Trúng đậm giữa đại dịch, 'nồi cơm' gần 5 tỷ USD của đại gia Nam Định
Các đại gia ngành bán lẻ tập trung phát triển theo hướng 'một điểm đến' cung cấp nhiều loại hàng hóa cho người dân Việt. Tuy nhiên, hướng đi mới cũng cần thời gian và không phải ai cũng thành công.
CTCP Thế Giới Di Động (MWG) vừa công bố lợi nhuận đạt gần 4.400 tỷ trong 11 tháng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, MWG hoàn thành 93% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Riêng trong tháng 11, Thế Giới Di Động ghi nhận doanh thu hơn 11,5 nghìn tỷ đồng với đóng góp lớn từ chuỗi điện thoại Thế Giới Di Động và chuỗi Điện Máy Xanh. Tổng doanh số của hai chuỗi này đạt khoảng 9.700 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ, chiếm phần lớn doanh thu của ông lớn bán lẻ.
Tính chung 11 tháng, Thế Giới Di Động đạt gần 111 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,8 tỷ USD). Trong đó, chuỗi điện thoại Thế Giới Di Động và chuỗi Điện Máy Xanh mang về gần 84 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 76%.
Số liệu trên cho thấy, bán lẻ điện thoại và điện máy vẫn là mảng cốt lõi của doanh nghiệp của ông Nguyễn Đức Tài, dù gần đây MWG đẩy mạnh các mảng khác, trong đó có Bách Hóa Xanh... hướng tới chuỗi bán lẻ cung cấp đa dạng các loại mặt hàng.
Các tập đoàn lớn khác cũng đẩy mạnh xu hướng bán lẻ hiện đại "một điểm đến nhiều tiện ích", với những cái tên như Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Thaco của ông Trần Bá Dương, Central của tỷ phú Thái...
Các đại gia muốn thiết lập những nơi có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng về mua sắm, giải trí, tương tác xã hội và ẩm thực.
Central Retail Việt Nam cũng vừa ký kết hợp tác đầu tư phát triển ở mảng bán lẻ với Tập đoàn Kido (KDC) để sẽ đưa chuỗi F&B Chuk Chuk vào chuỗi trung tâm thương mại (TTTM) GO!, Big C và Tops Market.
Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương mua lại Emart từ Emart Hàn Quốc để phát triển điểm đến gồm trung tâm thươn gmaij, hội nghị - tiệc cưới, showroom, sữa chữa ô tô,... Trong khi đó, Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang xây dựng Fresh&Chill, nơi khách hàng có thể rút tiền, đi chợ, uống trà sữa và mua thuốc.
Trước đó, Masan đã mua lại chuỗi VinMart/VinMart+ từ Vingroup để xây dựng điểm đến Point of Life (POL), một nền tảng mà tỷ phú Nguyễn Đăng Quang muốn phục vụ các nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng trên các kênh mua sắm offline và online.
Tại Việt Nam, bán lẻ ngày càng phát triển. Một số tập đoàn sở hữu hệ thống bán lẻ rộng khắp đang có ưu thế lớn trong việc khai thác thị trường nội địa và nhu cầu mua sắp của một lượng lớn tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo.
Ngay cả trong những khoảng thời gian khó khăn vì dịch bệnh, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn vẫn không ngừng mở rộng quy mô cũng như thị phần.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 21/12
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực chốt lời khiến nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm giá nhẹ vào đầu giờ sáng. Tuy nhiên, dòng tiền còn mạnh và sức cầu bắt đáy ở nhiều nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều đã giúp VN-Index quay đầu tăng điểm.
Chỉ số VN-Index tăng hơn 6 điểm lên trên ngưỡng 1.480 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa. Trong khi đó, nhóm bất động sản, tài chính và bán lẻ tăng khá mạnh.
Cổ phiếu Vingroup tăng 1.400 đồng lên 100.400 đồng/cp. Vinhomes tăng 2.200 đồng lên 85.700 đồng/cp. Cổ phiếu Masan tăng 3.500 đồng lên 165.500 đồng/cp. Vincom Retail tăng 500 đồng lên 31.550 đồng/cp.
Theo BSC, nỗ lực vượt qua ngưỡng kháng cự 1.480 vẫn không thành công, VN-Index đóng cửa phiên 20/12 giảm hơn 2 điểm so với phiên hôm trước. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với số mã giảm gấp đôi số mã tăng. Trong 5/19 ngành tăng điểm, ngành dịch vụ tài chính có mức tăng cao nhất 2,2%. Khối này bán ròng trên sàn HoSE và mua ròng trên sàn HNX. Trạng thái đi ngang này có vẻ chưa có dấu hiệu kết thúc trong ngắn hạn.
Theo VDSC, VN-Index chưa thể vượt qua được 1.480 điểm và tiếp tục trong trạng thái thận trọng. Tuy nhiên, diễn biến giao dịch ở giai đoạn cuối phiên có ghi nhận nỗ lực giữ thăng bằng cho chỉ số. Thanh khoản giảm so với phiên trước, điều này cho thấy áp lực bán chưa kiên quyết. Mặc dù VN-Index chưa thể lấy lại được sắc xanh nhưng tạm thời cũng xoa dịu bớt áp lực tiêu cực nên có khả năng chỉ số sẽ có thêm thời gian để tiếp tục kiểm tra vùng cản 1.480 – 1.490 điểm. Tuy nhiên, nhìn chung áp lực và rủi ro tại vùng cản này đối với VN-Index vẫn chưa thuyên giảm.
Chốt phiên chiều 20/12, chỉ số VN-Index giảm 2,46 điểm xuống 1.477,33 điểm. HNX-Index giảm 1,61 điểm xuống 454,59 điểm. Upcom-Index giảm 0,58 điểm xuống 111,02 điểm. Thanh khoản đạt 34,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.