Trung - Ấn 'hạ nhiệt' căng thẳng dọc khu vực biên giới

Sau hơn 2 tháng đối đầu căng thẳng, Trung Quốc và Ấn Độ đã có những động thái làm giảm nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột ở khu vực biên giới. Cả hai nước đã rút binh sĩ dọc khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya. Tuy nhiên việc rút quân có phải là dấu hiệu cho thấy căng thẳng Trung - Ấn đã 'hạ nhiệt'...

Trung Quốc, Ấn Độ cùng rút quân

Cuộc đối đầu Trung Quốc và Ấn Độ thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ vì đây là cuộc tranh chấp do lịch sử để lại, mà còn bởi đây là hai quốc gia láng giềng tại châu Á cùng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trung Quốc và Ấn Độ lần đầu đụng độ vào đầu tháng 5 dọc theo đường Kiểm soát thực tế (LAC - vốn ngăn cách hai quốc gia từ sau Chiến tranh Trung - Ấn năm 1962). Căng thẳng gia tăng trong suốt 2 tháng qua dẫn đến các cuộc xung đột khác nổ ra ở nhiều địa điểm dọc đường biên giới kéo dài 3.350km giữa hai nước. Và cuộc giao tranh hôm 15/6 trở thành cuộc đối đầu đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa Ấn Độ và Trung Quốc, để lại hậu quả nặng nề, 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và 76 người bị thương. Dù không đưa ra chi tiết nhưng phía Trung Quốc cho biết cũng có thương vong. Hai nước cáo buộc lẫn nhau vi phạm LAC.

Động thái diễn ra hôm 3/7, đẩy căng thẳng Trung - Ấn lên đến đỉnh điểm là sự kiện Thủ tướng Ấn Độ N.Modi và Tham mưu trưởng Quân đội bất ngờ tới thăm khu vực biên giới - nơi vừa xảy ra xung đột với Trung Quốc hồi tháng trước, để kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân chủng Ấn Độ. Chuyến thăm một mặt vừa khích lệ tinh thần của binh sĩ Ấn Độ, mặt khác ngầm gửi tới Trung Quốc một “thông điệp” rằng Chính phủ Ấn Độ đang rất nghiêm túc nhìn nhận cuộc đối đầu với Trung Quốc.

Cuộc gặp ngày 5/7 giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã đi đến thống nhất hai bên bắt đầu rút quân khỏi đường biên giới LAC. Tuyên bố sau đó khẳng định “Hai bên nên tôn trọng, tuân thủ nghiêm ngặt LAC và không nên có bất kỳ hành động đơn phương nào để thay đổi hiện trạng cũng như hợp tác để tránh mọi sự cố trong tương lai có thể làm xáo trộn hòa bình và sự ổn định ở khu vực biên giới”.

Đoàn xe của Ấn Độ tiến tới Ladakh.

Đoàn xe của Ấn Độ tiến tới Ladakh.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải Liu Zongyi cho rằng, hai bên đồng ý rút lui ở biên giới vì “Trung Quốc không muốn chiến tranh và Ấn Độ không có khả năng”. Ngày 8/7, những hình ảnh vệ tinh mới cung cấp ở thung lũng Galwan - biên giới Trung - Ấn cho thấy quân đội Trung Quốc đã lui 2km khỏi khu vực xảy ra xung đột với Ấn Độ, họ đã tháo lều bạt và rời một số địa điểm dọc đường kiểm soát thực tế. Trong khi đó Ấn Độ cũng rút lui 1,5km, tạo ra một vùng đệm giữa hai nước.

Nguy cơ đối đầu đã lùi xa?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích chính trị, việc rút quân không có nghĩa là hai nước sẽ ngừng triển khai quân dọc biên giới dãy Himalaya và việc xuống thang hiện tại không thể giải quyết được mâu thuẫn cốt lõi dẫn đến những cuộc xung đột ở biên giới những năm qua. Đó là vấn đề tranh chấp biên giới vẫn chưa được giải quyết.

Một số nguồn tin Ấn Độ cho rằng, việc rút quân của Trung Quốc dường như vẫn còn chậm hơn dự kiến, bề ngoài Trung Quốc tỏ ra cắt giảm lực lượng và rút một vài phương tiện, binh sĩ nhưng lại củng cố vị trí trọng yếu hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng ngay khu vực biên giới.

Về phần mình, Ấn Độ cũng xúc tiến việc trang bị vũ khí, khí tài mới. Mới đây, Hội đồng mua sắm quốc phòng Ấn Độ (DAC) đã phê duyệt các dự án mua sắm trị giá lên tới 5,55 tỷ USD với mục tiêu củng cố các lực lượng vũ trang để bảo vệ biên giới, trong đó có nhiều dòng máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không mua của Nga, hệ thống pháo tự hành của Mỹ , các loại tên lửa không đối không, không đối đất... Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, các chương trình mua sắm khí tài khẩn cấp chủ yếu dành cho lực lượng lục quân và không quân. Đáng chú ý nhất là các hợp đồng mua hệ thống phòng không S-400 của Nga - loại vũ khí mà ngay cả Mỹ cũng phải dè chừng.

Nguyễn Huyền

((Theo SCMP, Economictimes, Reuters))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/trung-an-ha-nhiet-cang-thang-doc-khu-vuc-bien-gioi-n176889.html