Trung đoàn 6 trong lòng quê hương Quảng Trị

Bước sang năm 1965, thất bại nặng nề trong 'chiến tranh đặc biệt', đế quốc Mỹ liều lĩnh ồ ạt đưa quân vào miền Nam và tăng cường cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tình thế cách mạng trên chiến trường Trị Thiên đòi hỏi chúng ta phải có lực lượng chủ lực cơ động mạnh, có sức chiến đấu cao, vừa có khả năng độc lập tác chiến, vừa có khả năng đánh hiệp đồng và là nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, hỗ trợ cho phong trào quần chúng cách mạng cùng cả nước quyết tâm đánh thắng 'chiến tranh cục bộ' của đế quốc Mỹ.

 Quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố Huế - Ảnh: TL

Quân Giải phóng tiến vào giải phóng thành phố Huế - Ảnh: TL

Thực hiện chủ trương của Bộ Tổng tư lệnh và Quân ủy Trung ương về việc tăng cường lực lượng cho phân khu Bắc, ngày 10/10/1965, tại Khe Su, chiến khu Ba Lòng, tỉnh Quảng Trị, Trung đoàn bộ binh 6 chính thức được thành lập, đánh dấu bước phát triển mới của lực lượng vũ trang Trị -Thiên.

Ngay sau khi thành lập, trung đoàn đã được phân khu giao nhiệm vụ tiến công căn cứ Ba Lòng, một căn cứ quân sự vững chắc được đế quốc Mỹ xây dựng từ năm 1955, với hệ thống công sự kiên cố, hàng rào thép gai và bãi mìn hỗn hợp chằng chịt, xen kẻ những dãy chiến hào liên hoàn bao bọc. Tối ngày 19/10/1965, dưới trời mưa tầm tã, đường đất lầy lội, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 6 lặng lẽ xuyên rừng, cơ động lực lượng, áp sát mục tiêu, nổ súng tiến công địch theo đúng kế hoạch.

Sau phút bất ngờ, quân địch lợi dụng hệ thống công sự kiên cố tổ chức chống trả dữ dội. Súng máy trong các lô cốt, pháo binh trong cứ điểm cùng lực lượng pháo binh địch ở Tân Lệ bắn như vãi đạn vào đội hình tiến công của quân ta. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt. Mũi chủ yếu không phát triển được, mũi thứ yếu tổn thất nặng nề. Nhưng quân ta vẫn anh dũng tiến công, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng quân địch vòng ngoài và cả một phần lực lượng bên trong cứ điểm, phá vỡ hệ thống công sự, buộc địch phải co cụm, cố thủ chờ chi viện.

Sau trận mở đầu, đập tan cái gọi là “pháo đài bất khả xâm phạm” của Mỹ - ngụy, trung đoàn đã liên tiếp tổ chức các cuộc tiến công tiêu diệt căn cứ A Chùm, đánh tan một tiểu đoàn cứu viện, giải phóng hoàn toàn Huội San - Lao Bảo, tạo nên một thế trận mới trên chiến trường Quảng Trị.

Đầu năm 1966, trung đoàn hành quân về Triệu Hải. Trong 9 ngày đêm quyết liệt, vừa cơ động chiến đấu, vừa thực hành bao vây, chia cắt, kìm chân 6 tiểu đoàn địch, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, giải phóng một vùng rộng lớn hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng, xây dựng cơ sở chính quyền cách mạng.

Tháng 3/1966, trung đoàn vào Thừa Thiên, liên tục cơ động chiến đấu dưới nhiều hình thức, từ độc lập tác chiến đến phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương. Từ tác chiến bộ binh đến hiệp đồng tác chiến với đặc công, pháo binh, phòng không. Từ tập kích, phục kích, vây lấn đến vận động tiến công. Từ đánh địch đổ bộ đường không đến tiến công địch trong công sự vững chắc. Trung đoàn càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Những ngày cuối tháng 3/1975, Trung đoàn 6 phối hợp với Trung đoàn 271 và Tiểu đoàn 8 Quảng Trị dũng mãnh tiến công giải phóng thành phố Huế. Trung đoàn vinh dự cắm lá cờ giải phóng lên cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu một mốc son lịch sử: Tỉnh Thừa Thiên hoàn toàn giải phóng.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quân quản, trấn áp tàn quân địch, giữ gìn trật tự an ninh và góp phần xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng thành phố Huế, tháng 7/1975, trung đoàn được Bộ Tư lệnh Quân khu Trị Thiên giao nhiệm vụ đưa phần lớn lực lượng ra Quảng Trị dò gỡ bom mìn, giải phóng đất đai vùng đồng bằng Triệu Hải.

Do mật độ dày đặc của bom đạn, xen lẫn vô vàn sắt thép phế liệu chiến tranh làm cho máy dò mìn mất hết tính năng tác dụng. Vậy là phải dựa vào tính kiên nhẫn và đôi tay của con người. Đất bị bỏ hoang hóa sau bao năm chiến tranh, nay lại kiệt nước, nén chặt như đá. Bất chấp nắng lửa, gió Lào cháy bỏng và hiểm nguy rình rập, hàng trăm chiến sĩ dàn hàng ngang thận trọng thọc từng 5 cm một mũi thuốn, kiên nhẫn nhích dần, nhích dần từng xăng ti mét đất. Hễ phát hiện vật cứng là phải thận trọng khoét từng thìa đất, khéo léo nhẹ nhàng vô hiệu hóa “thần chết”.

Tại các khu vực trọng điểm như chợ Cạn, chốt Long Quang, ngã ba Long Hưng... ken dày các loại mìn chống tăng, mìn định hướng, mìn bộ binh, mìn zíp, đầu đạn M79, loại đè nổ, loại vướng nổ... với tính năng cấu tạo cực kỳ phức tạp. Nguy hiểm hơn cả là thủ đoạn đặt bẫy, bẫy bằng mìn bộ binh loại nhỏ, mìn vướng nổ, lựu đạn mỏ vịt nổ tức thì, loại bẫy đặt dưới, loại đặt bên hông, loại một tầng bẫy, loại hai tầng bẫy... Chính những cái bẫy quái ác đó đã cướp đi sinh mạng của hai chiến sĩ trung đoàn. Càng đau đớn bao nhiêu, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn cùng dân quân Triệu Sơn, Triệu Trạch... lại gạt nước mắt xác định quyết tâm: Phải bằng trí tuệ, bản lĩnh chiến thắng “thần chết” để hoàn thành nhiệm vụ. Sau hơn hai tháng kiên cường, nỗ lực, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn cùng với dân quân địa phương đã phát hiện, phá gỡ hàng vạn vật liệu nổ các loại, giải phóng 350 ha đất cho Nhân dân sản xuất.

Suốt 10 năm anh dũng chiến đấu và trưởng thành, hơn 2.400 cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã mãi mãi gửi trọn tuổi thanh xuân trên mảnh đất Trị - Thiên máu lửa. Cuộc sống hòa bình đã đến với mọi nhà, nhưng các anh hùng liệt sĩ còn nằm lại đâu đó trong làng bản, phố phường hay rừng sâu núi thẳm. Thể theo nguyện vọng tha thiết của những người còn sống, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn lại tỏa ra các hướng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Về với núi rừng Quảng Trị thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, cán bộ, chiến sĩ trung đoàn lại được sự đùm bọc, giúp đỡ và phối hợp tận tình, hiệu quả của quân dân Quảng Trị. Hơn 3 tháng tìm kiếm với tinh thần tri ân sâu sắc, trung đoàn cùng quân dân Trị - Thiên đã phát hiện và đưa được 1.700 liệt sĩ về các nghĩa trang.

Đầu tháng 3/1979, toàn thể cán bộ, chiến sĩ đang tập kết lực lượng ở khu vực sân bay Đồng Hới, sẵn sàng cơ động lên hướng Bắc thì tình hình biên giới có chuyển biến mới, trung đoàn được lệnh trở lại Triệu Hải xây dựng tuyến phòng thủ ven biển. 1.264 cán bộ, chiến sĩ bất chấp thời tiết mưa gió, kiên nhẫn chống chọi với cát đùn, cát lấp và những khối bê tông nặng nề, thô ráp. Hàng chục vạn thanh bê tông cốt thép đúc sẵn có trọng lượng từ 75- 80 kg phải đặt lên vai chiến sĩ, vác bộ hàng trăm, có chỗ hàng ngàn mét để đến địa điểm lắp ghép kết cấu thành hệ thống công sự vững chắc suốt dọc tuyến bờ biển, góp phần xây dựng huyện Triệu Hải thành “pháo đài quân sự mạnh”. Năm 1978, sau khi phá gỡ 350.000 quả bom mìn, vật liệu nổ và bốc dỡ gần 400.000 m3 đá phía hạ lưu đập tràn, trung đoàn đã đóng góp gần 180.300 ngày công, trở thành lực lượng dẫn đầu trên công công trường đại thủy nông Nam Thạch Hãn.

Sau một thời gian dài liên tục cơ động, đầu năm 1981, Bộ CHQS tỉnh Bình Trị Thiên xác định vị trí đóng quân, xây dựng doanh trại theo hướng tập trung tại khu vực tiếp giáp giữa thị xã Quảng Trị với xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Hơn 20 năm, với nhiều lần thay đổi tổ chức, biên chế và nhiệm vụ, trung đoàn luôn được sống trong tình thương yêu, đùm bọc của quân dân Quảng Trị.

Thực hiện phương hướng xây dựng, quy hoạch và tổ chức lực lượng đến năm 2010, ngày 24/12/2002 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 191/QĐ-BQP, tiếp đến Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ra Quyết định 63/QĐTL ngày 20/1/2003 về việc chuyển đổi phiên hiệu... Từ đây, Trung đoàn bộ binh 6 từ Quảng Trị vào trực thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu, bất cứ đứng chân và hoạt động trên địa bàn nào, mỗi bước trưởng thành, phát triển của Trung đoàn bộ binh 6 đều gắn liền với tình cảm, trách nhiệm, sự giúp đỡ chí tình và hiệu quả của lãnh đạo, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang Quảng Trị. Trung đoàn bộ binh 6 mãi mãi trong lòng dân Quảng Trị anh hùng.

Đỗ Phấn Đấu

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=152100