Trump áp thuế bổ sung 10% lên 300 tỷ đô hàng Trung Quốc, thêm yếu tố đẩy Fed cắt giảm lãi suất

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm đã áp thuế bổ sung đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, đưa Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào thế bất ngờ và có thể buộc ngân hàng trung ương nước này cắt giảm lãi suất nhiều hơn mức đã tính toán trước đó để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi rủi ro chính sách thương mại.

Trụ sở của Fed tại Washington - Ảnh: REUTERS/Kevin Lamarque

Trụ sở của Fed tại Washington - Ảnh: REUTERS/Kevin Lamarque

Trong một loạt các tweet đăng tải, Trump cho biết ông sẽ áp thuế bổ sung thêm 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/9, giải thích rằng ông không hài lòng với tốc độ đàm phán thương mại giữa hai siêu cường.

Khoảng 250 tỷ đô la hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã phải chịu mức thuế 25%, điều này được thực thi nhằm gây áp lực lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới để buộc nó phải đàm phán thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Thông tin được Tổng thống Mỹ đưa ra giữa buổi chiều thứ Năm (theo giờ nước Mỹ) đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm và lãi suất trái phiếu kho bạc lao dốc xuống mức thấp nhất trong gần ba năm.

Nó đã khởi nguồn cho việc mua vào điên cuồng trên các thị trường tương lai lãi suất, mà trước đó 24 giờ bị tổn thương bởi phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell với hàm ý việc giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản của Fed - lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính - không phải bắt đầu một chu kỳ nới lỏng kéo dài.

Vào cuối phiên giao dịch hôm thứ Năm, các thị trường đã khôi phục hoàn toàn với kỳ vọng rằng Fed thực sự sẽ cần phải tiếp tục tính tới chuyện nới lỏng chính sách hơn từ đây.

“Tuyên bố ngày hôm nay làm tăng rủi ro Fed cắt giảm lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong năm nay”, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Deutsche Bank Brett Ryan viết trong một lưu ý cho khách hàng.

Các quyết định mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump, đôi khi là khó đoán đối với chính sách thương mại là vấn đề trọng tâm được Powell đưa ra để lý giải cho việc cắt giảm lãi suất vào thứ Tư, được chấp thuận bởi một cuộc bỏ phiếu tỷ lệ 8-2 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC).

Sự không chắc chắn trong chính sách thuế quan hiện hành và các chính sách thương mại khác của Trump đã “giội gáo nước lạnh” đến nhiều lĩnh vực kinh doanh và đầu tư, Powell nói. Tăng trưởng toàn cầu yếu và lạm phát thấp là các yếu tố dẫn đến quyết định cắt giảm lãi suất.

Tuy nhiên, Powell cho biết ông xem việc cắt giảm lãi suất là một biện pháp phòng ngừa, gọi đó là một sự điều chỉnh giữa chu kỳ, và không phải là sự khởi đầu cho một chu kỳ cắt giảm lãi suất toàn diện.

Liệu Fed có thể vẫn bám sát kế hoạch hạn chế đó hay không, đó đang là vấn đề đặt ra. Nếu các vấn đề trong quan hệ thương mại lan rộng và trở thành một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nhà phân tích Lou Brien của DRW Holdings cho biết, “thì bất kỳ lần cắt giảm lãi suất của Fed nào sắp tới sẽ không còn được coi là điều chỉnh giữa chu kỳ nữa, vì chúng sẽ được coi là hành động cần thiết để ngăn chặn suy thoái kinh tế”.

Các thương nhân đang dự đoán rằng thuế quan mới làm cho chu kỳ cắt giảm lãi suất nhiều khả năng sẽ dài hơn.

Các cuộc thăm do về hành động tới đây của Fed cho thấy các nhà giao dịch trông chờ cơ hội đến 81,9% Fed sẽ hạ lãi suất một lần nữa vào tháng 9, giảm thêm 50 điểm cơ bản so với mức lãi suất thiết lập vào thứ Tư, theo kết quả đo đếm của công cụ FedWatch của CME Group.

Các nhà giao dịch cũng “đánh cược” với khả năng Fed sẽ giảm lãi suất thêm lần thứ ba vào cuối năm nay với cơ hội đến 68,9%, tăng từ tỷ lệ 39% theo kết quả thăm do cuối ngày thứ Tư.

Trong khi đó, khoảng cách giữa lãi suất khoản nợ chính phủ Mỹ 3 tháng và trái phiếu kho bạc 10 năm đã tăng từ 1 điểm cơ bản trước đó lên 18 điểm cơ bản vào thứ Năm. Tình trạng đường cong lợi suất đảo ngược đó thường được phân tích như một dấu hiệu cho thấy sự suy thoái kinh tế đang diễn ra và chính sách tiền tệ của Fed có thể quá chặt chẽ.

M.Hồng

REUTERS

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trump-ap-thue-bo-sung-10-len-300-ty-do-hang-trung-quoc-them-yeu-to-day-fed-cat-giam-lai-suat-90634.html