Trục xuất 1.300 người nhập cảnh Việt Nam trái phép?
Dư luận không khỏi hoang mang về thông tin 1.343 người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Người Trung Quốc vào Việt Nam làm gì trong bối cảnh COVID-19 phức tạp; làm thế nào để ngăn chặn hiệu quả?
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 8/5, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Tình trạng người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép ở Việt Nam đã tồn tại nhiều năm, nhưng không xử lý được triệt để, là do buông lỏng công tác quản lý lưu trú.
“Theo quy định pháp luật, cư dân chuyển đến sinh sống trong 1 tháng, phải khai báo tạm trú, tạm vắng tại địa phương nhưng nhiều người dân, nhất là người nước ngoài sinh sống ở các tòa nhà chung cư vẫn chưa có ý thức cao trong vấn đề này. Tại một số dự án nhà chung cư, chủ đầu tư vẫn chưa phối hợp và thống nhất được với người dân về vấn đề thành lập Ban Quản trị, nên công tác kết nối với chính quyền địa phương trong việc quản lý dân cư gặp khó khăn”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Để quản lý chặt công tác tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn, nhiều luật sư cho rằng, đầu tiên phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cộng với sự góp sức của công dân trên địa bàn. Người dân tại các tòa nhà phải là những “cần ăng ten”; công an phường giám sát, lực lượng bảo vệ cần tăng cường phát hiện những người ra vào, đặc biệt nhóm đoàn đông.
Tại Điều 347, Bộ Luật hình sự (BLHS) về tội xuất nhập cảnh trái phép thì chỉ xử lý hình sự trong trường hợp đối tượng đã bị xử lý hành chính. Nếu chưa xử phạt hành chính thì không thể xử lý hình sự đối với các đối tượng là người nước ngoài nhập cảnh. Đối với đối tượng đưa dẫn, tổ chức điều kiện cho nhóm đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam thì sẽ phạm vào Điều 348 BLHS có thể bị xử tù đến 15 năm.
Theo quy định, người nước ngoài nhập cảnh mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng; cư trú mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, nếu người nước ngoài có hành vi nhập cảnh, cư trú trái phép, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Đối với trách nhiệm hình sự, Điều 347 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định: “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các chế tài xử phạt trên vẫn chưa thật sự cứng rắn răn đe dẫn đến tình trạng nhập cảnh, cư trú trái phép vẫn “sôi động”. Bởi mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nhập cảnh, cư trú trái phép lần đầu chỉ vài chục triệu đồng, nên không ít người sẽ cố tình vi phạm. “Vì vậy, cần xem xét việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất ra khỏi Việt Nam đối với tất cả những trường hợp người nước ngoài nhập cảnh, cư trú trái phép”, ông Hoàng Tùng cho biết.
Theo Luật sư Trần Thị Thanh Lam (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), các vụ nhập cảnh trái phép đều có sự tiếp tay, giúp sức, bao che của một số cá nhân người Việt Nam. Những đối tượng trung gian này làm nhiệm vụ dẫn đường qua biên giới, thuê ôtô di chuyển, thuê nơi tạm trú, cung ứng các nhu yếu phẩm sinh hoạt...Nhóm đối tượng có hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 348 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất đến 15 năm tù khi thực hiện đối với 11 người trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên hoặc làm chết người.
Nếu nhóm đối tượng biết những người nhập cảnh mắc COVID-19 nhưng vẫn tổ chức cho nhập cảnh trái phép, cần phải xử lý thêm tội "Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người" theo điều 240 BLHS, hình phạt cao nhất đến 12 năm tù nếu dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 2 người trở lên.
“Khi xử lý các đối tượng vi phạm, cần áp dụng thủ tục tố tụng đặc biệt để đưa ra truy tố, xét xử nhanh chóng với mức hình phạt nghiêm minh nhằm tạo sức răn đe, phòng ngừa chung; đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan có thẩm quyền nếu thiếu trách nhiệm, để tội phạm xảy ra. Hơn nữa, các nhà lập pháp cần nghiên cứu, tăng thêm mức hình phạt khiến những người có ý định thực hiện hành vi trái pháp luật chùn bước, từ bỏ việc thực hiện”, Luật sư Trần Thị Thanh Lam đề xuất.