Trùng điệp dự án 'bóp nghẹt' giao thông 'đường Lê Văn Lương thứ 2'
Đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bè (TP.HCM) được ví như 'đường Lê Văn Lương thứ 2' vì dự án căn hộ dày đặc.
Hơn 60 tòa nhà căn hộ cao tầng trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ mới chỉ là số lượng hiện tại. Nhiều dự án “khủng” khác vẫn đang rầm rộ thi công. Để sở hữu một căn hộ trên tuyến đường thường xuyên ùn ứ và quá tải về hạ tầng, người dân phải bỏ ra từ 35 đến 65 triệu/m2 tùy vào diện tích.
Dự án sau, quy mô “khủng” hơn dự án trước
Hơn 60 tòa nhà căn hộ cao tầng “đã “bóp nghẹt” tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ nhưng đây mới chỉ là những con số đã hình thành, hàng loạt dự án khác đang triển khai quy mô cực lớn.
Đơn cử như siêu dự án Grand Sentosa, nằm tại vị trí 116A, mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển với quy mô 9 block , hơn 1.640 căn hộ và có cả trung tâm mua sắm rộng 20.000 m2 do Công ty cổ phần phát triển Tài Nguyên làm chủ đầu tư.
Cũng nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, tại vị trí số 11, xã Phước Kiển lại là dự án khác mang tên Park Vista do Công ty Đông Mê Kông làm chủ đầu tư với 4 block, 1.300 căn hộ. Hiện dự án đang dừng thi công và trước đó bị Thanh tra TP.HCM kết luận nhiều sai phạm.
Đáng chú ý, Thanh tra TP.HCM còn chỉ rõ sai phạm của Sở Xây dựng TP.HCM vì cấp GPXD khi Công ty Đông Mê Kông chưa duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình phân khu 11B1, chưa được cơ quan có thẩm quyền bàn giao đất trên thực địa, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Tiếp tục có nguy cơ gây áp lực lên hạ tầng giao thông là một siêu dự án nằm trên địa phận xã Phước Kiển, mặt tiền Nguyễn Hữu Thọ có tên Celesta Rise và Celesta Heights của hai nhà đầu tư Keppel Land và Phú Long. Chủ đầu tư dự kiến bàn giao căn hộ vào năm 2023 với tổng số 9 block, tương đương khoảng 2.000 căn hộ.
Có thể nhận thấy những siêu dự án đang triển khai và sắp triển khai trong thời gian tới trên con đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè có quy mô “hoành tráng” hơn các dự án đã hoàn thiện trước đó về diện tích và cả về giá bán. Theo như lời quảng cáo của các chủ đầu tư, để sở hữu một căn hộ tại đây người dân phải bỏ ra từ 45 đến 60 triệu/m2 tùy vào diện tích.
“Viễn cảnh” tiện ích mà chủ đầu tư dự án giới thiệu cuối cùng cũng chỉ để bán cho bằng được căn hộ. Trên thực tế, tình trạng ùn tắc trên đường Nguyễn Hữu Thọ diễn ra liên tục không chỉ đối với trục đường chính, mà ngay cả các đường nhánh cũng chịu chung số phận.
Quảng cáo “có cánh”, hạ tầng "chịu trận"
Dự án Celesta Rise và Celesta Heights của hai nhà đầu tư Keppel Land và Phú Long tại xá Phước Kiển, huyện Nhà Bè được quảng cáo với những lời “có cánh” như: “25 phút di chuyển đến trung tâm thành phố”, “sở hữu liên kết vùng hoàn hảo”…
Mặc dù dự án hiện chỉ là khu đất trống nhưng hàng loạt môi giới vẫn đưa ra giá bán từ 60 triệu đồng/m2. Tổng giá trị căn hộ 6,3 tỷ đồng đối với diện tích 105m2. “Nhưng hiện đã bán hết từ 2 năm trước rồi. Anh phải mua sang tay từ khách đã đặt mua trước đó”, một người môi giới tên B. nói.
Trên thực tế, để đi từ vị trí dự án này về đến chợ Bến Thành phải mất gần 40 phút cho quãng đường 9,5km. Đó chỉ là thời gian trung bình, không kể khi ùn tắc phải di chuyển gần 60 phút.
Tương tự, một dự án khác là Florita Him Lam đã xây dựng hoàn thành hiện cũng được các sàn môi giới thi nhau quảng cáo về tiện ích giao thông như “di chuyển đến trung tâm thành phố chỉ 10 phút”. Một khách hàng sau khi đi từ quận 1 đến căn hộ Florita Him Lam để xem nhà đã phải thừa nhận rằng: “10 phút nhưng với điều kiện phải đi vào buổi tối muộn hoặc sáng sớm”.
Còn một người môi giới tên Kh. của một sàn môi giới cho biết, hiện giá bán chuyển nhượng căn 68m2 khoảng 3,7 tỷ đồng nhưng nếu mua thì phải đợi sổ hồng vì chủ đầu tư chưa thông báo bao giờ sẽ có. Như vậy, không chỉ “thổi” tiện ích hạ tầng giao thông từ ùn ứ thành “di chuyển thuận lợi”, dự án Florita Him Lam còn đẩy hàng nghìn người vào ngõ cụt pháp lý sở hữu nhà do chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy mô dự án.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đã tỏ ra khá bất ngờ khi xem các hình ảnh từ flycam về số lượng dự án căn hộ thực tế trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ mà Báo Giao thông ghi nhận. Theo chuyên gia này, các dự án trước khi triển khai đều phải được lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong đó có đánh giá tác động giao thông, khảo sát và dự báo lưu lượng phương tiện thực tế trong khu vực.
“Chỉ khi Sở GTVT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động giao thông thì chủ đầu tư mới có căn cứ để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường tổng thể và đủ điều kiện cấp GPXD”, vị này cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, quy trình đánh giá tác động giao thông đối với các dự án căn hộ không phải chỉ mới được thực thi trong thời gian gần đây. Từ năm 2018, nhiều dự án đã buộc phải có "bước" này để cơ quan chuyên môn đánh giá, dự báo lưu lượng phương tiện trên trục đường mà dự án đấu nối vào có gây xung đột dẫn đến ùn tắc hay không.
Mặc dù vậy, hàng loạt dự án căn hộ tạo ra nguy cơ ùn tắc vẫn được phê duyệt, cấp phép xây dựng ngay trên mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ bất chấp các nỗ lực quy hoạch đô thị thông minh, hiện đại hóa hạ tầng của thành phố đầu tàu kinh tế đất nước.