Trưng bày 17 tác phẩm ảnh đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước
Nhân dịp 3 cụm tác phẩm ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đạt được giải thưởng cao quý của Nhà nước năm 2017, Thông tấn xã Việt Nam đã tổ chức trưng bày 17 tác phẩm ảnh của 14 tác giả đã đạt được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước từ năm 1996 cho đến nay.
Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi xem các tác phẩm ảnh được trưng bày.
Phó Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Hoài Dương trao đổi về các tác phẩm trưng bày.
Trong 17 tác phẩm xuất sắc đó, tác phẩm ảnh đầu tiên của TTXVN đạt được giải thưởng cao quý (1996) là tác phẩm ghi lại khoảnh khắc đoàn tụ của tử tù Côn Đảo - chiến sĩ tình báo Lê Văn Thức với mẹ mình, của tác giả - phóng viên nhiếp ảnh Lâm Hồng Long (1926-1997). Bức ảnh thể hiện rõ nét sự xúc động, tính nhân văn, phút giây người mẹ gặp lại người con trai tưởng đã hy sinh, thật bất ngờ và quá xúc động, nên hai mẹ con cùng bật khóc, mừng mừng, tủi tủi. Phóng viên Lâm Hồng Long đã nhanh nhạy, chớp đúng hình ảnh quý giá đó với trái tim đầy xúc cảm. Bức ảnh đã ghi lại một sự kiện trong một giai đoạn lịch sử độc nhất vô nhị của đất nước bằng những con người thật, sự việc thật, mà qua đó hiện thực cuộc sống đã được khái quát và nâng lên, trở thành biểu tượng cho sự đoàn tụ toàn dân tộc khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Bức ảnh "Mẹ con ngày gặp mặt" nổi tiếng của phóng viên nhiếp ảnh Lâm Hồng Long.
Năm nay, các tác phẩm nhận được giải thưởng là 3 cụm tác phẩm của 3 tác giả: Lâm Tấn Tài (1935-2001); Hứa Kiểm (10/1/1938); Lương Nghĩa Dũng (1935-1972). Trong đó, tác giả Lương Nghĩa Dũng được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, tác giả Hứa Kiểm và Lâm Tấn Tài được trao giải thưởng Nhà nước. Lễ trao giải diễn ra ngày 20/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Bộ ảnh của tác giả Hứa Kiểm được thực hiện cuối năm 1969 tại cụm trọng điểm liên hoàn ATP trên đường 20 - Quyết Thắng. Ngày 21/1/1966, một tuyến đường mới - đường 20, dài 128km được mở, bắt đầu từ thôn Phong NHa (Bố Trạch, Quảng Bình) đi qua các vùng như: Đồng Tiền, Trạ Ang, Ba Thang, Khe Diêm, Cà Roòng, Phu La Nhích, vắt ngang dãy Trường Sơn gặp đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm - trên đất bạn Lào.
Từ ngày 17/5/1966 cho đến đầu năm 1973 khi Hiệp định Paris ký kết, đường 20 trở thành mục tiêu đánh phá tàn khốc của máy bay Mỹ. Tháng 5/1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm, đứng trên mảnh đất còn nguyên màu đất đỏ, Đại tướng nói: "Có đến tận nơi mới thấy cái vĩ đại, rất nên thơ của tuyến đường và cuộc chiến đấu, lao động kiên cường của những con người đã làm nên sự kì tích anh hùng... Đường 20 là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan". Tác giả Hứa Kiểm đã ghi lại những khoảnh khắc kiên cường, mang tính lịch sử trên con đường này.
Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sĩ lái xe. Ảnh: Hứa Kiểm
Chiến sĩ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 - Quyết Thắng. Ảnh: Hứa Kiểm.
Cụm tác phẩm đoạt giải thưởng lần này của NSNA Lâm Tấn Tài bao gồm 5 bức ảnh, mang tính sử liệu quý giá, ghi lại những trang lịch sử đầy hào hùng của dân tộc. Các bức ảnh như các cột mốc chạy dọc theo thời gian công tác của ông, gắn liền với các sự kiện mang dấu ấn của lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam anh hùng: Công bình mở đường Trường Sơn cho xe qua; Vượt Trường Sơn; Biệt động Sài Gòn; Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút quân, Thần tốc tiến về Sài Gòn. Tên các bức ảnh chân xác, ngắn gọn đã gợi mở cho người xem phần nào vị trí, tầm vóc của sự kiện và ý nghĩa của các bức ảnh.
Vượt Trường Sơn. Ảnh: Lâm Tấn Tài
Thần tốc tiến về Sài Gòn. Ảnh: Lâm Tấn Tài
Công binh mở đường Trường Sơn cho xe qua. Ảnh: Lâm Tấn Tài
5 tác phẩm ảnh rút ra từ cuốn sách "Việt Nam trong tia chớp lửa đạn" với hơn 2.200 tấm phim được lưu lại của liệt sĩ, nhà báo nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng. Đây là những khoảnh khắc hào hùng, bất tử, thấm đẫm mồ hôi và máu của các chiến sĩ pháo binh, bộ binh, xe tăng, hải quân, dân quân tự vệ, thanh niên xung phong... không ngại hi sinh gian khổ, quyết tâm chiến đấu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Cũng như các chiến sĩ xung trận, Lương Nghĩa Dũng đã hóa thân vào những bức ảnh của thời oanh liệt. Sáng ngày 1/5/1972, đúng ngày giải phóng Quảng Trị, ông hy sinh tại Phía Nam huyện Hải Lăng khi cùng một đơn vị thiết giáp truy kích địch.
Xốc tới: Các chiến sĩ Đại đội 11 (Sư đoàn 324) truy kích địch tại mặt trận Đường 9. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng
Đưa xe tăng vào trận: Bộ đội phối hợp với dân quân chống lầy cho xe tăng trên đường vào chiến dịch Khe Sanh - Đường 9 cuối năm 1971. Ảnh: Lương Nghĩa Dũng