Trưng bày tài liệu, hiện vật về thầy giáo Chu Văn An
Nhân kỷ niệm 650 năm Ngày mất của thầy giáo, danh nhân văn hóa Chu Văn An (1370-2020), chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chiều 16-11, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai mạc trưng bày chuyên đề 'Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu'.
Nhân kỷ niệm 650 năm Ngày mất của thầy giáo, danh nhân văn hóa Chu Văn An (1370-2020), chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chiều 16-11, tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai mạc trưng bày chuyên đề “Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu”.
Với tên gọi “Chu Văn An - Thượng tường Sơn Đẩu”, trưng bày muốn thể hiện ý nghĩa thầy giáo Chu Văn An như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu của trường Quốc Tử Giám. Trưng bày được thể hiện bằng những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, hình vẽ tiêu biểu, với hai phần nội dung chính: “Túc thanh cao” giới thiệu về con người, nhân cách, sự nghiệp giáo dục của danh nhân Chu Văn An và “Gương thầy sáng mãi” giới thiệu về Quốc Tử Giám, hoạt động tôn vinh danh nhân Chu Văn An và việc học tập, phát huy tinh thần của thầy giáo Chu Văn An hiện nay.
Đến với trưng bày, khách tham quan sẽ được đến với mảnh đất Thanh Trì – quê hương nhà giáo Chu Văn An; kinh thành Thăng Long, Quốc Tử Giám – nơi ông làm Tư nghiệp (Hiệu trưởng) trường Quốc Tử Giám; Chí Linh - nơi ở ẩn, cùng nhiều tài liệu khác về cuộc đời, sự nghiệp danh nhân văn hóa Chu Văn An, qua đó hiểu rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp giáo dục của thầy giáo Chu Văn An - khí phách một “kẻ sĩ Thăng Long”.
Trưng bày còn giới thiệu đến công chúng về Quốc Tử Giám - nơi thầy Chu Văn An đã từng dạy học và những địa điểm thờ, những con đường, trường học mang tên ông để thấy được sự suy tôn, ngưỡng mộ của hậu thế dành cho người thầy hết lòng với nghề dạy học, tinh thần phụng sự xã hội, vì dân, vì nước, đã để lại những ảnh hưởng sâu đậm với nền giáo dục và văn hóa Việt Nam.
Trưng bày kéo dài từ nay đến hết năm 2020.