Trung Bộ lại nhọc nhằn vì lũ lụt
Đến 22 giờ ngày 10-10, tại Quảng Nam và Quảng Ngãi còn mưa rất to, trong khi một số thủy điện rục rịch xả lũ. Dự báo Trung Bộ những ngày tới có nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt, sạt lở đất...
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh, tại các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa rất lớn với tổng lượng mưa trong 24 giờ trên 300 mm, có nơi trên 550 mm, gây ngập cục bộ tại các khu vực thấp, trũng, chia cắt giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.
Lo ngập, xả lũ
Tại tỉnh Quảng Nam, lượng mưa đo được vào đầu giờ chiều 10-10 lên tới 487 mm. Mưa lớn đã khiến nhiều khu vực thấp trũng tại các địa phương như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn… ngập nặng; giao thông nhiều nơi bị chia cắt. Tại TP Tam Kỳ, nhiều tuyến đường ngập sâu gần 1 m.
Mưa lớn đã khiến 2 người dân tại xã Trà Cang, huyện Nam Trà My bị nước lũ cuốn trôi mất tích khi bơi qua sông vào chiều 9-10, hiện vẫn chưa tìm được. Ngay trong chiều 10-10, tại phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ xảy ra vụ việc một người đàn ông bị nước cuốn trôi mất tích; còn tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, một phụ nữ bị nước cuốn thiệt mạng.
Đáng lo ngại là trong chiều 10-10, lưu lượng nước đổ về các hồ thủy điện ở Quảng Nam như A Vương, Đăk Mi, Sông Bung 4 rất lớn, buộc các thủy điện này xả lũ về sông Vu Gia với lưu lượng hơn 2.000 m3/giây. Mưa lớn cùng với thủy điện xả lũ, dự báo nhiều địa phương ở Quảng Nam tiếp tục ngập nặng trong những ngày tới.
Tại Quảng Trị, hàng loạt thôn, bản ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đối mặt nguy cơ bị cô lập vì nhiều ngầm, tràn ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông bị ngập. Tại huyện Hướng Hóa, ngầm tràn các xã Ba Tầng, A Dơi, Thanh, Hướng Sơn, Húc bị nước lũ chia cắt từ rạng sáng 10-10; ngầm tràn xã Tà Rụt, A Ngo, Tà Long, Ba Lòng (huyện Đakrông) nước dâng từ 50 cm đến 1,5 m, chảy xiết. Để bảo đảm an toàn cho người dân, chính quyền địa phương đã cắt cử lực lượng chốt chặn 24/24 giờ và yêu cầu người dân không đi qua khu vực nguy hiểm.
Trong ngày 10-10, lực lượng Đồn Biên phòng Hướng Lập, Biên phòng Quảng Trị đã kịp thời cấp cứu, cứu sống em H.B.N (lớp 4, ngụ tại xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa), bị đuối nước khi đi câu cá cùng bạn.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ. Tại huyện miền núi A Lưới, sạt lở núi tiếp diễn tại KM 75+150 trên tuyến Quốc lộ 49 làm hàng trăm mét khối đất đá tràn từ taluy dương xuống mặt đường. Nhiều tuyến đường bị ngập, nước cuốn đất đá tràn ra mặt lộ. Đặc biệt, tại tuyến đường vào khu tái định cư thủy điện (gồm 66 hộ dân) thuộc xã Hồng Hạ, nước tràn qua các cống, chảy xiết ngang đường gây nguy cơ chia cắt tại đây.
Sẵn sàng ứng cứu
Từ 15 giờ ngày 10-10, mưa lớn kéo dài ở tỉnh Quảng Ngãi khiến nước từ thượng nguồn đổ về gây ngập cầu sông Rin tại thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, khiến 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây bị chia cắt.
Ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết nhiều tuyến đường ở huyện này bị ách tắc do đất đá, cây cối sạt, đổ ngã chắn ngang. Do mưa quá lớn, việc khắc phục sạt lở gặp nhiều khó khăn.
Ở huyện Trà Bồng xuất hiện rất nhiều điểm sạt lở núi, cảnh báo nguy cơ mất an toàn. Chính quyền địa phương chuẩn bị triển khai các phương án di dời người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Trong chiều 10-10, tại xóm 4A, thôn Vĩnh Tuy, xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, xảy ra một cơn lốc xoáy kèm mưa giông làm tốc mái, hư hỏng 19 căn nhà. Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND xã Tịnh Hiệp đã huy động lực lượng đến hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại, ưu tiên những hộ bị thiệt hại chưa có chỗ ở.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành yêu cầu có biện pháp chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, cử lực lượng túc trực, sẵn sàng di dời, ứng cứu người dân…
Tại Đà Nẵng, gần 30 trường học trên địa bàn huyện Hòa Vang đã cho học sinh nghỉ vì ngập nước. Địa phương này đã xây dựng phương án di dời người dân ở vị trí thấp đến nơi an toàn khi nước sông dâng cao, gây ngập lụt diện rộng, đặc biệt các hộ dân sống ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn)…, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, khu vực Trung Bộ dự báo có thể tiếp tục có mưa lớn trong thời gian tới, nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét.
Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó
Ngày 10-10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Công điện 908/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương từ Quảng Bình đến Phú Yên chủ động ứng phó tình hình mưa lũ tại Trung Bộ.
Tại công điện, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 875/CĐ-TTg ngày 30-9.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Phú Yên tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động sơ tán nhân dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người.
Đồng thời chủ động bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do ngập sâu, sạt lở, sẵn sàng tổ chức cứu trợ cho các hộ dân có nguy cơ thiếu đói.
V.Duẩn
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/trung-bo-lai-nhoc-nhan-vi-lu-lut-20221010223207609.htm