'Trùm' bảo kê Kiên 'tươi' đối diện khung hình phạt nào?

Dư luận đặt câu hỏi, với việc phạm tội cưỡng đoạt tài sản cùng giá trị tài sản chiếm đoạt lên tới hàng tỷ đồng, Kiên 'tươi' có thể đối diện khung hình phạt nào? Chuyên gia pháp lý đã đưa ra lời giải đáp.

Trùm bảo kê vật liệu xây dựng Kiên "tươi" bị CQCA bắt giữ. Ảnh: CQCA

Làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản

Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CATP Hà Nội cho biết đã bắt giữ Nguyễn Trung Kiên (SN 1985, tức Kiên "tươi"), trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội để điều tra về các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và cưỡng đoạt tài sản. Theo CQCA, từ năm 2021, Phòng CSHS CATP Hà Nội phát hiện một ổ nhóm tội phạm có tổ chức do Nguyễn Trung Kiên, tức Kiên “tươi” (SN 1985), trú tại số 99A, ngõ 5 Hoàng Quốc Việt, tổ 23, phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội cầm đầu. Nhóm đối tượng này chuyên bảo kê bến bãi vật liệu xây dựng và có các hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Trong đó, Nguyễn Trung Kiên là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, đã có 2 tiền án và 2 tiền sự. Các đối tượng khác trong nhóm của Kiên hoạt động rất kín kẽ, để tránh bị phát hiện, các đối tượng nhận lệnh trực tiếp của Kiên “tươi”, không đe dọa trực tiếp các bị hại, không nhận tiền bảo kê mà chỉ sử dụng sim “rác” gọi điện thoại “nhắc nhở” chủ đầu tư các công trình.

Điều tra về Nguyễn Trung Kiên, CQCA phát hiện đối tượng này còn huy động vốn của một số đối tượng có nhiều tiền án tiền sự. Từ dòng tiền này, Kiên “tươi” giao cho tay chân của mình là Lê Minh Nam (SN 1977), trú tại tổ 13, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy mang đi “kinh doanh tài chính” với lãi suất từ 2.000 - 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Để tránh nợ xấu, Kiên ra lệnh cho đàn em chỉ lựa chọn khách vay là các DN, công chức hoặc đối tượng hình sự. Các hoạt động giao dịch vay tiền, thu lãi, Kiên đều không ra mặt mà giao cho Lê Minh Nam toàn quyền xử lý.

Sau khi thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, các trinh sát của Phòng CSHS đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ của CATP Hà Nội bắt giữ Nguyễn Trung Kiên, đồng thời khám xét nơi ở của đối tượng. Từ lời khai của Kiên cùng chứng cứ thu thập được, CQ CSĐT xác định, Kiên “tươi” huy động vốn của nhiều đối tượng số tiền từ 1 - 5 tỷ đồng với lãi suất từ 700 - 1.200 đồng/1 triệu/1 ngày. Sau đó, Lê Minh Nam cho khách vay lãi suất cao.

Liên quan đến hành vi bảo kê bến bãi vật liệu xây dựng của Kiên “tươi”, lực lượng CA cũng làm rõ, Kiên cấu kết với đối tượng H (SN 1975), trú tại quận Tây Hồ thành lập Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển thương mại Tây Hồ Tây do H đứng tên Giám đốc.

Các đối tượng giao cho một nhóm hơn chục đối tượng tự do dựng lều lán, đặt container để ăn ở sinh hoạt và tập kết vật liệu xây dựng trên khu đất ở đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, mục đích dằn mặt chủ đầu tư công trình, xua đuổi các đối tác cung cấp để độc quyền bán vật liệu xây dựng. Cảnh sát xác định đây là khu đất nông nghiệp, nằm trong dự án giải phóng mặt bằng và quản lý xây dựng tường rào chống lấn chiếm. Đối với hành vi cho vay nặng lãi, Kiên khai nhận, bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2022...

Chế tài với tội danh này như thế nào?

Bạn đọc đặt câu hỏi, với việc cưỡng đoạt tài sản trong thời gian dài, đối tượng Kiên "tươi" có thể bị xử lý ra sao? Theo dõi sự việc, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” sẽ được xử lý căn cứ theo Điều 170, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Do đây là tội danh có hậu quả mang tính định lượng, khung hình phạt đối với người phạm tội sẽ phụ thuộc vào giá trị tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt.

Cụ thể, theo Điều 170, BLHS 2015 quy định, người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Nếu phạm tội có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội… sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Trường hợp chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 7 đến 15 năm. Còn chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm. Như vậy, nếu bị chứng minh có tội “Cưỡng đoạt tài sản”, tùy tính chất mức độ mà đối tượng Kiên "tươi" có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.

Luật sư Thái viện dẫn, “Cưỡng đoạt tài sản” là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản của họ. Có thể hơn, cưỡng đoạt tài sản là tìm mọi cách làm cho người có tài sản hoặc người có trách nhiệm về tài sản sợ hãi phải giao tài sản cho người phạm tội.

Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội danh. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác, người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ lúc người phạm tội thực hiện xong hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác kèm theo đòi hỏi về giao tài sản để chiếm đoạt. Nếu chỉ thuần túy đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần mà không gắn liền với yêu cầu về tài sản để chiếm đoạt sẽ không cấu thành tội phạm này.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/trum-bao-ke-kien-tuoi-doi-dien-khung-hinh-phat-nao-360430.html