Trung đoàn bộ binh 6 - 'Quả đấm thép' trên chiến trường Trị Thiên
Thất bại trong 'chiến tranh đặc biệt', từ tháng 7/1965, đế quốc Mỹ ồ sạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam trực tiếp tham chiến, thực hiện 'chiến tranh cục bộ'. Trên chiến trường Trị - Thiên, một bộ phận quân Mỹ đã triển khai xây dựng căn cứ, trận địa. Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương, tháng 10/1965, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Trung đoàn bộ binh 6 trực thuộc Phân khu Trị - Thiên.
Ngày 10/10/1965, tại Khe Su, Ba Lòng, tỉnh Quảng Trị, Trung đoàn bộ binh 6 chính thức được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Phân khu Trị - Thiên. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của Phân khu Trị - Thiên. Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, được sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; sự đùm bọc, che chở của Nhân dân, dù phải đương đầu với quân thù được trang bị hiện đại, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm, nhưng trung đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực sự là “quả đấm thép” trên chiến trường Trị - Thiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Để có được một đơn vị đủ sức chiến đấu, đập tan âm mưu của Mỹ - ngụy trên chiến trường Trị - Thiên, Bộ Tổng tham mưu đã lựa chọn những tiểu đoàn, đại đội độc lập gắn bó với chiến trường, có kinh nghiệm chiến đấu tập hợp lại hình thành Trung đoàn 6. Ngay từ khi mới thành lập trong bộn bề khó khăn, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã tỏ rõ quyết tâm, tích cực tham gia hoạt động thu - đông năm 1965. Trận đầu ra quân tiến công tiêu diệt cứ điểm Ba Lòng, được hỏa lực sơn pháo 75 của phân khu chi viện, trung đoàn đã tiến công mạnh mẽ giành được nhiều thắng lợi. Sau một thời gian củng cố lực lượng, tháng 11/1965, trung đoàn tiếp tục tổ chức chiến đấu tiêu diệt địch trên trục đường số 9, mục tiêu chính là cứ điểm A Chùm. Sau 45 phút chiến đấu, trung đoàn đã tiêu diệt 45 tên địch, giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng A Chùm có ý nghĩa quyết định, đập tan bộ phận tai mắt của địch án ngự phía Tây tỉnh Quảng Trị... Thực hiện chỉ thị của phân khu và kế hoạch hiệp đồng tác chiến với LLVT Quảng Trị, đầu tháng 2/1966, Tiểu đoàn 6 của trung đoàn chặn đánh quyết liệt một tiểu đoàn ngụy đi càn quét, tiêu diệt 2 trung đội ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ...
Chấp hành chủ trương tiến về đồng bằng Triệu Hải, trung đoàn tích cực chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, lực lượng hành quân về phối hợp với bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị liên tục mở các đợt tiến công địch và hoàn thành tốt nhiệm vụ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng. Sự ra đời của Trung đoàn 6 và những chiến công trên địa bàn Quảng Trị đã góp phần phá vỡ sự kìm kẹp của địch ở cơ sở, góp phần đánh bại “chiến tranh cục bộ” mà Mỹ thực hiện trên chiến trường Trị - Thiên, tạo điều kiện cho LLVT địa phương diệt ác, trừ gian, củng cố lòng tin cho Nhân dân.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã phối hợp với các lực lượng tiến công tiêu diệt địch ở vòng ngoài. Đêm 31/1/1968 ở khu vực Đại Nội - Cột Cờ - Ngọ Môn, Đại đội 4, Đại đội 3 Tiểu đoàn 2 tiến hành đột phá, đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu. Đúng 6 giờ cùng ngày, chiến sĩ Lê Văn Tuyển đã treo lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng lên đỉnh cột cờ trước cửa Ngọ Môn. Thừa thắng xốc tới, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 12 và Tiểu đoàn 2 đột phá đánh thẳng vào Đại Nội tiêu diệt một đại đội thám báo, 130 tên cảnh sát và bắt sống 25 tên... Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chủ chốt, trung đoàn được lệnh phối hợp với các đơn vị củng cố lực lượng chốt giữ thành phố Huế. Với tinh thần dũng cảm, ngoan cường cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn bền gan chiến đấu đánh bại các đợt tiến công phản kích của Mỹ - ngụy, chốt giữ thành phố Huế 26 ngày đêm. Trong cuộc chiến đấu này, trung đoàn đã tiêu diệt, bắt sống, bức hàng và làm tan rã hơn 2.000 tên địch; bắn rơi 4 máy bay; bắn cháy 25 xe bọc thép M113 và xe tăng M41, phá hủy nhiều xe quân sự, đốt cháy 1 kho đạn, 1 kho xăng của địch. Chiến thắng Mậu Thân 1968, trung đoàn được Mặt trận dân tộc giải phóng Trị - Thiên - Huế tặng bức trướng mang dòng chữ: “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường” và được cấp ủy, chính quyền, Nhân dân Thừa Thiên Huế gọi với cái tên thân thương: Đoàn Phú Xuân.
Trước âm mưu phản kích của địch, theo chỉ thị của phân khu, trung đoàn nhanh chóng ổn định tổ chức, cơ động lực lượng chiếm lĩnh vùng giáp ranh từ Phong Sơn đến Phong Mỹ (Phong Điền), cùng với LLVT địa phương chuyển gạo, thương binh lên căn cứ. Trong thời gian này, trung đoàn tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đặc biệt là trận phục kích đại đội lính dù Mỹ từ dốc Hồng Trung nống ra càn quét ở bản La Đụt; trận phục kích địch trên đoạn đường từ A Năm đi A Pung; trận tập kích vào trận địa pháo 105 của Mỹ tại dốc Chè, thuộc xã Hồng Kim. Chỉ trong 25 phút chiến đấu ta đã san phẳng trận địa pháo của chúng, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, phá hủy nhiều khẩu pháo... Trong những tháng đầu năm 1973, Mỹ tăng cường viện trợ vũ khí cho chính quyền Sài Gòn và thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, trung đoàn liên tục mở các trận chiến đấu ở điểm cao 131, 306, 245, điểm cao Nhật Lệ... tiêu diệt nhiều quân địch, thu vũ khí, phương tiện chiến tranh... Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm” cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đã làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, liên tục tổ chức tiến công địch. Sau khi hoàn thành các mục tiêu vòng ngoài, trung đoàn vượt sông Hương tiến về làm chủ tòa Khâm Sứ... ngày 26/3/1975, một lần nữa Trung đoàn 6 vinh dự mang lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam treo lên cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc son lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế được hoàn toàn giải phóng. Với thắng lợi đó, ta đã đập tan lá chắn của địch ở phía Bắc, tạo điều kiện cho các cánh quân thần tốc đánh chiếm các mục tiêu, nhanh chóng kết thúc chiến dịch Huế - Đà Nẵng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vào ngày 30/4/1975.
Sau ngày đất nước thống nhất, trung đoàn lại cùng Nhân dân bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới; tổ chức làm kinh tế; rà phá bom mìn; tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ; huấn luyện quân gửi đi các chiến trường Tây Nam và phía Bắc... Nhiệm vụ nào trung đoàn cũng hoàn thành xuất sắc. Ngày nay, cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn luôn ý thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị, ra sức phấn đấu vươn lên xây dựng đơn vị chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Dù trong hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn cũng phát huy truyền thống anh hùng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ra sức phấn đấu vươn lên, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước, Nhân dân đối với trung đoàn. Trải qua 55 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Trung đoàn 6 vinh dự được tặng thưởng 4 Huân chương Quân công; được tặng cờ “Trung dũng, quyết thắng”, “Tấn công nổi dậy, anh dũng kiên cường”. Tháng 9/1973, Trung đoàn 6 được Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương, được khen thưởng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại. Có hàng trăm cán bộ trưởng thành từ trung đoàn đã trở thành cấp tướng, sĩ quan cao cấp của quân đội; nhiều đồng chí ra quân trở thành cán bộ cốt cán của các địa phương...
Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Trung đoàn 6, Ban Liên lạc cựu chiến binh của trung đoàn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Đakrông, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị xây dựng Cụm di tích tại Ba Lòng, với nhiều hạng mục giá trị, quy mô hoành tráng. Cụm di tích thành lập Trung đoàn 6 đã được UBND tỉnh Quảng Trị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=151589