Trump đi như cách ông đến
Bỏ qua mọi truyền thống suốt hơn 100 năm, ông Trump rời Nhà Trắng mà không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, ông tổ chức buổi lễ chia tay của riêng mình rồi trở về Florida.
Vào lúc cận trưa ngày 20/1/2021, khi Donald Trump rời Nhà Trắng, ông vẫn là tổng thống Mỹ. Ông rời đi theo cách giống như khi ông đặt chân tới thủ đô Washington, D.C. 4 năm trước: bỏ qua các truyền thống, khao khát sự tán dương và muốn biến mình thành trung tâm thế giới.
Nhưng khác với năm 2017, vầng hào quang mà cựu Tổng thống Trump mong mỏi năm nay không dành cho ông, Politico mở đầu bài viết về ngày cuối cùng ở Nhà Trắng của tổng thống Mỹ thứ 45.
Washington không hào hứng
Ông Trump rời Nhà Trắng sáng sớm ngày 20/1, vài giờ trước khi người kế nhiệm Joe Biden, tuyên thệ nhậm chức. Sau buổi lễ chia tay chóng vánh tại căn cứ không quân Andrews, ông Trump và phu nhân Melania được chuyên cơ Air Force One đưa về Florida, ngôi nhà mới của gia đình Trump.
Nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc trong bối cảnh nước Mỹ chưa khỏi bàng hoàng vì vụ bạo loạn ở Điện Capitol, sự kiện mà ông bị chỉ trích đã châm ngòi với bài phát biểu mang tính kích động. Tổng thống khi đó đã bỏ qua một loạt hoạt động truyền thống mà người lãnh đạo nước Mỹ vẫn thường thực hiện trước khi rời nhiệm sở.
Ông Trump đã không có bài phát biểu chia tay quốc dân, không dự tổ chức họp báo, không trả lời phỏng vấn trên truyền hình. Ông thậm chí không một lần gặp người kế nhiệm, suốt từ ngày bầu cử đến lúc rời Nhà Trắng.
Dù vậy, ông Trump đã để lại trong ngăn Chiếc bàn Trung kiên tại phòng Bầu Dục một bức thư cho người kế nhiệm. Tổng thống Biden nói đây là một bức thư "rất tử tế".
Cách ông Trump rời Washington trong ngày cuối nhiệm kỳ có lẽ là độc nhất vô nhị. Thay vì dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm, ông Trump tự tổ chức buổi lễ chia tay của riêng mình ở căn cứ không quân Andrews.
Để chuẩn bị cho sự kiện, các nhân viên còn lại trong đội ngũ của ông Trump đã mời một loạt các cựu quan chức Nhà Trắng như John Kelly, John Bolton hay Omarosa Manigault-Newman tới tham dự, với hy vọng tạo ấn tượng có nhiều nhân vật đình đám đến từ biệt lãnh đạo nước Mỹ.
Các trợ lý như Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, Cố vấn Chính sách Stephen Miller, Chánh văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Kash Patel cũng tham dự buổi chia tay.
Tuy nhiên, hàng loạt quan chức cấp cao trong đảng Cộng hòa không tới dự sự kiện, như Phó tổng thống Mike Pence, lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell, Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Ronna McDaniel.
Có một điều diễn ra như mong muốn của Tổng thống Trump: quân đội Mỹ bắn 21 loạt đại bác trong buổi lễ từ biệt ông tại căn cứ Andrews.
Florida lại đón chào
"Chính quyền của chúng ta phần nào đó rất đặc biệt. Và tôi chỉ muốn nói tạm biệt, nhưng hy vọng sự chia tay lần này sẽ không dài lâu", ông Trump nói trước hàng trăm người ủng hộ có mặt ở căn cứ Andrews.
Cuộc "chia tay" của ông Trump với chính trường có dài lâu hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của cựu tổng thống.
Ông Trump đang bị Quốc hội Mỹ xem xét luận tội. Hạ viện đã bỏ phiếu cáo buộc ông Trump kích động vụ nổi loạn hôm 6/1. Nếu Thượng viện kết tội ông Trump, cựu tổng thống có thể bị cấm đảm nhận các chức vụ trong chính quyền trong tương lai, dập tắt hy vọng tái tranh cử.
Cựu Tổng thống Trump cũng chưa có con đường rõ ràng để khôi phục ảnh hưởng trên truyền thông và mạng xã hội, sau khi "chiếc loa phóng thanh" uy lực nhất của ông - tài khoản Twitter cá nhân với gần 90 triệu người theo dõi - đã bị khóa vô thời hạn.
Và dù hiện vẫn sở hữu một lượng lớn cử tri ủng hộ, cũng như một số nhà hoạt động chính trị trung thành, ông Trump chưa có chiến lược rõ ràng để sớm trở lại chính trường, và uy tín bị tổn hại trầm trọng sau sự kiện 6/1.
Trên chiếc Air Force One rời căn cứ Andrews sáng 20/1, chỉ còn vài trợ lý tháp tùng vợ chồng ông Trump về Florida. Một số người sau đó sẽ tiếp tục làm việc cho ông Trump như Margo Martin - trợ lý truyền thông, Molly Michael - trợ lý cá nhân cho ông Trump, hay Beau Harrison - quản lý các hoạt động của ông Trump.
Khi ông Trump hạ cánh tại sân bay Palm Beach, khoảng 400 người ủng hộ đã có mặt để chào đón. Khung cảnh khi đó giống như một buổi vận động cử tri với quy mô nhỏ. Những người tham dự mang theo lá cờ "Keep America Great", mặc áo phông "Women for Trump" hay "Trump Pence".
Sau khi rời sân bay, đoàn xe hộ tống ông Trump chầm chậm trở về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, "có lẽ để tổng thống có thể tận hưởng sự ủng hộ kèm tiếng sóng biển".
Trong ngày 21/1, các đồng minh và nhà tài trợ trung thành sẽ tổ chức một bữa tiệc chào mừng dành cho ông Trump tại Mar-a-Lago.
Paul Amirata, một luật sư bảo hiểm 52 tuổi, cho biết Tổng thống Trump đã giơ ngón tay ra dấu hiệu tán dương với ông sau khi nhìn thấy tấm biển do chính ông làm bằng tay với nội dung: "Vào ngày thứ 8, Chúa đã tạo ra Donald Trump".
Giống như hàng trăm người ủng hộ có mặt chào đón đoàn xe tổng thống, ông Amirata tin rằng ông Trump đã bị "đâm sau lưng" bởi thủ phạm tạo ra virus corona, bởi truyền thông tin giả, các tập đoàn công nghệ lớn, phe Dân chủ gian lận bầu cử, các chính trị gia Cộng hòa bất trung, và một "chính phủ ngầm" đầy quyền lực.
"Mọi thứ đã bị dàn xếp, vì thế chúng ta lúc này thấy ông Trump đang ở Palm Beach thay vì tuyên thệ tại Washington", Amirata nói.
Một nhà hoạt động Cơ đốc giáo tên Cynthia Potenza Taylor cho biết bà khóc suốt buổi sáng ngày 20/1 trước viễn cảnh ông Trump không còn là người lãnh đạo.
Dù ban đầu nuôi hy vọng Phó tổng thống Pence hoặc Tòa án Tối cao có thể đảo ngược kết quả bầu cử, Taylor nói giờ bà chấp nhận kết quả bởi đây là một phần kế hoạch của Chúa và rằng những người Cơ đốc giáo thiện lương cần tiếp tục đấu tranh mãnh liệt hơn nữa.
"Chúng ta đang ở trong cuộc chiến, và Chúa đứng về phía chúng ta", bà Taylor nói.
Cố vấn nhẹ nhõm khi ông Trump ra đi
Trước sự kiện 6/1, các trợ lý và đồng minh thúc giục ông Trump tham dự lễ tuyên thệ của Tổng thống Joe Biden, để chứng minh cho thế giới thấy nước Mỹ đang tiến hành chuyển giao quyền lực trong hòa bình.
Nhưng sau hai tháng nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử, với kết cục là vụ bạo loạn khiến 5 người thiệt mạng, ngay cả các cố vấn thân cận nhất cũng thấy nhẹ nhõm vì ông Trump ra đi mà không tạo ra thêm bất kỳ bê bối nào.
Lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Biden diễn ra vắng vẻ hơn rất nhiều so với truyền thống. Nhưng người ta vẫn chứng kiến sự tham dự của các thành viên chủ chốt của lưỡng viện tại Quốc hội, trong đó có một bộ phận đảng Cộng hòa chưa từng thực sự đứng về phía ông Trump.
Cựu chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói quyết định không tham dự lễ tuyên thệ là "sự ô nhục", đồng thời nói Phó tổng thống Mike Pence là "người đàn ông đáng kính trọng" khi xuất hiện trong sự kiện ngày 20/1.
"Tôi muốn tới đây, thể hiện sự tôn trọng đối với thể chế dân chủ và quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình, đây là nghĩa vụ của tôi", ông Ryan nói.
Cựu thượng nghị sĩ Arizona Jeff Flake cho rằng ông Trump nên dự lễ tuyên thệ, nhưng "không bất ngờ bởi những gì đã xảy ra".
Ngay cả Thượng nghị sĩ Jim Jordan, một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Trump tại Điện Capitol, cũng dự lễ tuyên thệ. Trước đó chỉ một ngày, Thượng nghị sĩ Jordan đã tới Nhà Trắng để cảm ơn và từ biệt ông Trump.
Thượng nghị sĩ Jordan có thể chờ đợi sự trở lại của ông Trump vào năm 2024, nhưng một số đồng minh tiết lộ ông Trump đang có suy tính khác.
Một số nguồn tin cho biết ông Trump đã đề cập về khả năng thành lập một đảng chính trị mới có tên là "Yêu nước", phát triển mạng lưới bảo thủ riêng của mình, hay thậm chí đi vòng quanh đất nước để tham gia các buổi tập hợp cử tri ủng hộ phong trào MAGA.
Trong khi tương lai chính trị còn chưa rõ ràng, cuộc sống cá nhân bên ngoài chính trị của ông Trump cũng mờ mịt.
Khi còn tại vị, ông Trump được bảo vệ bởi quy chế miễn trừ trách nhiệm hình sự đối với tổng thống đương nhiệm. Ông Trump rời nhiệm sở mà không tự ân xá cho bản thân và gia đình.
Giờ đây, một "thường dân Trump" có nguy cơ đối mặt hàng loạt cuộc điều tra.
Văn phòng Tổng chưởng lý New York đang điều tra để xác định liệu ông Trump và công ty do ông sở hữu có khai man trong báo cáo tài chính hay không.
Cá nhân ông Trump đang gặp rắc rối trong một số vụ việc dân sự. Ông Trump có thể bị khởi kiện với cáo buộc phỉ báng, sau khi ông nói hai phụ nữ từng cáo buộc ông tấn công tình dục là kẻ dối trá.
Trước đó, cựu luật sư của ông Trump là Michael Cohen từng lĩnh án 3 năm tù vì vi phạm quy định về tài chính trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Ông Trump bị nghi trực tiếp chỉ đạo luật sư Cohen trong vụ việc, các công tố viên New York cho biết.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trump-di-nhu-cach-ong-den-post1175763.html