Trung đoàn trưởng kể chuyện dở khóc dở cười trong khu cách ly
Quản lý hàng trăm người cách ly đến từ mọi độ tuổi, ngành nghề, trình độ học vấn khác nhau, các chiến sĩ nhiều khi phải xử lý những trường hợp dở khóc dở cười.
Kể từ sau Tết năm ngoái, đến nay Trung đoàn Pháo binh 58 (xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã nhận nhiệm vụ đón 12 đoàn cách ly.
Để hoàn thành nhiệm vụ chống dịch, nhiều cán bộ chiến sĩ của trung đoàn mới chỉ được về nhà vài ngày rồi lại vào đơn vị. “Bởi vì cứ xong mỗi đợt cách ly, chúng tôi lại phải tự cách ly 14 ngày mới được ra ngoài. Nhiều cán bộ mới về được vài ngày lại nhận lệnh vào ngay để đón đoàn tiếp theo”, anh Bùi Quang Hiệp, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh 58, chia sẻ.
Ngay bản thân vị chỉ huy này, nhà cách đơn vị chưa đầy 1km nhưng cũng mới chỉ được về nhà khoảng 10 ngày.
Nếu như những đoàn trước phần lớn là người Việt từ nước ngoài trở về thì đoàn mới nhất này 100% công dân là người trong nước và đều là F1 của các bệnh nhân đã dương tính với Covid-19.
Trong số 148 công dân F1 được đưa vào đây, sau 1-2 ngày đầu tiên, 3 trường hợp dương tính với Covid-19 đã được phát hiện và phải chuyển sang các bệnh viện. Còn lại 145 người được sắp xếp sinh hoạt trong 38 phòng của các dãy nhà - phòng ít nhất 1 người, phòng nhiều nhất 6 người.
Cùng với 85 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị, trung đoàn còn được hỗ trợ 8 nhân viên y tế tới từ Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất và Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất để chăm lo sức khỏe cho bà con.
Nếu như các đợt trước khu cách ly chỉ phong tỏa 1 vòng thì lần này được chia thành 3 vòng nghiêm ngặt. Chỉ có các cán bộ, chiến sĩ đã mặc trang phục bảo hộ mới được tiếp xúc trực tiếp với người cách ly.
Trung đoàn trưởng Bùi Quang Hiệp cho biết, bà con vào cách ly đợt này có đủ các đối tượng độ tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh - 6 trẻ em từ sơ sinh đến 14 tuổi, 1 bà bầu, 6 người già trên 60 tuổi. Sự đa dạng này cũng khiến công tác quản lý, đáp ứng các nhu cầu của bà con khó khăn hơn đôi chút.
“Sự khác biệt về văn hóa giữa công dân trong nước và công dân từ nước ngoài trở về cũng dẫn đến một số khác biệt về ứng xử. Ví dụ như công dân từ nước ngoài trở về có thể do chưa hiểu về chính sách của Chính phủ nên đôi khi có những yêu cầu cao hơn. Tuy vậy, ý thức phòng dịch của họ lại tốt hơn”.
“Nhưng về cơ bản, bà con đều chấp hành tốt các quy định cách ly. Những ngày đầu tiên, mọi người hay chạy từ phòng này sang phòng kia, dãy này sang dãy kia. Nhưng sau khi được giải thích, tuyên truyền, hiện tượng này gần như không còn nữa”.
Anh Hiệp giải thích, việc người cách ly tiếp xúc gần với nhau cũng gây ra những phức tạp và kéo dài ngày cách ly của tất cả mọi người. Ví dụ như một người ở dãy 2 bỗng dưng bị phát hiện dương tính, mà người đó từng tiếp xúc với người ở dãy 1 thì ngay lập tức số ngày cách ly của cả 2 dãy được tính lại từ đầu.
Chính vì thế, hiện tại khi chưa xét nghiệm lần 2, bà con vẫn được khuyến khích giường nào ở giường đó, phòng nào ở phòng đó.
Khó khăn nhất vẫn là khâu động viên tinh thần bà con ở lại cách ly đủ 21 ngày bởi vì không có bất cứ trường hợp nào được đặc cách ra sớm, trừ khi trường hợp cấp cứu phải đưa lên bệnh viện tuyến trên.
“Trong những đợt cách ly trước, có cả các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, những người mắc bệnh hiểm nghèo từ nước ngoài về, có những người nải nỉ, khóc lóc xin về sớm vì người nhà đang ốm đau, qua đời… Có rất nhiều trường hợp mà chúng tôi phải xử lý, giải quyết sao cho thỏa đáng, nhưng chưa từng có một trường hợp nào được đặc cách ra ngoài trước thời gian quy định”.
Một cán bộ y tế chia sẻ, tâm lý, cảm xúc của các đoàn cách ly cũng rất khác nhau. “Có những bà con kiều bào, sau bao ngày trông ngóng được về nước, khi đã về được đến đây là họ rất vui mừng, phấn khởi mặc dù phải đi cách ly. Nhưng cũng có đoàn như đợt này - 100% là người dân trong nước đang làm ăn yên ổn, lại cận Tết, ai cũng sốt ruột, thậm chí là tức giận, chống đối khi bị đưa vào đây”.
Tuy nhiên, Trung đoàn phó Đỗ Đại Đồng cho biết, thường thì sau vài ngày, bà con tận mắt chứng kiến tinh thần phục vụ của các chiến sĩ, y bác sĩ, mọi người cũng thoải mái tinh thần hơn. “Có nhiều trường hợp phải đưa lên tuyến trên vì có triệu chứng nhưng sau phát hiện không phải do Covid, bà con lại làm đơn xin về doanh trại cách ly tiếp”.
“Có trường hợp một chị người TP.HCM cách ly xong, vài tháng sau bay ra Hà Nội, về tận đây thăm lại chúng tôi”.
Trung đoàn trưởng Bùi Quang Hiệp chia sẻ, nếu như so với nhiệm vụ huấn luyện tân binh, người vất vả nhất là các cán bộ tiểu đội, trung đội thì nhiệm vụ chống dịch, trung đoàn trưởng cũng phải giải quyết những nhu cầu nhỏ nhất của bà con.
“Có những cuộc gọi lúc 1-2 giờ sáng của bà con chỉ để đề nghị các anh cho người xuống nhắc nhở người cùng phòng vặn nhỏ tai nghe. Chuyện bà con đòi chuyển phòng là chuyện thường ngày, có thể là do mâu thuẫn, cũng có thể là do thấy người cùng phòng có nguy cơ hoặc biểu hiện mắc bệnh cao hơn mình”.
Cũng có người đề nghị được ở phòng riêng, cho ra khách sạn cách ly hoặc muốn cả gia đình mình được ở chung phòng.
“Tất nhiên, chúng tôi sẽ ưu tiên cho những gia đình có con nhỏ, người bệnh…, còn lại việc xếp phòng không có ưu ái cho đối tượng nào. Mọi người khi xuống xe, được xếp phòng lần lượt theo danh sách, đến khi nào đầy phòng thì dừng”.
Anh Hiệp kể, thậm chí có trường hợp người về từ nước ngoài có dấu hiệu trầm cảm, hỏi không nói, áp lực vì nợ nần nên đi trốn. “Chúng tôi tung hết cán bộ, chiến sĩ tìm 2 tiếng rưỡi không thấy đâu. Cuối cùng, tìm thấy anh ta trong nhà vệ sinh nữ. Sau đó, chúng tôi phải bố trí người giám sát thường xuyên, mời gia đình lên phối hợp cùng”.
Hoặc ngay cả chuyện bữa ăn cho bà con, anh em chiến sĩ cũng phải phục vụ rất nhiều yêu cầu đặc biệt. Nếu bữa sáng, người cách ly được chọn một trong số các món: cháo, mỳ tôm, bánh mỳ… thì bữa trưa và bữa tối ăn cơm. Nhưng có những người ăn chay, có người già, trẻ em, người đau răng thì ăn 3 bữa cháo, có người chỉ ăn thịt nạc, có người chỉ ăn một số món nhất định… “Nếu có thể, chúng tôi sẽ đáp ứng tốt nhất yêu cầu của bà con để bà con yên tâm cách ly những ngày sát Tết như thế này”.
Trung đoàn trưởng Bùi Quang Hiệp cho biết, nếu như bà con phải cách ly 21 ngày thì các chiến sĩ, cán bộ y tế còn phải cách ly nhiều hơn thế. “Có anh bác sĩ trẻ phải đi suốt từ năm ngoái đến năm nay, ăn ngủ nhiều tháng trời ở các điểm cách ly. Tất cả chúng ta đều đang cùng nhau cố gắng vì nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng, nên rất mong bà con khi không may phải vào đây hết sức hợp tác với chúng tôi để dịch bệnh sớm được kiểm soát và đẩy lùi”.
Video: Ca sĩ Minh Vương hát trong khu cách ly của Trung đoàn Pháo binh 58
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang