Trung bình 73% quần thể các loài hoang dã đã suy giảm 50 năm qua

Báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF 2024 (Báo cáo LPR) vừa công bố cho thấy, quy mô trung bình của quần thể động vật hoang dã được giám sát(*) đã giảm thảm khốc, lên tới con số 73%, chỉ trong vòng 50 năm (từ năm 1970-2020).

Những yếu tố chính thúc đẩy biến đổi khí hậu và tàn phá thiên nhiên

Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI) do Hiệp hội động vật học London (ZSL) cung cấp, bao gồm gần 35.000 xu hướng quần thể của 5.495 loài từ năm 1970 - 2020. Sự suy giảm mạnh nhất ở các hệ sinh thái nước ngọt (85%), tiếp theo là hệ sinh thái trên cạn (69%) và sau đó là hệ sinh thái biển (56%).

Việc bị giảm quần thể các loài cá di cư nước ngọt cũng đã được xác nhận trong báo cáo Các loài cá bị lãng quên của sông Mekong. Báo cáo này tiết lộ ít nhất 19% các loài cá được nghiên cứu trên sông Mekong đang trên đà tuyệt chủng và 18% được liệt kê trong sách Đỏ IUCN là Cực kỳ Nguy cấp. Cá đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của lưu vực sông Mekong hỗ trợ cho các cộng đồng và nền kinh tế trong toàn bộ khu vực.

Cần hành động khẩn cấp để bảo tồn loài cá heo Irrawaddy đang bị đe dọa. Ảnh: naturepl.com/Roland Seitre/WWF

Cần hành động khẩn cấp để bảo tồn loài cá heo Irrawaddy đang bị đe dọa. Ảnh: naturepl.com/Roland Seitre/WWF

Mối đe dọa được ghi nhận nhiều nhất với quần thể động vật hoang dã trên toàn thế giới là mất và suy thoái sinh cảnh (môi trường sinh sống), chủ yếu do hệ thống sản xuất lương thực của chúng ta gây ra. Báo cáo cho thấy, hệ thống năng lượng và thực phẩm là yếu tố chính thúc đẩy biến đổi khí hậu và mất thiên nhiên. Nhiên liệu hóa thạch đóng góp khoảng 70% lượng khí thải nhà kính. Sản xuất thực phẩm là nguyên nhân chính gây mất môi trường sống, chiếm 70% lượng nước sử dụng và chiếm hơn một phần tư lượng khí thải nhà kính. Các mối đe dọa tiếp theo là từ khai thác quá mức, các loài xâm hại và bệnh tật.

Quần thể động vật hoang dã ở Mỹ Latinh và Caribe còn bị một mối đe dọa đặc biệt nữa là biến đổi khí hậu. Nơi đây đã ghi nhận mức suy giảm trung bình tới 95%. Các quần thể loài hoang dã được giám sát ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã suy giảm 60%. Con số này ở châu Phi là 76%.

“Châu Á – Thái Bình Dương có các hệ sinh thái giàu đa dạng sinh học bậc nhất trên thế giới. Đây cũng là nơi sinh sống của hai phần ba dân số thế giới. Tuy nhiên tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng như hiện nay và cùng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng khiến áp lực lên thiên nhiên ngày càng gia tăng”, ông Chris Hallam, Quản lý Chương trình các loài hoang dã và phòng chống buôn bán động vật hoang dã của WWF tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết.

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên

Sự suy giảm quần thể động vật hoang dã có thể là một cảnh báo sớm về nguy cơ tuyệt chủng gia tăng và khả năng mất đi các hệ sinh thái khỏe mạnh. Khi các hệ sinh thái bị phá hủy, chúng sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ mà con người phụ thuộc vào như không khí, nước sạch và đất đai màu mỡ để canh tác. Và kéo theo hệ quả các hệ sinh thái này càng dễ đẩy tới các điểm bùng phát - nghĩa là bị đẩy quá giới hạn quan trọng, dẫn đến những thay đổi lớn và ít có khả năng đảo ngược.

Ngày 20.3.2023, Cục Hải quan TP. Hải Phòng phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng với số lượng ước tính khoảng 7 tấn ngà. Nguồn: Báo Người Lao Động

Ngày 20.3.2023, Cục Hải quan TP. Hải Phòng phát hiện, bắt giữ vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép ngà voi lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng với số lượng ước tính khoảng 7 tấn ngà. Nguồn: Báo Người Lao Động

LPI cũng cho thấy một số quần thể đã ổn định hoặc tăng lên do các nỗ lực bảo tồn hiệu quả, ví dụ như sự gia tăng khoảng 3% mỗi năm, từ năm 2010-2016, của quần thể khỉ đột núi tại dãy núi Virunga ở Đông Phi và sự phục hồi của quần thể bò rừng châu Âu ở Trung Âu. Tuy nhiên, những thành công riêng lẻ này là chưa đủ.

Theo Báo cáo, các giải pháp dựa vào thiên nhiên để thúc đẩy các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và phúc lợi của con người nhằm giải quyết các vấn đề lớn của xã hội, trong đó có biến đổi khí hậu. Ví dụ, canh tác theo phương thức tái sinh và hoạt động phục hồi rừng, đất ngập nước và rừng ngập mặn có thể gia tăng khả năng lưu trữ carbon, cải thiện chất lượng nước và không khí, cải thiện an ninh lương thực và nước, đồng thời giúp bảo vệ chống xói mòn và lũ lụt... Nhiều mô hình bảo tồn thiên nhiên, do người dân bản địa và cộng đồng địa phương thực hiện, đã chứng minh thiên nhiên là một phần quan trọng của phát triển và tăng trưởng kinh tế.

“Mặc dù tình hình rất nguy cấp, nhưng chúng ta vẫn chưa tới điểm không thể quay lại. Chúng ta có các thỏa thuận và giải pháp toàn cầu để phục hồi thiên nhiên vào năm 2030, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có nhiều tiến triển trong việc thực hiện và hành động chưa cấp bách. Những quyết định và hành động trong năm năm tới sẽ đặc biệt quan trọng đối với tương lai của sự sống trên Trái đất này”, bà Kirsten Schuijt, Tổng giám đốc WWF, nói.

Các quốc gia đã thống nhất về các mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng, hướng tới ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất thiên nhiên (Khung đa dạng Sinh học toàn cầu), hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5°C (Thỏa thuận Paris) và xóa đói giảm nghèo (Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc). Tuy nhiên, Báo cáo Sức sống Hành tinh cho thấy các cam kết và hành động quốc gia trên thực tế còn cách xa so với những gì cần thiết để đạt được các mục tiêu vào năm 2030 và để tránh các điểm bùng phát nguy hiểm.

Các quốc gia phải đệ trình các chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAP) đã được sửa đổi, phù hợp với Khung đa dạng Sinh học toàn cầu trước Hội nghị COP16 về Đa dạng Sinh học tại Cali, Colombia (từ ngày 21.10 – 1.11.2024). WWF đang kêu gọi các quốc gia xây dựng các kế hoạch này toàn diện và tham vọng hơn nữa, đồng thời đẩy mạnh tài chính cho đa dạng sinh học. Chính phủ và doanh nghiệp cần hành động để nhanh chóng loại bỏ các hoạt động có tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học và khí hậu, đồng thời chuyển dòng tài chính từ các hoạt động có hại, sang các hoạt động sẽ giúp đạt được các mục tiêu toàn cầu.

Theo Thỏa thuận chung Paris, các quốc gia phải trình các kế hoạch khí hậu mới (Đóng góp do Quốc gia Tự quyết định - NDC) vào năm 2025, đưa ra lộ trình về cách thức mỗi quốc gia sẽ đóng góp cho mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái đất ở mức 1,5oC. Các kế hoạch này phải bao gồm lộ trình loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng và chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Tại COP29 ở Baku, Azerbaijan (từ 11.11 – 22.11.2024), WWF hy vọng các quốc gia sẽ đạt được đồng thuận về một mục tiêu tài chính khí hậu mới, tham vọng hơn và hướng đến đáp ứng nhu cầu giảm thiểu và thích ứng của các nước đang phát triển.

Lê Quỳnh

_______________

*Chỉ số Sức sống hành tinh LPI cho thấy mức giảm trung bình 73% trong các quần thể động vật hoang dã có xương sống, được theo dõi trong chương trình, bao gồm động vật có vú, chim, lưỡng cư, bò sát và cá. Tỷ lệ phần trăm thay đổi trong LPR phản ánh tỷ lệ thay đổi trung bình trong quy mô quần thể các loài được theo dõi, tại nhiều khu vực trên thế giới. Các con số này không thể hiện số lượng cá thể động vật hoặc số lượng quần thể mất đi.

Lưu ý đường cơ sở ban đầu - năm 1970 ở các khu vực là khác nhau. Ở cả châu Âu và Bắc Mỹ, do những tác động ở quy mô lớn đến thiên nhiên đã xảy ra trước năm 1970, vì thế ở những vùng này chỉ số ít có xu hướng tiêu cực hơn. Bắc Mỹ ghi nhận mức giảm trung bình là 39%, trong khi châu Âu và Trung Á ghi nhận mức giảm là 35%.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/trung-binh-73-quan-the-cac-loai-hoang-da-da-suy-giam-50-nam-qua-45724.html