Trực tuyến tọa đàm: Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới
Sáng 25/4, tại Nhà điều hành Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội), Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: 'Thực trạng và giải pháp về công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới'.
Thực hiện Kế hoạch số15/KH-LĐLĐ ngày12/3/2021 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội nghiên cứu xây dựng Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động Thành phố khóa XVI về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Tọa đàm với chủ đề “Thực trạng và giải pháp công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”.
Chủ trì Tọa đàm có các đồng chí: Nguyễn Phi Thường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành Ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội; Nguyễn Hoài Nam - Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội; Đinh Quốc Toản - Chủ tịch công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội.
Đặc biệt, dự Tọa đàm có các đại biểu là đại diện khối Công đoàn ngành, Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, Công đoàn Tổng công ty và đại diện một số công đoàn cơ sở.
8h30:
Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Phạm Bá Vĩnh- Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết: Hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý trực tiếp 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 25 Công đoàn cơ sở trực thuộc với tổng số 9.031 Công đoàn cơ sở và 609.274 đoàn viên công đoàn, trong đó có 5.398 Công đoàn cơ sở ngoài khu vực Nhà nước. Tổng số cán bộ công đoàn các cấp là 65.749 người, trong đó tổng số cán bộ Công đoàn cơ sở (ủy viên Ban Chấp hành) là 65.440 đồng chí. Tổng số cán bộ công đoàn chuyên trách: 267 người, trong đó công chức: 242 đồng chí; cán sự: 01 đồng chí; hợp đồng: 24 đồng chí.
Nhìn chung, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ bản có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình với hoạt động công đoàn; một số cán bộ Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước có kinh nghiệm trong xây dựng và thương lượng Thỏa ước lao động tập thể; có kinh nghiệm trong hòa giải và giải quyết tranh chấp lao động tại cơ sở. Tuy nhiên, hầu hết cán bộ Công đoàn cơ sở kiêm nhiệm, công việc chuyên môn nhiều, do đó chưa giành được nhiều thời gian để nghiên cứu hoạt động công đoàn; cán bộ Công đoàn cơ sở còn phụ thuộc vào người sử dụng lao động về việc làm, tiền lương, tiền công nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động công đoàn, nhất là tại các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Một bộ phận cán bộ công đoàn còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng đòi hỏi của đoàn viên, người lao động và thực tiễn hoạt động Công đoàn hiện nay; chính sách đối với cán bộ công đoàn cơ sở chưa thực sự thỏa đáng nên chưa thật sự tạo động lực để họ hoạt động. Một số cán bộ Công đoàn chuyên trách còn thiếu những kỹ năng cần thiết để triển khai thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Công tác đào tạo bồi dưỡng đôi khi chưa gắn với thực tế với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch sử dụng cán bộ. Chất lượng hiệu quả đào tạo cán bộ còn chưa cao. Nội dung chương trình và phương pháp đào tạo cán bộ chậm đổi mới, chưa theo kịp sự thay đổi của thực tiễn hoạt động.
Đồng chí Phạm Bá Vĩnh đề nghị các đồng chí phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đánh giá khách quan, toàn diện, đề xuất những giải pháp có chất lượng về tình hình tổ chức cũng như đội ngũ cán bộ công đoàn theo khối của mình để Liên đoàn Lao động Thành phố tổng quát thành bức tranh tổng thể, làm cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn Thủ đô trong thời gian tới, đặc biệt là khi Việt Nam đã hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EV FTA) và những cam kết quốc tế.
8h40
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Nguyễn Phi Thường đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thảo luận, đánh giá khách quan thực trạng công tác cán bộ Công đoàn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung làm rõ những khó khăn trong hoạt động, cơ chế, chính sách, quyền lợi của cán bộ Công đoàn; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ Công đoàn…
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố đặt vấn đề, hiện nay, người sử dụng lao động trả lương cho cán bộ Công đoàn, vậy Công đoàn đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động như thế nào? Có những quyền lợi của người lao động đã được pháp luật quy định, tuy nhiên người sử dụng lao động không thực hiện, cán bộ Công đoàn có đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động được không?
“Vai trò, chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn là đại diện, bảo vệ người lao động, nếu không thực hiện được thì vai trò của tổ chức Công đoàn sẽ mai một, vậy tổ chức Công đoàn đã làm tốt chưa?” – đồng chí Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố đề nghị các đại biểu cùng với việc nhìn nhận, đánh giá khách quan thực trạng hoạt động của tổ chức Công đoàn cần có những đề xuất, kiến nghị và giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới.
8h50: Báo cáo đề dẫn Hội nghị Tọa đàm, đồng chí Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội khẳng định: Cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức, sự tồn tại và phát triển của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… Cán bộ Công đoàn là người đại diện cho đoàn viên, người lao động tham gia trong lĩnh vực quan hệ lao động, nhằm đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thực tế hoạt động Công đoàn thời gian qua cho thấy, ở đâu cán bộ Công đoàn có năng lực, bản lĩnh, kỹ năng hoạt động thì ở đó hoạt động Công đoàn được thực hiện tốt và thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác, cải thiện đời sống cho đoàn viên, người lao động, qua đó khẳng định vị thế của tổ chức Công đoàn.
Tuy nhiên, trong thực tế, do nhiều nguyên nhân, chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn vẫn còn những hạn chế, bất cập, dẫn đến kết quả hoạt động chưa cao.
Theo đó, tại Tọa đàm, Ban Tổ chức Hội nghị đề nghị các đại biểu tập trung: Đánh giá thực trạng công tác cán bộ công đoàn các cấp (từ Thành phố đến cơ sở) giai đoạn 2015-2020, trong đó nêu rõ thực trạng hoạt động Công đoàn cơ sở, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Thực trạng trong thực hiện chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp: Công tác đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động; vai trò của Công đoàn cơ sở tham gia phối hợp với chuyên môn, người sử dụng lao động nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề trong công nhân lao động; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động Công đoàn cho cán bộ Công đoàn cơ sở; cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn trong doanh nghiệp khi quyền lợi bị ảnh hưởng, xâm phạm… Qua đó, đề xuất những giải pháp hữu hiệu, tích cực, sáng tạo, mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ Công đoàn trong Khối các đơn vị, doanh nghiệp.
8h55: Các đại biểu tham luận tại Hội nghị Tọa đàm
Tham luận với chủ đề “Vai trò và sự cần thiết của cán bộ Công đoàn chuyên trách đối với Công đoàn cơ sở”, đồng chí Lê Văn Báu - Chủ tịch công đoàn chuyên trách Công đoàn Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội thuộc Công đoàn ngành Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động Công đoàn cơ sở hiện nay còn một số tồn tại hạn chế.
Một trong những nguyên nhân theo đồng chí Báu là cán bộ Công đoàn cơ sở hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm, không được đào tạo cơ bản có hệ thống; phải làm công tác chuyên môn là chủ yếu, thời gian cho hoạt động công đoàn quá ít. Cùng đó, cán bộ Công đoàn lại chịu sự quản lý và hưởng lương từ người sử dụng lao động nên phụ thuộc vào người sử dụng lao động, hay bị điều động, luân chuyển công tác nên phải chịu áp lực rất lớn, thậm chí phải đối mặt với nhiều rủi ro do sự phân biệt đối xử vì lý do hoạt động công đoàn từ người sử dụng lao động... nếu có nhiều ý kiến trái chiều có lợi cho người lao động nhưng ảnh hưởng tới lợi ích của người sử dụng lao động.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc’’, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”; ở nơi nào có cán bộ Công đoàn cơ sở vừa có tâm, vừa đủ tầm, tràn đầy nhiệt huyết với công việc thì hoạt động công đoàn ở đó sẽ hiệu quả, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động sẽ được bảo vệ tích cực. Nhưng để có được cán bộ Công đoàn như vậy chúng ta cũng cần phải có chế độ, chính sách bảo vệ, đãi ngộ, khuyến khích cả vật chất và tinh thần đối với cán bộ Công đoàn và việc lựa chọn cán bộ công đoàn đủ năng lực, đủ trình độ, đủ bản lĩnh và thực sự là thủ lĩnh của người lao động để bố trí làm cán bộ công đoàn chuyên trách tại các Công đoàn cơ sở có đủ điều kiện, có đặc thù”- đồng chí Lê Văn Báu đề xuất.
9h10
Trao đổi về thực trạng công tác của cán bộ Công đoàn tại doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Hòa (Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyota Boshoku Hà Nội cho biết, hiện nay, cán bộ Công đoàn chỉ được chủ sử dụng lao động dành thời gian cho hoạt động công đoàn là 8 ngày/tháng. Đội ngũ cán bộ Công đoàn ở Ban chấp hành không ai có nghiệp vụ chuyên môn về công tác công đoàn. Quan điểm của chủ sử dụng lao động là tập trung ưu tiên vào việc sản xuất kinh doanh làm ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp nên các hoạt động của công đoàn không được chú trọng, các hoạt động tổ chức Công đoàn triển khai 100% phải làm ngoài giờ.
Trước những khó khăn đó, Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyota Boshoku Hà Nội đã chủ động đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cụ thể như: kiện toàn bộ máy tổ chức Công đoàn và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; xây dựng uy tín của tổ chức Công đoàn bằng sự tin tưởng, ủng hộ của tập thể người lao động với các việc làm cụ thể; tranh thủ sự hỗ trợ của lãnh đạo công ty về kinh phí để tổ chức nhiều hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm với mục tiêu thi đua “ Năng suất, chất lượng ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua”; xây dựng mối quan hệ của tổ chức Công đoàn với lãnh đạo công ty hài hòa, ổn định và tiến bộ bằng việc tổ chức Công đoàn thực sự là cầu nối đem những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của tập thể người lao động đến với lãnh đạo công ty.
“Cán bộ công đoàn hoạt động kiêm nhiệm, đa số thiếu kiến thức và kinh nghiệm thực tế, do vậy đề nghị Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ theo phương pháp tích cực để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới...”, đồng chí Nguyễn Văn Hòa kiến nghị.
9h20
Tại hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOTO Việt Nam Phạm Thị Bích Hải đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn trong hoạt động của cán bộ Công đoàn tại doanh nghiệp. Cụ thể, cán bộ Công đoàn gần như không có thời gian làm những công việc liên quan đến công đoàn tại công ty mà thường phải làm ngoài giờ; cán bộ Công đoàn phải đảm nhiệm nhiều vai trò, trong đó vừa tập trung chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động thông qua việc sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để đề xuất với người sử dụng lao động vừa phải đảm bảo công việc chuyên môn vì nếu không hoàn thành công việc chuyên môn thì sẽ không có tiếng nói…
Từ những khó khăn nêu trên, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn TOTO Việt Nam Phạm Thị Bích Hải đề xuất Công đoàn cấp trên có giải pháp để tuyên truyền cho người sử dụng lao động hiểu rõ về vai trò, chức năng của tổ chức Công đoàn và những khó khăn của cán bộ Công đoàn tại doanh nghiệp. Để qua đó người sử dụng lao động hiểu và tạo điều kiện cho cán bộ Công đoàn hoạt động. Bên cạnh đó, Công đoàn cấp trên tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ Công đoàn về pháp luật lao động, nhất là bộ Luật Lao động 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021) nhằm giúp cán bộ Công đoàn nắm rõ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
9h30
Đồng chí Lại Thị Len - Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV cổ phần Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) chia sẻ: Bản thân chị là Trưởng phòng Tổ chức, kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty nên có nhiều thuận lợi trong hoạt động tại cơ sở. Trong chính sách phát triển, lãnh đạo doanh nghiệp luôn chú trọng, hướng đến người lao động, theo đó quan hệ giữa Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở và lãnh đạo doanh nghiệp là quan hệ đồng hành, cùng xây dựng, phát triển.
Tuy nhiên, đồng chí Lại Thị Len cũng đặt vấn đề: Cần nâng cao năng lực thực hiện của Ban Chấp hành Công đoàn Công ty. Muốn bảo vệ tốt cho người lao động, cán bộ công đoàn phải am hiểu chính sách pháp luật để tư vấn với chủ sử dụng lao động, phải hiểu về lĩnh vực kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp để tham mưu, đồng hành cho đúng, trúng. Bên cạnh đó, phải có kỹ năng như nhà tâm lý học để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, và phải làm sao để nhận được sự tin tưởng của người lao động để họ chủ động bày tỏ ý kiến, và quan trọng là ý kiến của họ phải có được quan tâm giải quyết. Đồng thời, cán bộ công đoàn phải có kỹ năng thương lượng, đàm phán.
Nêu lên thực trạng hiện Công ty đang tiến hành cổ phần hóa, đồng chí Lại Thị Len nêu vai trò của cán bộ Công đoàn trong đảm bảo việc làm, đời sống, thu nhập cho người lao động sau cổ phần hóa, trong đó kiến thức về pháp luật của cán bộ Công đoàn đóng vai trò quyết định.
9h40
Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, đồng chí Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn điện tử Asti Hà Nội cho biết, do công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài nên hoạt động công đoàn cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, xác định rõ nhiệm vụ và chức năng của mình, Ban chấp hành Công đoàn công ty đã nỗ lực khẳng định vai trò của mình trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ, tham gia xây dựng thang bảng lương, thưởng... và thông báo rộng rãi đến người lao động.
“Để tối ưu thời gian làm việc chuyên môn của cán bộ công đoàn, kinh nghiệm của chúng tôi là chia mỗi cán bộ phụ trách xuyên suốt một mảng, qua đó tránh chồng chéo và đạt hiệu quả tốt nhất”, đồng chí Nguyễn Đức Nhân cho hay.
9h50
Chia sẻ tại Tọa đàm, đồng chí Đỗ Thị Đào - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Global Toserco (thuộc Công đoàn Tổng công ty Du lịch Hà Nội) đã đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở.
Đó là, công tác đào tạo cần được chú trọng từ cấp cơ sở; cán bộ Công đoàn cơ sở phải luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động để từ đó xây dựng các phương thức hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù của đơn vị; cán bộ Công đoàn cần tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu của công việc.
Bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết về kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động; Công đoàn cơ sở cần chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua phù hợp với đặc điểm, tình hình của đơn vị để tạo không khí thi đua sôi nổi trong công ty góp phần nâng cao hiệu quả công việc.
10h
Từ thực tiễn hoạt động ở Công đoàn cơ sở, tham luận tại hội nghị, đồng chí Lý Trường Sơn, phó Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, thuộc Công đoàn Tổng công ty Vận tải Hà Nội phản ánh, do đều là cán bộ Công đoàn không chuyên trách, kiêm nhiệm công tác công đoàn, lại không được đạo tạo cơ bản và chuyên sâu nên cán bộ Công đoàn còn một số mặt hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động; trình độ lý luận và thực tiễn của một số cán bộ Công đoàn chưa theo kịp yêu cầu tình hình mới hiện nay.
Bài học kinh nghiệm mà đồng chí Lý Trường Sơn rút ra là, để nâng cao năng lực, chất lượng hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở, phải xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có năng lực chuyên môn vững vàng, có nhiệt huyết và kinh nghiệm trong việc triển khai các hoạt động của Công đoàn. Cán bộ Công đoàn phải thật sự gần gũi, lắng nghe và tôn trọng ý kiến quần chúng lao động, có năng lực dự cảm, phân tích, và thuyết phục; chủ động sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những chương trình công tác trọng tâm …
Từ những điều đúc rút trên, đồng chí Lý Trường Sơn đề xuất; để xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất và bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trong thời gian tới các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn, đồng thời, quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn.
Đồng chí Lý Trường Sơn cũng kiến nghị cần chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên đối với công đoàn cấp dưới theo hướng tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ để công đoàn cấp dưới có khả năng tự tổ chức thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác công đoàn cho cán bộ công đoàn thuộc đơn vị mình quản lý.
10h10
Đồng chí Vũ Hữu Tuyến - Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho rằng, bên cạnh những mặt mạnh, trong thực tiễn hoạt động đội ngũ cán bộ Công đoàn các cấp tại Tổng công ty Vận tải Hà Nội vẫn bộc lộ những hạn chế, khó khăn nhất định.
Trước tình hình thực trạng đội ngũ cán bộ Công đoàn tại Tổng công ty Vận tải Hà Nội và những khó khăn, bất cập trong công tác cán bộ Công đoàn nói chung, đồng chí Vũ Hữu Tuyến đề xuất một số giải pháp. Trước hết, cần đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của cán bộ Công đoàn tại các cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh. Nếu cán bộ công đoàn không phát huy tốt vai trò của mình sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Trong bối cảnh mới, điều đó gián tiếp ảnh hưởng tới sự tồn tại của tổ chức Công đoàn nói chung. Cùng đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ Công đoàn vừa hồng vừa chuyên, tập trung công tác đào tạo kỹ năng đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động trong công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động cũng như kỹ năng tuyên truyền, phổ biến đến công nhân lao động về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Công đoàn, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi của người lao động.
Tổ chức Công đoàn cần kiện toàn, rà soát, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các Công đoàn cơ sở tinh gọn, hiệu quả; xác định rõ chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm của từng cán bộ Công đoàn; thực hiện đánh giá cán bộ Công đoàn hàng năm, qua đó để thực hiện quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm, điều động cán bộ công đoàn đúng quy định và phát huy hiệu quả.
10h20
Đồng chí Nguyễn Tràng Huy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV May mặc Việt-Pacific (Công đoàn Dệt may Hà Nội) chia sẻ tại tọa đàm, để đạt được hiệu quả cao trong việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể thì không nên đưa quá nhiều nội dung cùng một lúc vào thỏa ước, mà giữa Công đoàn và lãnh đạo công ty phải trải qua quá trình đàm phán từng vấn đề. Ngoài ra, sự quan tâm kịp thời của công đoàn cấp trên cũng là động lực để công đoàn cơ sở hoạt động có kiểu quả và nâng cao tinh thần chủ động.
“Mỗi đơn vị đều có khó khăn và thuận lợi khác nhau, nhưng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước thì công đoàn cơ sở phải tự vận động, cán bộ công đoàn phải tự học hỏi để có điều kiện hoạt động tốt. Do vậy chúng tôi cần sự quan tâm của công đoàn cấp trên hơn nữa”, đồng chí Nguyễn Tràng Huy đề nghị.
10h30
Thảo luận tại tọa đàm, đồng chí Lê Quang Khải - Ủy viên thường vụ Công đoàn Công ty Cổ phần Xích líp Đông Anh cho biết, bên cạnh những thuận lợi và ưu điểm, hạn chế khó khăn của đội ngũ cán bộ Công đoàn Công ty là kiêm nhiệm, phải ưu tiên các công việc phục vụ sản xuất nên đôi khi việc triển khai hoạt động còn hạn chế, chưa kịp thời.
Cạnh đó, một số cán bộ công đoàn chưa hoàn toàn nhận thức được vai trò của mình, năng lực hoạt động; khả năng giao tiếp, đối thoại vẫn cần trau dồi thêm. Độ tuổi trung bình của cán bộ làm công tác công đoàn cao (36 tuổi), đoàn viên mới tuyển dụng có tuổi đời trẻ, ít kinh nghiệm, gây khó khăn trong việc tìm kiếm đội ngũ cán bộ kế cận.
Đồng chí nêu lên những bài học kinh nghiệm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Công đoàn cơ sở là cần xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn trong Công ty nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, kiến thức quản lý để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cùng đó, hàng năm Công đoàn cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể về từng mặt công tác, phân công nhiệm vụ cho cán bộ công đoàn kiểm tra thực hiện nghiêm túc kế hoạch đã đề ra. Công đoàn luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chăm lo vật chất, tinh thần cho cán bộ công nhân viên; chủ động đề xuất, phối hợp tốt với Ban lãnh đạo Công ty trong công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Công đoàn đẩy mạnh hoạt động phong trào thi đua, tập trung vào trong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phong trào lao động giỏi, phong trào lao động sáng tạo, phong trào người tốt việc tốt, phong trào văn hóa công nghiệp, tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ của Công ty; duy trì tốt sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Công ty.
10h40
Đồng chí Đỗ Thiết Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Công trình giao thông Hà Nội cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, hoạt động công đoàn của công ty vẫn có phần hạn chế do cán bộ Ban chấp hành và cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm còn nhận thức chưa đầy đủ về kiến thức, Luật hay các vấn đề chuyên môn khác.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, đồng chí Đỗ Thiết Hùng đề nghị Công đoàn cấp trên tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ công đoàn theo từng chủ đề, từng công việc cụ thể để cán bộ công đoàn cơ sở có những thảo luận và những giải đáp từ chuyên gia, giảng viên có chuyên môn.
11h50
Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Phạm Bá Vĩnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội khẳng định Tọa đàm về cơ bản đã đạt được những mục tiêu, yêu cầu đã đề ra từ đầu. Tọa đàm nhận được 26 bài tham luận và nghe 10 ý kiến phát biểu của đại diện doanh nghiệp, công đoàn cấp trên và công đoàn cơ sở.
Khẳng định đây là những vấn đề hết sức thực tiễn mà các đơn vị đang gặp phải, đồng chí Phạm Bá Vĩnh cho biết, Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đồng chí cán bộ công đoàn trao đổi hôm nay và Liên đoàn Lao động Thành phố sẽ có kế hoạch phù hợp, xây dựng nội dung để thảo luận tại các buổi tọa đàm chuyên sâu tới đây.
Trao đổi thêm về những biện pháp nâng cao công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội cho rằng phải quan đến một số vấn đề trong tâm như: Tăng cường số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách cơ sở đối với đơn vị có số lượng đoàn viên từ 500- 1000 người trở lên; cán bộ công đoàn phải hoạt động có trọng tâm, tâm huyết thực sự với tổ chức công đoàn để đạt được kết quả tốt nhất; xem xét quy trình hoạt động của 4 cấp công đoàn, tránh việc hoạt động chồng chéo, phát huy vai trò của mỗi cấp một cách tối đa; xây dựng quy chế phù hợp để cán bộ công đoàn phát huy được vai trò của mình trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, là người gần gũi nhất, quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động để ngày càng nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn...