Trung- Ấn tái khởi động đàm phán hạ nhiệt biên giới
Trung Quốc và Ấn Độ khởi động vòng đàm phán thứ 14 nhằm thảo luận về tiến trình rút quân khỏi các điểm xung đột còn lại ở phía Đông khu vực tranh cãi Ladakh.
Hãng tin India Times dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân xác nhận vòng đàm phán thứ 14 cấp chỉ huy quân sự giữa nước này và Ấn Độ tại khu vực Ladakh khởi động hôm nay (12/1, giờ địa phương), tập trung vào việc giải quyết những mâu thuẫn còn tồn động ở Đông Ladakh.
Binh sĩ Ấn Độ-Trung Quốc đối thoại gần LAC. Ảnh: AP
"Hiện nay, tình hình khu vực biên giới (Trung-Ấn) cơ bản ổn định và hai bên đang đối thoại, liên lạc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự", ông Uông nói, cho biết thêm Bắc Kinh hi vọng sẽ sớm cùng New Delhi chuyển hóa tình hình từ "ứng phó khẩn cấp" sang "kiểm soát bình thường hóa".
Theo nguồn tin của India Times, cuộc đối thoại lần này diễn ra tại chốt Chushul-Moldo, nằm ở phía Trung Quốc kiểm soát của Đường kiểm soát thực tế (LAC), tức đường ranh giới thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ, ở phía Đông khu vực Ladakh.
Ấn Độ cũng kì vọng sẽ có các cuộc đối thoại "mang tính xây dựng" với Trung Quốc để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, nhất là tại đồng bằng Depsang, khu vực tiếp giáp ngã ba biên giới thực tế giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan; và vùng Demchok.
Biên giới Trung-Ấn trở thành "điểm nóng" từ tháng 4/2020, khi Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc xâm nhập khu vực Ấn Độ kiểm soát. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc. Một vụ đụng độ sau đó đã xảy ra tại thung lũng Galwan tháng 6/2020, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Sau đợt đụng độ, hai nước liên tiếp tăng cường đáng kể hiện diện quân sự ở biên giới. The Hindu thông tin, có thời điểm, mỗi bên triển khai tới 50.000 binh sĩ và khí tài hạng nặng sát LAC. Xe tăng hai bên từng chĩa nòng vào nhau trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa ở khoảng cách vài trăm mét.
Thời gian qua, Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành 13 vòng đàm phán và đã đồng ý rút quân cùng khí tài khỏi khu vực Galwan, Pangong Tso và cao nguyên Gogra, nhưng vẫn còn nhiều bất đồng cần xử lý. Hồi tháng 10/2021, hai bên xác nhận vòng đàm phán thứ 13 đã không mang lại kết quả khả quan.
Theo StraitsTimes, Trung Quốc và Ấn Độ gần đây có dấu hiệu tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng gần khu vực biên giới, bước đi được mô tả như một biện pháp chuẩn bị cho các diễn biến miớ trong tương lai.