Trung Á tích cực thoát ảnh hưởng truyền thống

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định trên cả chiến trường lẫn cục diện, song cuộc chiến Ukraine đã làm xấu đi hình ảnh của Nga tại Trung Á và tạo điều kiện để các cường quốc khác tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực này.

Dấu ấn trung lập dần mờ nhạt

Nga là đối tác thương mại lớn nhất của Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan và Nga cũng là nhân tố đảm bảo an ninh khu vực. Điều này được thể hiện qua các chương trình huấn luyện trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) tại Kyrgyzstan và Tajikistan năm 2021 - sau khi Taliban trở lại nắm quyền tại Afghanistan - và sau đó là việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tại Kazakhstan hồi tháng 1-2022 để hỗ trợ Tổng thống Tokayev chấm dứt các cuộc nổi dậy liên quan đến tình trạng giá khí hóa lỏng tăng.

Trung Á cũng là vùng có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Ukraine, đối tác thương mại nằm trong top 10 của Uzbekistan và Turkmenistan. Ukraine đã chọn Kazakhstan để đặt tổng lãnh sự quán sau khi cắt đứt quan hệ với Nga hồi tháng 2-2022.

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác chiến lược với điều khoản xây dựng nhà máy sản xuất máy bay không người lái Anka trên đất Kazakhstan.

Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đối tác chiến lược với điều khoản xây dựng nhà máy sản xuất máy bay không người lái Anka trên đất Kazakhstan.

Ngoài việc kêu gọi giải quyết xung đột Ukraine bằng con đường ngoại giao, các nước Trung Á trong giai đoạn đầu đều cẩn trọng khi bày tỏ quan điểm và cố gắng giữ im lặng giống như trong cuộc chiến tranh tại Gruzia năm 2008 và sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Không có nước nào ở khu vực này bỏ phiếu ủng hộ các nghị quyết của Liên Hợp quốc ngày 2-3 và 24-3 yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine.

Mặc dù không lên án Nga nhưng không một nước cộng hòa Trung Á nào bày tỏ thái độ đồng tình với hành động này. Uzbekistan và Kyrgyzstan đã quyết liệt cải chính các tuyên bố do phủ tổng thống và cơ quan báo chí Điện Kremlin đưa ra. Theo đó, trong các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Nga Putin ngày 25 và 26-2, Tổng thống Uzbekistan Mirziyoyev và Tổng thống Kyrgyzstan Japarov chỉ bày tỏ sự “thông cảm” đối với hành động can thiệp của Nga tại Ukraine, chứ không phải là “ủng hộ”. Văn phòng báo chí Phủ Tổng thống Tajikistan thậm chí còn không đề cập đến tình hình Ukraine trong thông cáo về cuộc họp giữa Chủ tịch Thượng viện hai nước, diễn ra tại Tajikistan một ngày sau khi xung đột bùng phát. Ngày 1-3, Kazakhstan đề xuất đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Mục tiêu lôi kéo của các cường quốc

Yếu tố lôi kéo đầu tiên xuất hiện, không nước nào khác ngoài Trung Quốc. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước Trung Á trong giai đoạn 2000-2020 đã tăng từ 1,5 tỷ USD lên 38,6 tỷ USD. Đây là yếu tố chính làm nổi bật sự hiện diện của Bắc Kinh. Sau thời gian bị gián đoạn vì đại dịch COVID-19, quan hệ thương mại giữa hai bên từng bước được hồi phục, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Kazakhstan đạt 25,2 tỷ USD (tăng 13%), với Kyrgyzstan đạt 7,5 tỷ USD (tăng 18%).

Tháng 4-2022, các doanh nghiệp Trung Quốc đã khánh thành một mỏ vàng ở Tajikistan và giành được gói thầu xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, điện mặt trời ở Kyrgyzstan. Trung Quốc cũng đã khởi công tuyến hành lang nối nước này với châu Âu (tới Đức và Thụy Điển) qua Kazakhstan, đồng thời tuyên bố nói lại công trình xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzerbekistan. Ý tưởng đi đường vòng để tránh lãnh thổ Nga được ưu tiên vì Kazakhstan và Turkmenistan là hai nhà cung cấp dầu khí an toàn hơn nhiều so với Nga, quốc gia đang phải chịu lệnh cấm vận của phương Tây.

Tranh thủ cuộc chiến tại Ukraine, Trung Quốc đã công bố quyết định tăng cường quan hệ đối tác quân sự với Turkmenistan và Kazakhstan, đồng thời tìm cách bỏ qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) để tranh giành ảnh hưởng với Nga tại Trung Á. Đây không phải là tham vọng mới hình thành. Từ năm 2019, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận song phương với quân đội các nước Trung Á, ngoại trừ Turkmenistan. Năm 2020, Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự ở Đông Nam Tajikistan. Nước này cũng đã bán nhiều trang thiết bị quân sự cho khu vực, đáng chú ý là tại Turkmenistan, nơi họ đã vượt qua Nga và chỉ đứng sau Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng lợi dụng tình hình Ukraine để củng cố ảnh hưởng của mình, song Thổ Nhĩ Kỳ lại có cách tiếp cận khác. Cuối tháng 3-2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hiệp định đối tác chiến lược toàn diện, kèm theo một hiệp định hợp tác tăng cường, với Uzbekistan. Sau đó là hiệp định đối tác chiến lược với Kazakhstan, trong đó có điều khoản xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay không người lái Anka tại nước này. Trong lĩnh vực kinh tế, dù không tạo ra động lực mạnh như Trung Quốc nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Trong giai đoạn 2015-2020, kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi, trong đó kim ngạch thương mại với Uzbekistan đã vượt quá 1 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước cũng đạt gần 1 tỷ USD, đứng thứ hai tại Trung Á, chỉ sau Kazakhstan (1,2 tỷ USD). Ngoài Tổ chức Các nước nói tiếng Thổ bao gồm Azerbaijan, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzberkistan và Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ còn có tham vọng kết nối toàn bộ Vùng ngoại Kavkaz để củng cố ảnh hưởng của mình. Tháng 3-2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng Kazakhstan, Azerbaijan và Gruzia ký một tuyên bố chung giới thiệu dự án Hành lang giao thông Đông - Tây. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đứng ra dàn xếp để cải thiện quan hệ giữa Azerbaijan và Turkmenistan nhằm mục đích khai thác mỏ khí đốt Dostluk, đồng thời khởi động lại dự án xây dựng tuyến đường ống, một động thái nhằm gạt Iran sang một bên.

Trong số các nước và khối lớn tranh thủ Trung Á còn thấy góp mặt Iran, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, với mối liên kết trong lịch sử, về truyền thống và văn hóa, không dễ để các nước Trung Á có thể thoát khỏi ảnh hưởng của Nga, mặc dù với chiến lược đa dạng hóa quan hệ đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc cải thiện các mối quan hệ và kinh tế. Mặc dù những khó khăn tại Ukraine làm xói mòn uy tín của Nga, song đây vẫn là chỗ dựa quan trọng nhất về an ninh đối với các nước Trung Á, trong bối cảnh tình hình tại Afghanistan đang diễn biến theo chiều hướng xấu đi.

Ngọc Lan (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/trung-a-tich-cuc-thoat-anh-huong-truyen-thong-i664861/