'Trùm cát' xứ Thanh và mối quan hệ với 12 mỏ cát dừng hoạt động khi bị điều tra
Ông Nguyễn Gia Hải được coi là 'ông trùm' cát xứ Thanh. Ông Hải cùng với 3 người khác của Công ty khoáng sản Thiên An Phát bị bắt, 12 mỏ cát trên địa bàn tỉnh ngừng hoạt động khiến cát khan hàng, giá tăng cao
"Trùm cát" bị bắt, 12 mỏ dừng hoạt động, giá cát tăng cao
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra C03, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Gia Hải - "ông trùm" cát xứ Thanh và 3 người thuộc Công ty khoáng sản Thiên An Phát và yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan 12 mỏ cát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để phục vụ điều tra thì các mỏ này dừng hoạt động.
Từ đó, nguồn cung cát xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khan hiếm, giá tăng lên từng ngày và hiện đã tăng gấp đôi so với trước đó. Dù chấp nhận giá cao, nhưng doanh nghiệp và người dân có nhu cầu trên địa bàn vẫn rất khó mua được cát phục vụ xây dựng.
Lý giải nguyên nhân của sự việc này, ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo khảo sát, đánh giá năm 2010, trữ lượng cát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khoảng 20 triệu tấn. Tuy nhiên, khi thủy điện ở thượng nguồn các con sông xây dựng, đi vào hoạt động thì trữ lượng cát không tăng lên.

Ông Phạm Văn Hoành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa thông tin về mối liên hệ giữa việc "ông trùm" cát xứ Thanh bị bắt khiến 12 mỏ cái dừng hoạt động, giá cát tăng cao.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 25 mỏ cát được cấp phép hoạt động đang có hiệu lực, với trữ lượng 5 triệu m3, công suất khai thác hàng năm khoảng 0,7 triệu m3/năm.
Theo ông Hoành, ông Nguyễn Gia Hải là chủ một mỏ cát, nhưng ông Hải và một số cá nhân bị bắt có cổ phần phần tại 12 mỏ cát đang bị công an điều tra. Khi chủ mỏ hoặc cổ đông bị bắt thì mỏ cát chủ động dừng hoạt động.
Ngoài ra, theo nắm bắt của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, khối lượng khai thác năm 2025 của các mỏ này phần lớn đã gần hết, thời hạn cấp phép phần lớn tới năm 2030. 12 mỏ cát dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới thị trường cát xây dựng, cát khan hàng, giá tăng cao.

Ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa thông tin về thực trạng cát xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, thời gian vừa qua nguồn cát trên địa bàn tỉnh khan hiếm, giá tăng cao là đúng thực tế và thực trạng này rất khó giải quyết trong thời gian ngắn.
Theo ông Quang, hiện nay, 12 mỏ cát trên địa bàn tỉnh đang bị cơ quan công an điều tra nên tạm dừng hoạt động (2 mỏ bị yêu cầu dừng hoạt động, do khai thác gây sạt lở, chồng lấn và 10 cái chủ mỏ chủ động tạm dừng hoạt động).
12 mỏ cát dừng hoạt động chiếm tương đương khoảng hơn 72% công suất cát khai thác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hàng năm. Đây là nguyên nhân chính khiến cát xây dựng trên địa bàn tỉnh khan hiếm, tăng giá.
12 mỏ cát bị Bộ Công an yêu cầu cung cấp hồ sơ
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) vừa có Văn bản số 1005/SNNMT-ĐCKS ngày 26/3/2025 về việc đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến các mỏ khoáng sản cho C03, Bộ Công an.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, tại công văn 3824/UBND-CV ngày 25/3/2025 về việc giao Sở NN&MT làm đầu mối cùng với các sở: Xây dựng, Tài chính, Chi cục thuế khu vực, UBND các huyện liên quan, khẩn trương cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản theo yêu cầu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an theo Văn bản số 1120/CSKT-P8 ngày 24/3/2025.
Sở NN&MT đề nghị Sở xây dựng; UBND các huyện: Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hậu Lộc, Tp.Thanh Hóa cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khai thác tại mỏ khoáng sản từ khi cấp giấy phép khai thác đến nay; hồ sơ thanh kiểm tra, biên bản kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Ông trùm" cát xứ Thanh Nguyễn Gia Hải và 3 đối tượng bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam.
Trong một diễn biến khác, thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 8 địa điểm và triệu tập đấu tranh, ghi lời khai các cá nhân tại Công ty khoáng sản Thiên An Phát (có trụ sở tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) và các công ty liên quan.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 4/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty khoáng sản Thiên An Phát và các đơn vị liên quan.
CQĐT khởi tố, bắt tạm giam đối với 4 bị can gồm: Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc, đại diện pháp luật Công ty; Nguyễn Gia Hải, cổ đông góp vốn; Hà Thị Nga, cổ đông góp vốn; Nguyễn Thị Cúc, cổ đông góp vốn Công ty khoáng sản Thiên An Phát cùng về tội Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên quy định tại khoản 2 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự 2015.