Trung đoàn 21 đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Ngày 3/12, tại Bắc Giang, Trung đoàn 21, Sư đoàn 3, Quân khu 1 (trước đây là Trung đoàn 21, Sư đoàn 2, Quân khu 5), vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình gửi lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp tới các cựu chiến binh Trung đoàn 21, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Đồng thời cho biết, Trung đoàn 21 mang tên người anh hùng dân tộc mệnh danh là “Hùm Thiêng Yên Thế” - Hoàng Hoa Thám, được thành lập ngày 21/4/1965, tại tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang, Bắc Ninh). Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn là những người con ưu tú của quê hương Bắc Giang, Bắc Ninh và một số tỉnh bạn.
Trước yêu cầu nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, Trung đoàn nhanh chóng chi viện cho chiến trường, chỉ sau một thời gian được huấn luyện khẩn trương (từ tháng 4 - 7/1965), hàng nghìn người con của Bắc Giang, Bắc Ninh trong đội hình Trung đoàn Đề Thám đã thần tốc lên đường vào Nam, cùng quân dân cả nước đánh Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay từ ngày đầu đặt chân vào chiến trường Khu 5 rực lửa, Trung đoàn đã sát cánh cùng quân và dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chiến đấu; được nhân dân che chở, nuôi dưỡng, Trung đoàn đã đánh địch, giành đất, giữ dân, lập nhiều chiến công vang dội, tiêu biểu như các trận đánh Hiệp Đức, Đồng Dương, Cẩm Khê tiêu diệt nhiều sinh lực địch, gây tiếng vang lớn; diệt nhiều quân Mỹ ở điểm cao 62, thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình, tỉnh Quảng Ngãi (3/1966). Đặc biệt, chiến thắng Đồi Tranh - Quang Thạnh đánh bại Lữ đoàn Rồng Xanh (2/1967) đã làm cho quân địch khiếp sợ, làm nức lòng nhân dân Quảng Ngãi.
Không những mưu trí, dũng cảm, đánh địch giỏi, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Đề Thám còn là chỗ dựa vững chắc, giúp bộ đội và nhân dân địa phương các tỉnh Miền Trung vừa sản xuất, vừa chiến đấu giữ làng, mở rộng vùng giải phóng.
Chung sức, đồng lòng cùng với quân và dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi chiến đấu, từ cuối năm 1965 - 1971, Trung đoàn Đề Thám đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, lập nên truyền thống quả cảm “đã đi là đến, đánh là thắng”. Những chiến công vang dội, tiêu diệt nhiều đơn vị chủ lực địch của Trung đoàn đã tạo nên những bước ngoặt quan trọng, phá vỡ những phòng tuyến trọng yếu của Mỹ - Ngụy, góp phần giải phóng các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên và giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.
Với những cống hiến to lớn đó cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, Trung đoàn Đề Thám vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng Nhì. Đặc biệt ngày 20/9/2024 Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đoàn 21...
Trung đoàn Đề Thám đã chiến đấu và cống hiến trong đội hình chiến đấu của 2 sư đoàn thuộc 2 quân khu (Sư đoàn 2, Quân khu 5 và Sư đoàn 3, Quân khu 1), đều là những sư đoàn chủ lực, quả đấm thép, có nhiều chiến công lừng lẫy, nhiều đóng góp trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và bảo vệ Tổ quốc. Đã có hơn 22 nghìn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 3 - Sao Vàng, hơn 52 nghìn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 2 anh dũng chiến đấu, hy sinh, mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ để Tổ quốc được hòa bình.
Tại buổi lễ, Đại tá Nguyễn Công Khuê, Chính ủy Sư đoàn 3 xúc động cùng các đại biểu ôn lại chặng đường chiến đấu nhiều hy sinh, gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng của Trung đoàn 21 tại Quảng Nam, Bắc Quảng Ngãi và Bình Định - địa bàn trọng điểm Khu 5 trên tuyến lửa miền Trung những năm dài đánh Mỹ.
Đại tá Nguyễn Công Khuê chia sẻ: Những hy sinh, tinh thần chiến đấu kiên cường cùng những chiến công hào hùng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 21 sẽ được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 hôm nay và mãi mãi mai sau khắc ghi, trân trọng, biết ơn và phát huy trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Sư đoàn.
Trước buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cùng các đại biểu đã đến dâng hương, hoa và trồng cây lưu niệm tại đài tưởng niệm các liệt sỹ của Sư đoàn 3.