'Trùm' Mười Tường buôn lậu như thế nào? (kỳ cuối)
Trong quá trình điều tra các vụ án liên quan đến 'bà trùm' Mười Tường, cơ quan điều tra phát hiện nhiều doanh nghiệp, cán bộ tiếp tay. Trong đó, Nguyễn Thị Kim Hạnh khai trong quá trình trốn sang Campuchia do liên quan đến vụ án buôn lậu 51kg vàng có liên lạc về gia đình để chi số tiền 2 tỷ đồng cho một số đối tượng nhằm mục đích 'chạy án' cho bị can và đồng bọn để không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lập nhiều công ty "ma"
Trước đó, khoảng 9 giờ 20 ngày 24-6-2019, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang tuần tra tại khu vực vành đai biên giới rạch Chắc Ry (tổ 6, khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc), phát hiện 4 người đi vỏ lãi chạy từ hướng Campuchia về Việt Nam có biểu hiện nghi vấn nên ra tín hiệu dừng kiểm tra. Phát hiện lực lượng chức năng, 4 người trên cho phương tiện quay đầu lại và cặp vào bờ, bỏ chạy bộ về phía Campuchia. Lúc này, một người trong nhóm đã ném lại một túi nylon chứa 470.000USD.
Đến ngày 06 và 09-7-2021, Phạm Thanh Sang (SN 1982), Hồ Tuấn Linh (SN 1981) ra đầu thú. Riêng Nguyễn Văn Lê (SN 1984), Nguyễn Văn Minh (SN 1991) bị bắt trong vụ buôn lậu 51kg vàng. Qua giám định, số tiền trên là thật, tương đương 10,9 tỷ đồng. Bốn đối tượng khai thường tham gia vận chuyển hàng hóa, tiền tệ cho Mười Tường từ Campuchia về Việt Nam. Ngày 24-6-2019, Mười Tường chỉ đạo qua Campuchia gặp đối tượng tên Cốp, Tuốt (người Campuchia) nhận USD chuyển về Việt Nam giao cho Hạnh. Khi cả 4 đang trên đường đem tiền USD về Việt Nam thì bị lực lượng chức năng phát hiện, truy đuổi. Liên quan vụ án này, ngày 21-11, tại TP.Long Xuyên, TAND cấp cao tại TPHCM đã tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh 8 năm tù, còn các đồng phạm mỗi bị cáo 4 năm tù.
Quá trình điều tra vụ án buôn lậu 51kg vàng, Phạm Tấn Lộc đầu thú, khai báo về hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Theo đó, khoảng 3 - 5 ngày trước khi bị bắt, Trương Văn Liêm gọi điện kêu Mai Thị Ngọc Phấn đến tiệm vàng Trương Liêm nhận 200.000USD mang sang Campuchia giao cho Tuốt (người Campuchia). Do Phấn không trực tiếp đến nhận nên mang ra khu vực bến lên cá của chợ Châu Đốc và Lộc đến nhận số tiền trên.
Lúc này, Liêm để 200.000USD vào bọc nylon màu đen và dùng bút lông ghi lên ký hiệu của tiệm vàng Trương Liêm là "VT", tiếp tục bỏ vào 1 bọc nylon buộc kín rồi kêu con ruột là Trương Duy Đạt mang ra điểm hẹn giao cho Lộc. Sau đó, Lộc mang bọc USD xuống xuồng gỗ để Võ Văn Trung điều khiển mang về nhà Nguyễn Thị Kim Hạnh kiểm đếm, nhắn tin thông báo số lượng cho Phấn và Hạnh biết để Phấn đi thu tiền công vận chuyển. Kiểm đếm xong, Lộc đi vỏ lãi do Nguyễn Văn Minh điều khiển mang sang Campuchia giao cho Tuốt. Sau đó, Phấn đến tiệm vàng Trương Liêm gặp Lâm Tuyết Dung nhận 100USD tiền công để mang về đưa cho Hạnh. Tháng 11-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố các bị can Mười Tường, Trương Văn Liêm, Phấn và Lộc cùng về tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Theo điều tra, Mười Tường còn là chủ mưu trong vụ án "rửa tiền", liên quan đến sự tham gia của một số cán bộ. Từ năm 2010 - 2020, Mười Tường thành lập nhiều công ty, hộ kinh doanh, đồng thời cho người thân, người làm công đứng tên nhằm hợp thức hóa việc buôn lậu đường cát và nhiều hàng hóa nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam. Để đối phó cơ quan chức năng, Mười Tường đã lập hàng chục tài khoản ngân hàng và yêu cầu người thân, người làm công lập nhiều tài khoản ngân hàng khác, rồi chỉ đạo cho đồng bọn sử dụng các tài khoản này thu tiền bán đường của 33 đầu mối tại các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ với tổng số là 4.105 tỷ đồng.
Thông cung để bỏ lọt tội phạm
Cuối tháng 10-2022, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) Công an tỉnh An Giang. Đồng thời cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Tấn Tài (nguyên Phó trưởng phòng PC03 Công an tỉnh An Giang) để làm rõ tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo tài liệu điều tra, cuối năm 2019, Bộ Công an phá chuyên án đường dây buôn lậu trên địa bàn tỉnh An Giang do Mười Tường cầm đầu. Sau đó, vụ án được chuyển về PC03 tỉnh An Giang thụ lý điều tra theo thẩm quyền. Thời điểm đó, bị can Lê Tấn Tài giữ chức Phó trưởng phòng PC03, được giao phụ trách vụ án. Thế nhưng do có quan hệ họ hàng với Hạnh, ông Tài đã chỉ đạo điều tra viên thực hiện quy trình điều tra không đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện để các nghi phạm thông cung, thống nhất khai báo gian dối dẫn đến việc bỏ lọt tội phạm.
Vào tháng 01-2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Văn Sang (SN 1970) về tội "rửa tiền". Trước đó, trong quá trình điều tra mở rộng vụ án "rửa tiền" liên quan đến "trùm" buôn lậu Mười Tường, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã có đủ chứng cứ để khởi tố Sang. Bị can này đã có hành vi tham gia trực tiếp vào các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp số tiền hơn 1,3 tỷ đồng có được từ hoạt động buôn lậu của Mười Tường phạm tội mà có. Được biết, Sang là trung tá, có nhiều năm công tác tại Đội an ninh thuộc Công an TX.Tân Châu, quyền Trưởng Công an phường Long Thạnh, Đội trưởng Đội CSGT Công an TX.Tân Châu. Cuối năm 2020, Sang về làm việc tại Phòng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp thuộc Công an tỉnh An Giang, sau đó xin nghỉ hưởng chế độ.
Tháng 10-2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam thượng tá Nguyễn Văn Võ (nguyên Trưởng Phòng CSGT đường thủy, nguyên Trưởng phòng Hồ sơ Công an tỉnh An Giang) về tội "rửa tiền". Bị can này được xác định có hành vi tham gia trực tiếp các giao dịch ngân hàng nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp trên 3 tỷ đồng của Mười Tường do phạm tội mà có.
Tiếp tục điều tra mở rộng các vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang xác định có thêm 3 cán bộ công an liên quan đến "bà trùm" buôn lậu này. Trong số này, có 2 lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế và một cán bộ điều tra thuộc Công an tỉnh An Giang. Sau đó, cả 3 cán bộ đều bị đình chỉ công tác để cơ quan chức năng thực hiện các bước quy trình xử lý cán bộ vi phạm theo quy định. Riêng trường hợp một cán bộ điều tra thì được điều chuyển về làm Phó công an thị trấn ở huyện Thoại Sơn.
Nhiều tổ chức, cá nhân bị kỷ luật
Trước đó, tại kỳ họp thứ 22 vào ngày 01 và 02-11-2022, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương tiếp tục thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kết luận của UBKT Trung ương tại Kỳ họp thứ 20 đối với một số tổ chức Đảng, đảng viên ở tỉnh An Giang. Căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020 và các đảng viên: Đại tá Bùi Bé Năm (Ủy viên Ban thường vụ (UVBTV) Đảng ủy, Phó giám đốc), Đại tá Lê Văn Tiền và Đại tá Nguyễn Tấn Phước (nguyên UVBTV Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc), Đại tá Lâm Thành Sol (Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên UVBTV Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang).
UBKT Trung ương kỷ luật khiển trách Đại tá Nguyễn Nhật Trường (Phó bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy, Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang), Đại tá Lâm Minh Hồng (UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Long An, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên UVBTV Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Công an tỉnh An Giang). Đồng thời, cảnh cáo Ban cán sự Đảng Viện KSND tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và các ông: Lê Xuân Hải (Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng), Trần Văn Thìn (Phó bí thư Ban cán sự Đảng, Phó viện trưởng), Nguyễn Văn Thạnh (Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó viện trưởng), Lê Hồng Bào (nguyên Bí thư Ban cán sự Đảng, nguyên Phó viện trưởng).
Ngoài ra, UBKT Trung ương cũng kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự Đảng TAND tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và các đảng viên: La Hồng (Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án), Lý Ngọc Sơn (Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó chánh án TAND tỉnh An Giang). Kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và các ông: Đại tá Phạm Văn Phong (Bí thư Đảng ủy, Chính ủy), Đại tá Lý Kế Tùng (Đảng ủy viên, Phó chỉ huy trưởng), khiển trách Đại tá Bùi Trung Dũng (Đảng ủy viên, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang).
Ngoài ra, kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2019 - 2020, 2020 - 2025, Chi ủy Văn phòng Chi cục QLTT tỉnh các nhiệm kỳ 2015 - 2017, 2017 - 2019 và các ông, bà: Huỳnh Ngọc Hồ (Bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng phụ trách), Trần Thị Thu Thanh Thủy (Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng), Phan Lợi (nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Phó giám đốc Sở Công thương, nguyên Chi Cục trưởng Chi Cục QLTT tỉnh An Giang).
UBKT Trung ương kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy Cục Hải quan tỉnh An Giang các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và ông Trần Quốc Hoàn (Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng); cảnh cáo các ông: Đinh Văn Tươi (Phó bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng), Nguyễn Tấn Bửu (Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó cục trưởng). Bên cạnh đó, UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét kỷ luật Thiếu tướng Bùi Bé Tư (nguyên UVBTV Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh) và Đại tá Nguyễn Thượng Lễ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang).