhân đái tháo đường 1.358 chiếm 20,2%. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là 292 chiếm 4,4%. Riêng bệnh nhân tăng huyết áp bệnh viện đã chuyển về trạm Y tế xã là 4.1611 bệnh nhân chiếm 91,1% chỉ còn giữ lại 452 bệnh nhân bằng 8,9%.

Từ năm 2007, bệnh viện bắt đầu triển khai tăng huyết áp và bệnh đái tháo đường. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được triển khai quản lý điều trị từ năm 2015. Từ 2011, bệnh viện bắt đầu chuyển những bệnh nhân tăng huyết áp đơn thuần đã được điều trị ổn định về trạm y tế xã quản lý điều trị theo phác đồ của bệnh viện, định kỳ 6 tháng đến 1 năm số bệnh nhân này được đưa lên bệnh viện để khám lại và làm một số xét nghiệm cần thiết.

Bệnh đái tháo đường mới triển khai chuyển về trạm Y tế xã từ cuối năm 2016. Hiện nay số bệnh nhân chuyển về xã chưa được nhiều do yếu tố tâm lý của người bệnh.

Hoàng Hải , Nam - 35 tuổi

Mức độ gia tăng của bệnh không lây nhiễm ngày càng cao, vậy ngành y tế đã có những giải pháp nào, đặc biệt là đối với tuyến y tế cơ cở để kiểm soát bệnh không lây nhiễm hiện nay?

Ông Trần Quốc Bảo: Các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường,... là những bệnh mạn tính. Ngoài giai đoạn cấp tính phải nằm điều trị tại các bệnh viện thì khi về với cộng đồng họ vẫn tiếp tục phải được dùng thuốc, theo dõi, chăm sóc liên tục và lâu dài. Vì vậy triển khai các dịch vụ dự phòng, quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm tại tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, cụ thể là tại trạm y tế xã, là giải pháp vô cùng quan trọng để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ bệnh không lây nhiễm ngay tại nơi mình sinh sống.

Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025 của VN do Thủ tướng phê duyệt đã khẳng định giải pháp phải tăng cường dự phòng và tăng cường tuyến y tế cơ sở để thực hiện phòng chống những bệnh này. Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành trung ương Đảng cũng đã chỉ rõ đến năm 2030 có 100% số trạm y tế xã, phường trên toàn quốc thực hiện dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm.

Để thực hiện các nội dung trên, Bộ Y tế đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai hoạt động dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại trạm Y tế xã thông qua các giải pháp: củng cố mạng lưới phòng chống bệnh không lây nhiễm tại các địa phương, nâng cao năng lực cho các bộ y tế cơ sở, hoàn thiện bổ sung các quy định chính sách, đặc biệt là quy định chính sách khám chữa bệnh, BHYT, tài chính cho tuyến y tế cơ sở, đồng thời tổ chức triển khai hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm tại các trạm Y tế xã theo nguyên lý y học gia đình.

Ông Trần Quốc Bảo trả lời trực tuyến bạn đọc báo VietNamNet. Ảnh: Phạm Hải.

Ông Trần Quốc Bảo trả lời trực tuyến bạn đọc báo VietNamNet. Ảnh: Phạm Hải.

Nguyễn Đức Thành , Nữ - 47 Tuổi

Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên là một trong những bệnh viện tuyến cơ sở đi đầu trong cả nước về việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm, xin ông cho biết những khó khăn và giải pháp cơ bản mà bệnh viện đã triển khai?

Ông Nguyễn Văn Bình
Khó khăn về quỹ Bảo hiểm Y tế: Bệnh viện huyện phải chịu trách nhiệm bảo toàn quỹ định suất BHYT, tuy nhiên tỉnh Bắc Giang là một tỉnh nghèo. Người tham gia BHYT bắt buộc chiếm khoảng 14,6%. Do đó, mệnh giá thẻ BHYT thấp. Vì vậy, quỹ định suất BHYT thường xuyên bị thiếu hụt. Đặc biệt, từ 2016 đến nay khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT theo quy định tại thông tư 40/2015/TT-BYT và thực hiện giá viện phí theo quy định tại thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC thì quỹ định suất còn chưa đủ chi phí đa tuyến. Cho nên mọi chi phí phát sinh tại bệnh viện đa khoa huyện và các trạm Y tế xã hàng năm quyết toán được 0 đồng. Hơn nữa, đối với trạm Y tế xã thì quỹ được sử dụng không quá 20% quỹ khám chữa bệnh ngoại trú.

Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP không quy định 20% quỹ khám chữa bệnh ở trạm Y tế xã nhưng quỹ của trạm Y tế xã lại do bệnh viện huyện chịu trách nhiệm và nằm chung trong tổng quỹ được giao. Do đó, tình trạng khó khăn về quỹ không được tháo gỡ.

- Khó khăn về nguồn nhân lực, bệnh viện Tân Yên năm 2007 chỉ có 16 bác sỹ. Do đó, việc triển khai quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm gặp nhiều khó khăn do thiếu bác sỹ. Hiện nay, mặc dù số bác sỹ đã được bổ sung lên 49 xong số biên chế vẫn còn thiếu rất nhiều so với quy định tại TT số 08/2007/TTLT-BYT-BNV.

- Khó khăn về cơ sở hạ tầng, mặc dù được nâng cấp cải tạo theo quyết định 47/2008/QĐ-TTg nhưng theo quy định tại TCXDVN 365-2007 thì cơ sở hạ tầng mới đạt 28 đến 40% theo quy định.

- Khó khăn về trang thiết bị Y tế, theo quyết định 3333/2008/QĐBT thì bệnh viện hiện nay mới đạt 51% danh mục trang thiết bị.

- Khó khăn về quan niệm của người bệnh muốn được lên tuyến tỉnh tuyến trung ương để điều trị bệnh không lây nhiễm.

Trước các khó khăn trên bệnh viện có các giải pháp sau:

- Giải pháp về căn cơ quỹ BHYT, hạn chế tối đa các chỉ định cận lâm sang, thủ thuật, chỉ sử dụng các thuốc bắt buộc điều trị để giảm chi phí quỹ BHYT.

- Tích cực đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời đưa ra một số giải pháp khuyến khích bác sỹ ở lại bệnh viện huyện được yên tâm công tác.

- Tích cực cải tạo cơ sở hạ tầng và dành tối đa cơ sở hạ tầng để phục vụ người bệnh

- Đầu tư thêm trang thiết bị y tế từ nguồn quỹ phát triển sự nghiệp của bệnh viện, tích cực tham mưu với Sở Y tế xin kinh phí đầu tư trang thiết bị Y tế từ nguồn ngân sách NN của tỉnh, huyện và các nguồn khác.

- Nâng cao kỹ năng giao tiếp, tinh thần thái độ phục vụ đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, cho đến nay hầu hết các bệnh nhân bị bệnh mãn tính không lây nhiễm đều yên tâm điều trị tại bệnh viện huyện và trạm y tế xã.

Trương Đức Minh , Nam - 39 Tuổi

Bệnh viện đã triển khai công tác truyền thông về bệnh không lây nhiễm như thế nào cho bệnh nhân của mình?

Ông Nguyễn Văn Bình

- Bệnh viện truyền thông qua các Pano, áp phích, tờ rơi phát cho người bệnh và các khuyến cáo được in sẵn vào sổ theo dõi quản lý bệnh do người bệnh giữ.

- Trực tiếp cán bộ Y tế truyền thông cho người bệnh và gia đình về các bệnh mãn tính hay gặp, các yếu tố nguy cơ, các biện pháp phòng tránh, các phương pháp điều trị, các biện pháp quản lý, theo dõi.

- Truyền thông qua các buổi sinh hoạt hội đồng người bệnh, CLB người bệnh.

Mari Mari , Nữ - 57 Tuổi

Thói quen ăn uống, tình trạng sử dụng bia, rượu nhiều… là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng cao. Vậy đối với mỗi bệnh nhân khi đến bệnh viện có được chia sẻ, trao đổi và giải thích về những vấn đề này không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình

- Vấn đề sử dụng rượu bia, thói quen sinh hoạt của người bệnh có tác động rất nhiều đến tình trạng bệnh cũng như kết quả điều trị bệnh. Do đó, hầu hết người bệnh đến viện quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm đều có chia sẻ với bác sỹ và được các bác sỹ tư vấn, dặn dò chu đáo. Nhiều thói quen như quan niệm của rất nhiều người dân, kể cả cán bộ công chức viên chức vẫn quan niệm mời rượu bia là phương tiện giao tiếp là thước đo tình cảm. Do đó, mặc dù biết sử dụng rượu bia có hại xong vẫn hay sử dụng.

- Do điều kiện kinh tế phát triển cho nên việc thường xuyên tiệc tùng và có những bữa ăn thịnh soạn dẫn tới tình trạng nhiều người bị rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa Lipit nhưng bản thân người dân chưa ý thức được. Thậm chí, không biết được mình bị rối loạn chuyển hóa mà chỉ khi có dấu hiệu của bệnh thì mới biết.

- Thói quen hút thuốc lá gặp rất nhiều ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Xong vì thói quen sử dụng nhiều năm cho nên rất khó bỏ hoặc không bỏ triệt để làm cho kết quả điều trị cũng bị hạn chế.

- Chế độ ăn uống còn ít rau xanh và hoa quả do tâm lý nhiều người lo ngại vấn đề có thuốc bảo vệ thực vật.

- Hầu hết người dân khi làm nông nghiệp có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ nhưng phương tiện bảo hộ cá nhân còn sơ sài hoặc không được bảo vệ.

Những vấn đề trên đều được các bác sỹ tư vấn chu đáo và dặn dò người bệnh để có giải pháp khắc phục, đồng thời tuyên truyền cho người thân và gia đình.

Ông Nguyễn Văn Bình trả lời bạn đọc. Ảnh: Phạm Hải.

Ông Nguyễn Văn Bình trả lời bạn đọc. Ảnh: Phạm Hải.

Bình Nhiên , Nữ - 23 Tuổi

Ông có lời khuyên gì cho độc giả trước những dịch bệnh không lây nhiễm?

Ông Trần Quốc Bảo: Khuyến nghị của chúng tôi là:

Các bệnh không lây nhiễm là hậu quả của hành vi, lối sống không tốt cho sức khỏe. Để dự phòng không mắc các bệnh không lây nhiễm, mối người dân cần thực hiện các hành vi, lối sống lành mạnh. Cụ thể là: không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý ví dụ như ăn nhiều rau và trái cây, ăn giảm muối, và tăng cường vận động thể lực trong cuộc sống hàng ngày. Theo WHO nếu thực hiện được những hành vi lành mạnh như trên thì chúng ta đã phòng được trên 80% số ca bệnh tim mạch, trên 40% số ca đái tháo đường và ung thư.

Mọi người, đặc biệt là những người từ 40 tuổi trở lên nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, đo huyết áp, xét nghiệm đường máu, và những biện pháp đơn giản khác theo hướng dẫn của cán bộ y tế,... để phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm để đi khám và điều trị kịp thời.

Với người đang mắc bệnh vẫn có thể sống khỏe và có cuộc sống bình thường nếu được phát hiện sớm, tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động,... theo lời khuyên của thầy thuốc.

Mai Thành Lê , Nam - 48 Tuổi

Tôi bị cao huyết áp nhiều năm, loanh quanh bệnh viện huyện thì chỉ được cấp thuốc thông thường. Tôi nghe mấy người gần nhà mách nếu lên bệnh viện tuyến trên sẽ được cấp thuốc tốt hơn. Xin hỏi có đúng như vậy không?

Ông Trần Quốc Bảo: Việc điều trị bằng thuốc đối với bệnh tăng huyết áp phụ thuộc vào mức độ và tính chất của bệnh. Hầu hết những người mắc bệnh tăng huyết áp ở thể nhẹ, ổn định thì chỉ cần điều trị bằng một số thuốc thông thường có sẵn ở tuyến xã, huyện. Chỉ những trường hợp mắc bệnh tăng huyết áp thể nặng, biến chứng, hoặc điều trị không ổn định ở tuyến dưới thì mới phải chuyển lên tuyến trên theo quy định. Bác lưu ý bệnh tăng huyết áp cần phải dùng thuốc, theo dõi, quản lý liên tục và lâu dài, thậm chí suốt cả cuộc đời, vì vậy điều quan trọng nhất là bác phải tuân thủ điều trị lâu dài và thực hiện chế độ dinh dưỡng, vận động theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Toàn cảnh GLTT Phòng, chống bệnh không lây nhiễm tuyến y tế cơ sở. Ảnh: Phạm Hải

Toàn cảnh GLTT Phòng, chống bệnh không lây nhiễm tuyến y tế cơ sở. Ảnh: Phạm Hải

Khải Bình , Nam - 42 Tuổi

Là người đứng đầu bệnh viện ông đã có những hành động gì để kêu gọi mỗi cán bộ trong bệnh viện nỗ lực trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Ông Nguyễn Văn Bình: Sở Y tế Bắc Giang đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch 1364/KH-UBND ngày 26/5/2018 triển khai chiến lược phòng chống bệnh Ung thư, tim mạch, đái tháo đường, COPD. Bộ Y tế có quyết định 3756/QĐ-BYT ngày 21/6/2018 về ban hành hướng dẫn hoạt động dự phòng phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến.

Từ các văn bản nêu trên, bệnh viện đã có các giải pháp như phổ biến cho mọi cán bộ viên chức nắm chắc để có các giải pháp truyền thông tới người bệnh, có hướng dẫn thay đổi về hành vi lối sống cũng như các giải pháp phát hiện người có nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm phổ biến, đồng thời đưa vào quản lý và điều trị người bệnh.

Bệnh viện cũng xác định chủ động phát hiện sớm các rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa Lipit, để có giải pháp điều trị dự phòng sớm. Đồng thời, chủ động phát hiện sớm các bệnh Ung thư, tim mạch để có giải pháp dự phòng và điều trị phù hợp.

Nguyễn Khánh , Nam - 56 Tuổi

Ai cũng nghĩ tuyến cơ sở không đủ máy móc, không đủ năng lực để chữa các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường.... Thực tế ở BV Tân Yên như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình: Hiện nay, bệnh viện đa khoa Tân Yên đã được trang bị thêm nhiều trang thiết bị Y tế như máy chụp cắt lớp vi tính, máy X quang kỹ thuật số, máy nội soi dạ dày, đại tràng, máy nội soi TMH, siêu âm màu 4 chiều, máy xét nghiệm sinh hóa, huyết học tự động, máy xét nghiệm đông máu tự động, máy xét nghiệm miễn dịch để phát hiện các mác cơ ung thư sớm.

Đồng thời, đội ngũ cán bộ y tế đã được tập huấn, đào tạo tương đối bài bản và có kỹ năng, tinh thần thái độ phục vụ được quan tâm. Do đó, cho đến nay hầu hết các bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đều yên tâm điều trị. Hơn nữa, việc điều trị ở bệnh viện huyện về cơ bản cũng giống như điều trị ở tuyến trên. Do đó, trong những năm gần đây có rất nhiều người bệnh mãn tính đang điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh đã chủ động về bệnh viện huyện điều trị, và số bệnh nhân điều trị mới ngày càng tăng.

Riêng bệnh tăng huyết áp thì hầu hết người bệnh sau khi điều trị một thời gian tại bệnh viện đều muốn chuyển về trạm y tế xã để quản lý điều trị, vừa giảm thời gian điều trị và hạn chế đi lại. Đối với bệnh nhân ung thư, bệnh viện chưa triển khai quản lý điều trị.

Hoàng Bình , Nam - 58 Tuổi

Bệnh không lây nhiễm được bảo hiểm như thế nào so với lây nhiễm? Tuyến trên và tuyến dưới khác gì nhau?

Ông Trần Quốc Bảo: Tất cả mọi người tham gia BHYT thì đều được khám chữa bệnh BHYT bình đẳng như nhau, bất kể là khám chữa bệnh với bệnh không lây nhiễm hay bệnh truyền nhiễm. Việc phân tuyến trên và tuyến dưới là chỉ phân tuyến về mặt chuyên môn, kỹ thuật, còn việc thanh toán BHYT là căn cứ theo tình trạng bệnh và chi phí khám chữa bệnh.

Bình Trang , Nữ - 48 Tuổi

Chào bác sỹ, bố tôi đã ngoài 60 tuổi hút thuốc lá khoảng 40 năm nay. Ông thường xuyên ho, khó thở, nhưng đi khám chụp phổi ở bệnh viện huyện thì không phát hiện ra bệnh. Vậy tôi có nên đưa ông lên tuyến trên?

Ông Trần Quốc Bảo: Một người cao tuổi đã hút thuốc rất nhiều năm, hiện tại thường xuyên khó thở, ho có thể là dấu hiệu của bệnh hô hấp mạn tính. Tuy nhiên để giải đáp cụ thể được trường hợp của của bố anh thì phải khám bệnh trực tiếp. Vì vậy anh nên đưa bố đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể.

Hải My , Nữ - 51 Tuổi

Bố tôi đang ở Bắc Giang và ông mắc bệnh đái tháo đường. Tôi rất muốn đưa ông lên Hà Nội chữa bệnh vì trên này tôi cảm thấy chữa bệnh hiệu quả, thậm chí còn được tư vấn dinh dưỡng... Xin hỏi ông Nguyễn Văn Bình, hiện ở Bắc Giang, với những bệnh nhân như bố tôi thì bác sĩ sẽ cấp phát thuốc thông thường, ngoài ra có tư vấn, theo dõi gì thêm không? Cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Văn Bình: Hiện nay, ở Bắc Giang bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện Nội tiết tỉnh, bệnh viện phục hồi chức năng, 9 bệnh viện Đa khoa tuyến huyện, 4 bệnh viện tư nhân, các phòng khám đa khoa tư nhân có đăng ký khám bảo hiểm y tế và 20 trạm y tế xã đã triển khai quản lý điều trị cho 15.155 người bệnh. Trong đó, số bệnh nhân điều trị ở bệnh viện Đa khoa tỉnh, bệnh viện Nội tiết chiếm 13,8%, số bệnh nhân điều trị ở các bệnh viện huyện chiếm 58,2%. Số bệnh nhân điều trị ở bệnh viện tư nhân và phòng khám đa khoa tư nhân chiếm 27,6%. Số điều trị ở trạm y tế xã chiếm 0,4%.

Như vậy, việc điều trị đái tháo đường ở Bắc Giang là công việc thường qui và có tới 86,2% bệnh nhân điều trị ở y tế cơ sở. Việc điều trị ở tất cả các cơ sở y tế ngoài việc khám, xét nghiệm, cấp thuốc thì người bệnh còn được tư vấn về chế độ ăn, luyện tập theo dõi và các tư vấn khác liên quan tới đái tháo đường. Thậm chí những tư vấn này còn được in vào sổ theo dõi của người bệnh, hầu hết các bệnh nhân đều yên tâm điều trị, riêng bệnh viện đa khoa Tân Yên từ nhiều năm nay không có trường hợp đái tháo đường nào phải chuyển tuyến.

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến tại Tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh: Phạm Hải

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến tại Tòa soạn báo VietNamNet. Ảnh: Phạm Hải

Phan Thanh Ly , Nữ - 42 Tuổi

Em gái tôi bị suy thận và lọc máu định kỳ ở Hà Nội. Tôi cũng không muốn em đi vất vả nhưng chúng tôi cũng có chút lo lắng. Xin ông Bình chia sẻ thêm về những dịch vụ BV Tân Yên đang thực hiện hiện nay? Cảm ơn ông.

Ông Nguyễn Văn Bình: Bệnh viện Đa khoa Tân Yên hiện nay chưa triển khai lọc máu định kỳ, tuy nhiên những người bị suy thận hiện đang được lọc máu chu kỳ tại bệnh viện Đa khoa tỉnh có kết quả rất tốt. Vì vậy, có thể gia đình đưa người bệnh suy thận vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang để được tư vấn và điều trị.

Đinh Đức Thành , Nam - 43 Tuổi

Xin hỏi hiện nay nếu muốn thực hiện các phương pháp điều trị, chiếu chụp công nghệ cao thì những bệnh viện như Tân Yên liệu có đáp ứng được không?

Ông Nguyễn Văn Bình: Hiện nay, bệnh viện chỉ có máy chụp cắt lớp vi tính. Do đó, những người bệnh cần có các thăm dò kỹ thuật cao như chụp cộng hưởng từ, chụp mạch, chụp PetCT thì bệnh viện Tân Yên cũng như các bệnh viện tuyến huyện khác trong tỉnh chưa đáp ứng được.

Lưu Minh Phương , Nữ - 47 Tuổi

Xin hỏi bệnh viện Tân Yên có những chính sách gì để thu hút và giữ chân các bác sĩ giỏi?

Ông Nguyễn Văn Bình: Bệnh viện đã xây dựng qui chế chi tiêu nội bộ, trong đó đã tập trung ưu tiên các bác sỹ đặc biệt là bác sỹ giỏi để có thu nhập cao hơn. Đồng thời tích cực cho cán bộ, bác sỹ đi đào tạo kỹ thuật.

Minh Đức , Nam - 47 Tuổi

Xin ông chia sẻ những ưu điểm hiện nay của bệnh viện Tân Yên trong việc chăm sóc sức khỏe người dân? Bệnh viện còn những khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Bình: Trong những năm gần đây bệnh viện đã tập chung cải tạo cơ sở hạ tầng, tích cực đầu tư trang thiết bị, đào tạo kỹ thuật, tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp và tinh thần thái độ phục vụ người bệnh. Cho nên, đa số người bệnh đến khám và điều trị đều yên tâm. Tuy nhiên, bệnh viện vẫn còn khó khăn hạn chế như: hạn chế về quỹ BHYT, chưa có trang thiết bị Y tế hiện đại như máy chụp cộng hưởng từ, chụp mạch…

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

Minh Tuấn

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/truc-tuyen-giai-phap-nao-phong-chong-benh-khong-lay-nhiem-tuyen-y-te-co-so-489836.html