Trung, Ấn đồng ý di chuyển quân đội khỏi khu vực biên giới tranh chấp theo từng đợt
Sau vòng đàm phán mới đây nhất, Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý di chuyển quân đội khỏi biên giới tiền tuyến của họ theo từng đợt để giảm bớt căng thẳng đang diễn ra, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý di chuyển quân đội của họ ra khỏi khu vực biên giới tranh chấp trong một nỗ lực để tránh các cuộc đụng độ bạo lực. Ảnh: DPA
Các nhà quan sát ngoại giao cho biết thỏa thuận này sẽ ngăn chặn các cuộc đụng độ tình cờ nhưng không có nghĩa Trung, Ấn sẽ rút lui triển khai quân sự hai nước dọc biên giới dãy Himalaya và cuộc đình chiến sẽ tiếp tục.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, được quản lý bởi Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào cuối ngày thứ Năm đã báo cáo rằng cả hai bên đã đồng ý thực hiện các biện pháp để giảm căng thẳng ở khu vực biên giới, trích dẫn một nguồn tin giấu tên gần với quân đội biên giới Trung Quốc.
Theo báo cáo, các nhân viên quan sát cho biết, binh sĩ hai bên sẽ rút theo từng đợt. Thiếu tướng Liu Lin, chỉ huy quân sự Trung Quốc khu vực miền Nam Tân Cương, và Trung tướng Harinder Singh, chỉ huy quân đoàn 14 của Ấn Độ, đã gặp nhau tại Chushul, Ladakh, lần thứ ba trong vòng một tháng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian cho biết, những tiến độ tích cực đã đạt được nhằm giảm căng thẳng và liên lạc chặt chẽ giữa hai bên sẽ tiếp tục.
Sự cố tại Thung lũng Galwan đã làm gián đoạn việc thực hiện một thỏa thuận trước đó- đã đạt được trong cuộc gặp đầu tiên giữa tướng quân hai nước vào ngày 6/6.
Sun Shihai, một nhà nghiên cứu về mối quan hệ Trung Quốc với Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết các cuộc đụng độ vô tình và gây tử vong ở biên giới có thể tránh được, nhưng đó không phải là một thỏa thuận chính trị để chấm dứt tình trạng bế tắc.
"Quân dự phòng trên biên giới vẫn có sẵn,...", ông nói: "Ấn Độ đang mua thêm vũ khí và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh triển khai. Cả hai bên không thể giải quyết tranh chấp của họ và họ vẫn không tin tưởng lẫn nhau".
Cuộc đụng độ ở thung lũng do Trung Quốc kiểm soát là cuộc đối đầu biên giới lớn đầu tiên giữa hai nước kể từ sự kiện Doklam 2017- kéo dài hơn 70 ngày. Đây cũng là lần đầu tiên hai bên đối mặt trong thung lũng kể từ cuộc chiến tranh Trung-Ấn năm 1962.