Trưng bày kỷ vật chiến trường của những người lính mở đường Trường Sơn năm xưa
Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019), sáng 3/5, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh - Binh đoàn 12 đã khai mạc triển lãm chuyên đề 'Ký ức Trường Sơn'.
Phát biểu khai mạc triển lãm, Đại tá Vũ Phúc Hậu, Bí thư Đảng ủy, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12 khẳng định: Suốt 16 năm đương đầu với cuộc chiến tranh ngăn chặn vô cùng ác liệt với hy sinh gian khổ không sao kể xiết, bộ đội Trường Sơn đã trở thành một một tập thể anh hùng, hoàn thành trọn vẹn và xuất sắc sứ mệnh mà Đảng và nhân dân đã giao phó; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam – một nhân tố quyết định để đưa sức mạnh cả nước vào cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Công cuộc mở đường, chiến đấu, chi viện chiến lược của Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh là một kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; một điểm sáng, một dấu son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Trong không gian 300m2, triển lãm giới thiệu hàng trăm tài liệu, hiện vật, hình ảnh, với nội dung được chia làm 2 phần.
Phần 1: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh quá trình mở đường, vận chuyển hàng trên Trường Sơn giai đoạn đầu, quá trình tiến lên cơ giới hóa, thể hiện sự phát triển của mạng lưới giao thông chiến lược đảm bảo chi viện cho các chiến trường; các trọng điểm ác liệt trên Trường Sơn với những mục tiêu, thủ đoạn đánh phá trong chiến dịch ngăn chặn của Mỹ với các phương tiện, vũ khí hiện đại.
Song cũng chính ở nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn luôn giữ vững tư tưởng tiến công, chủ động, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo với ý chí “Quyết đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Một số hiện vật tiêu biểu được trưng bày như: Bao bảo quản súng đầu tiên của Đoàn 559, sử dụng để vận chuyển súng từ kho vũ khí tại Kim Lũ - Kim Giang - Đại Kim - Thanh Trì – Hà Nội vào chiến trường miền Nam, năm 1959; Gùi các chiến sĩ Tiểu đoàn 301 sử dụng cải trang thành đồng bào dân tộc Vân Kiều để phục vụ vận chuyển hàng hóa phục vụ cho chiến trường, năm 1959 – 1962; Hòn đá ở Trạm giao liên T6 - Quảng Bình. Do địa hình, hàng vạn cán bộ chiến sỹ đi qua đều phải đặt chân lên hòn đá này và đã để lại dấu chân...
Phần 2: Phát huy truyền thống trưng bày những hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về hoạt động của bộ đội Trường Sơn - Binh đoàn 12 trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới; bộ đội Trường Sơn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội xây dựng công trình giao thông cầu đường, thủy lợi, thủy điện, công trình công nghiệp, dân dụng… củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng đất nước giàu đẹp.
Triển lãm lần này cũng giới thiệu về hoạt động Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam, về những cựu chiến binh Trường Sơn tiếp tục phát huy truyền thống của bộ đội trường Sơn anh hùng trong cuộc sống mới cùng với nhiều cuốn sách và tư liệu xuất bản của Hội truyền thống Trường Sơn.
Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc về người chiến sỹ Trường Sơn dũng cảm, kiên cường, mưu trí sáng tạo trên trận tuyến đánh quân thù như: tác phẩm Đường Trường Sơn lịch sử, Dấu ấn và các ca khúc truyền thống của bộ đội Trường Sơn…
Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh, Trung tá Nguyễn Văn Ngọc cho rằng: “Chiến tranh đã lùi xa, thời gian có thể xóa mờ dấu chân người lính trên các nẻo đường thủa ấy, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mãi mãi là trang sử hào hùng ghi lại những ký ức về lòng dũng cảm, sự sáng tạo, tinh thần hy sinh anh dũng của cán bộ chiến sỹ Trường Sơn nói riêng, của Quân đội nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt Nam nói chung”.
Triển lãm sẽ diễn ra đến ngày 31/5.