Trung đoàn BB888 những ngày chống giặc COVID-19

Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn BB888 chuẩn bị bữa ăn hàng ngày cho công dân trong khu cách ly. Ảnh: LẠC VIỆT

Tại Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Quân khu 5 lần thứ X, nhiệm kỳ 2022-2027 vừa qua, nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân trong tuổi trẻ LLVT quân khu đã được biểu dương. Góp mặt trong phong trào Tuổi trẻ Quân khu 5 xung kích, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hoạt động phòng chống dịch COVID-19 của tuổi trẻ Trung đoàn BB888 Bộ CHQS tỉnh Phú Yên và đại úy Đặng Quang Toản.

Ngày 23/6/2021, Phú Yên phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên. Một tuần sau, toàn tỉnh đã có 150 ca mắc dịch bệnh này và những trường hợp F0, F1 không ngừng tăng lên theo từng ngày.

Chống dịch như chống giặc

Đại úy Đặng Quang Toản. Ảnh: LẠC VIỆT

Đại úy Đặng Quang Toản. Ảnh: LẠC VIỆT

Thượng tá Lê Thanh Hoa, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn BB888 nhớ lại: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngày 26/6, UBND tỉnh có công văn hỏa tốc về việc quyết liệt áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19. Cùng với tổ chức truy vết, khoanh vùng, điều tra dịch tễ, ngành Y tế tiến hành cách ly các đối tượng theo quy định, lấy mẫu xét nghiệm. Lực lượng quân đội, công an, biên phòng cùng vào cuộc chiến chống giặc COVID-19.

Để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với tình hình dịch bệnh, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể Nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc của Chính phủ, thực hiện quy định cách ly theo quy định, bảo vệ tốt nhất sức khỏe của Nhân dân.

Toàn tỉnh có 6 cơ sở cách ly tập trung do Bộ CHQS tỉnh phụ trách, quản lý với sức chứa gần 600 người. Trong đó, cơ sở Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh thuộc Trung đoàn BB888 có sức chứa 280 người. Lúc cao điểm, cơ sở cách ly này tiếp nhận gần 200 người nghi nhiễm SARS-CoV-2, mỗi ngày có trên dưới 20 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính.

“Khi tiếp nhận người đến cách ly, cán bộ quản lý phân rõ yếu tố dịch tễ từng người. Những trường hợp F0 ngay lập tức được đưa vào phòng cách ly đặc biệt. Đồng thời các F1 được rà soát và đưa đi cách ly riêng. Cán bộ y tế kiểm tra nhiệt độ từng người 2 lần/ngày theo quy định. Sáng, trưa, chiều, cơ sở phát loa tuyên truyền, nhắc nhở mọi người tuân thủ hướng dẫn về cách ly, hạn chế tiếp xúc và nếu có vấn đề bất thường về sức khỏe thì gọi điện báo ngay cho bộ phận y tế. Về vấn đề ăn uống và nhu yếu phẩm, tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh lây nhiễm chéo giữa người cách ly và cán bộ làm nhiệm vụ. Ngày 3 bữa, bộ phận hậu cần mang cơm đến đặt trên bàn có sẵn trước mỗi cửa phòng, người cách ly tự ra lấy. Ngoài thường xuyên thay đổi thực đơn, chúng tôi còn quan tâm đến công dân là người già, trẻ em, nhằm làm sao giúp họ ăn ngon, có sức khỏe tốt trong thời gian cách ly” - thượng tá Lê Thanh Hoa cho biết thêm.

Hết dịch mới về!

Cao điểm là thời gian tỉnh tổ chức tiếp nhận hơn 7.000 người dân địa phương từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trở về thực hiện cách ly theo quy định. Trung đoàn BB888 khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất với tinh thần nhanh nhất, tốt nhất, an toàn nhất, sẵn sàng tiếp nhận những người trở về từ các vùng dịch.

Giữa lúc số người dương tính với SARS-CoV-2 và cách ly tại trung tâm đang tăng thì đại úy Đặng Quang Toản, trợ lý quân lực, người được giao nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động cơ sở cách ly này nhận hung tin: Mẹ đột ngột qua đời. “Lúc đó là 23 giờ. Mọi người trong khu cách ly đều đã đi ngủ, chỉ còn tôi với đại úy Toản và anh em cảnh vệ còn thức, làm nhiệm vụ. Anh ấy đã đấu tranh tư tưởng dữ dội hoặc là về nhà để nhìn mặt mẹ lần cuối, hoặc ở lại đơn vị tiếp tục nhiệm vụ được giao. Và cuối cùng anh ấy quyết định không về”, trung úy Đào Văn Khoa, người cùng thực hiện nhiệm vụ tại trung tâm cách ly với đại úy Đặng Quang Toản lúc đó cho biết.

Sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh và Trung đoàn BB888 đã đến động viên, chia sẻ nỗi đau thương, mất mát của đại úy Đặng Quang Toản khi đột ngột mất đi người mẹ kính yêu. Đồng thời, đơn vị cho lập một bàn thờ ngay tại khu cách ly để đại úy Đặng Quang Toản có thể bái vọng người mẹ quá cố. Đồng chí, đồng đội trong đơn vị cũng đã đến chia buồn và động viên đại úy Đặng Quang Toản vững vàng, cố gắng vượt qua đau thương, mất mát to lớn đó.

“Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, đại úy Đặng Quang Toản xung phong nhận nhiệm vụ tại cơ sở cách ly tập trung cùng nhiều đồng chí khác. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao, anh luôn thể hiện sự nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng phục vụ công dân. Trước nỗi đau và mất mát lớn của một người con, anh đã mạnh mẽ vượt qua, tiếp tục ngày đêm cống hiến sức lực vào công cuộc phòng chống dịch nói riêng, hoàn thành trách nhiệm cao cả của một sĩ quan trong Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung”, thượng tá Lê Thanh Hoa nhìn nhận.

Còn ông Nguyễn Văn Lanh, một người từng cách ly tại khu cách ly này, bày tỏ: “Trong thời gian cách ly, chúng tôi được đại úy Đặng Quang Toản và cán bộ, chiến sĩ của trung tâm quan tâm, chăm sóc tận tình, chu đáo; được hưởng đầy đủ chế độ ăn, nghỉ theo quy định, đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng và đảm bảo an toàn thực phẩm. Đại úy Toản thường xuyên nhắc nhở chúng tôi đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, hạn chế ra ngoài và tiếp xúc trực tiếp với người khác, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, giữ gìn vệ sinh trong khu vực cách ly, tự theo dõi sức khỏe hàng ngày. Khi hay tin mẹ mất, anh nén đau thương vì nhiệm vụ phòng chống dịch, chúng tôi rất xúc động và nể phục”.

Gặp lại đại úy Đặng Quang Toản với nhiệm vụ mới ở Ban CHQS TX Đông Hòa, anh tâm sự: “Mẹ chính là người đã động viên, khuyến khích tôi vào bộ đội và thường xuyên nhắc nhở tôi phải cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngày mẹ nhắm mắt xuôi tay, không được nhìn mẹ lần cuối, phận làm con, tôi cũng rất xót xa và ray rứt. Lúc ấy tôi đấu tranh tư tưởng quyết liệt. Hoặc là về ngay trong đêm để nhìn mặt mẹ lần cuối rồi xin thủ trưởng đơn vị ở nhà lo hậu sự xong sẽ trở lại tiếp tục làm nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung. Hoặc là không về, vì tôi ở trong khu cách ly nhiều ngày, trong người có thể đang nhiễm bệnh; nếu về không may gieo mầm bệnh cho nhiều người khác trong gia đình và lây lan ra cộng đồng thì hậu quả rất khó lường. Từ khu cách ly về nhà mẹ tôi chỉ khoảng 4km, lúc ấy tôi có thể phóng xe máy đi ngay trong đêm, nhưng tôi quyết định gọi điện cho ba và em trai lo hậu sự cho mẹ, khi nào hết dịch, an toàn tôi sẽ về chịu tang mẹ sau. Tôi nghĩ trong điều kiện và tình hình lúc đó, nếu là đồng chí A hay đồng chí B, chắc cũng sẽ nén đau thương, gạt đi nước mắt, chỉ khóc ở trong lòng để tiếp tục nhiệm vụ chống dịch như chống giặc mà cả nước đang chung sức đồng lòng”- đại úy Đặng Quang Toản tâm sự.

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/349/286253/trung-doan-bb888-nhung-ngay-chong-giac-covid-19.html