Trung Đông dậy sóng với kế hoạch hòa bình mới
Ngày 28-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố 'Kế hoạch hòa bình Trung Đông', kế hoạch mà ông cho rằng là một bước tiến lớn đối với hòa bình ở Trung Đông. Theo kế hoạch của Tổng thống Trump, Jerusalem sẽ tiếp tục là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Isarel.
Điều này lập tức vấp phải phản ứng tiêu cực của Palestine và nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều chuyên gia cảnh báo, tình hình Trung Đông sẽ tiếp tục diễn biến xấu.
"Giương đông kích tây"?
Kế hoạch hòa bình Trung Đông kêu gọi chính quyền Palestine trong vòng 4 năm tới sẽ đáp ứng các điều kiện cần do Mỹ đề xuất để một nhà nước Palestine độc lập được công nhận, bao gồm từ bỏ chủ nghĩa khủng bố, công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và thông qua các điều luật chống tham nhũng cũng như ngăn chặn các nhóm phiến quân Hồi giáo thánh chiến người Palestine và nhóm Hamas.
Bản kế hoạch 80 trang bao gồm 50 trang cho phần chính trị và 30 trang cho phần kinh tế. Phần kinh tế, theo đó các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp hơn 50 tỷ USD/năm để thúc đẩy kinh tế cho Palestine và các nước láng giềng Ai Cập, Jordan trong 10 năm tới, đã được công bố từ giữa năm ngoái. Mấu chốt của bản kế hoạch là phần chính trị, trong đó đề xuất giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột Israel và Palestine mà Tổng thống Trump gọi là “một cách thực tế”.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, Israel đã nhất trí rằng nước này sẽ ngừng xây dựng các khu định cư mới trong vòng 4 năm và rằng Palestine phải đáp ứng các yêu cầu về một nhà nước riêng. Ông Netanyahu nói rằng kế hoạch của Tổng thống Trump công nhận chủ quyền của Israel tại một phần khu vực Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan và tất cả cộng đồng người Do Thái tại Bờ Tây, mở rộng vùng lãnh thổ do Israel kiểm soát được Mỹ công nhận. Ông Netanyahu cũng lưu ý rằng kế hoạch này kêu gọi nhóm Hamas giải giáp vũ khí và phi quân sự hóa khu Bờ Tây, những đề xuất mà phía Palestine bác bỏ lâu nay.
Kế hoạch này đề xuất thành lập nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là một số khu vực ở Đông Jerusalem, kèm theo một số điều kiện nghiêm ngặt cụ thể. Tổng thống Trump cũng đưa ra một bản đồ đề xuất phác thảo hai nhà nước, theo đó Palestine sẽ có quyền kiểm soát vùng diện tích lãnh thổ lớn gấp đôi, xây dựng một đường hầm nối Bờ Tây và Dải Gaza.
Về phần Israel, theo kế hoạch, Mỹ sẽ công nhận các khu định cư của Israel xây dựng tại các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine tại khu Bờ Tây, những khu định cư Do Thái đang bị coi là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Đổi lại, Israel sẽ phải đồng ý dừng các hoạt động xây dựng khu định cư mới trong vòng 4 năm trong khi đàm phán vấn đề nhà nước Palestine. Đồng thời, Jerusalem sẽ tiếp tục “là thủ đô không chia cắt và vô cùng quan trọng của Israel”.
Phát biểu bên cạnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết bản kế hoạch dài 80 trang này là một kế hoạch hòa bình chi tiết nhất từ trước tới nay. Trong khi đó, không có quan chức Palestine nào tham dự sự kiện Mỹ công bố kế hoạch nói trên, mà chỉ có đại sứ các nước Oman, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tham dự.
Mặc dù ông Trump tuyên bố đây là "kế hoạch tốt" và "có sự ủng hộ về cơ bản đối với Palestine", song người dân Palestine đã kiên quyết bác bỏ kế hoạch này và chỉ trích Tổng thống Mỹ thiên vị Israel. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bác bỏ kế hoạch này. Ngoài ra, Palestine cũng không nhất trí với bất cứ điều kiện nào Mỹ đưa ra, thậm chí, đối với người Palestine, một số điều kiện còn bất khả thi.
Kế hoạch hòa bình của Mỹ ngay sau khi được công bố đã nhận được những phản ứng trái chiều từ các quốc gia trong khu vực. Trong khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ca ngợi kế hoạch này là "hướng đi thực tế tới hòa bình lâu dài" đảm bảo chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan thì nhiều nước bày tỏ hoài nghi và phản đối.
Thông báo về kế hoạch hòa bình Trung Đông được đưa ra trong bối cảnh tồn tại các vấn đề chính trị và pháp lý mà cả ông Netanyahu và ông Trump phải đối mặt. Kế hoạch này được khởi xướng cách đây hơn 3 năm, bắt nguồn từ các cuộc đàm phán về hòa bình Trung Đông trước đây của Mỹ, tránh đưa ra những đề xuất cụ thể về cách thức giải quyết các vấn đề nhạy cảm nhất liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine.
Kế hoạch này cho thấy Mỹ công nhận các tuyên bố về lãnh thổ của Israel, vượt xa so với các chính quyền Mỹ trước đây và xác nhận tính hợp lệ đối với quyền của Israel tại các khu vực tranh chấp.
Bản "thỏa thuận" mới không có gì mới
Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới bày tỏ, nếu mục tiêu của Mỹ đúng như Washington vẫn tuyên bố suốt 3 năm qua, là thông qua bản kế hoạch này thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Palestine và Israel, thì có vẻ “thỏa thuận thế kỷ” của Tổng thống Trump chưa đi đúng hướng.
Về mục tiêu chiến lược, Trung Đông chưa bao giờ giảm đi vai trò trong tổng thể chính sách đối ngoại dài hạn của Mỹ. Việc tiếp tục can dự, gây ảnh hưởng, nhất là trong những vấn đề phức tạp như cuộc xung đột Israel-Palestine sẽ giúp Mỹ duy trì được vai trò chủ chốt tại khu vực này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ - Nga, thậm chí là Mỹ - Trung Quốc ở Trung Đông trong vòng một thập niên qua trở nên quyết liệt hơn.
Có thể thấy cách tiếp cận của Tổng thống Trump đối với những vấn đề gai góc nhất của cuộc xung đột Trung Đông, bao gồm quy chế của Jerusalem, các khu định cư Do Thái hay các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng... không có gì mới. Nói đúng hơn, chính quyền của Tổng thống Trump đã “dọn đường” cho những chính sách này từ trước, khi lần lượt công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (tháng 12-2017), chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem (tháng 5-2018), công nhận Cao nguyên Golan thuộc chủ quyền Israel (tháng 3-2019) và mới nhất là ủng hộ Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở các vùng đất chiếm đóng của Palestine ở Bờ Tây.
Tất cả những động thái trên của Mỹ đều được đánh giá là thể hiện sự thiên vị đối với Israel, đều vấp phải sự phản đối gay gắt của Palestine và nhiều nước trên thế giới, đồng thời bị coi là rào cản khiến tiến trình hòa bình Trung Đông lún sâu vào bế tắc.
Khi “kế hoạch hòa bình Trung Đông” chỉ là phần tiếp nối của chính sách trên, rõ ràng việc thực thi “thỏa thuận thế kỷ” trở nên bất khả thi bởi Palestine luôn bác bỏ cách tiếp cận của Mỹ. Mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố đây là “kế hoạch tốt” và là “cơ hội lịch sử” để Palestine cuối cùng cũng thành lập được nhà nước độc lập, song cả giới lãnh đạo và người dân Palestine đều phản đối mạnh mẽ kế hoạch này khi cho rằng “thỏa thuận thế kỷ” sẽ hủy hoại triển vọng của một giải pháp đàm phán.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khẳng định người dân Palestine sẽ không chịu đầu hàng, đồng thời lên án thỏa thuận trên là một âm mưu, là “cái tát” nhằm vào tiến trình hòa bình Trung Đông. Palestine cũng cho rằng Mỹ muốn dùng lợi ích kinh tế như một "mồi nhử" để người dân quên đi tình trạng các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng và đây là cách để Mỹ áp đặt chính sách của mình đối với Palestine.
Cùng với Palestine, một số quốc gia khác như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran... cũng lên tiếng phản đối, cho rằng kế hoạch hòa bình của Mỹ đã “chết yểu” và coi đây là một kế hoạch thôn tính hủy hoại giải pháp hai nhà nước và cưỡng đoạt lãnh thổ Palestine. Cho tới nay, các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc đều hướng tới giải pháp công bằng, toàn diện và bền vững cho cuộc xung đột dai dẳng Israel/Palestine trên cơ sở nguyên tắc hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình, theo đó Israel phải rút khỏi vùng lãnh thổ đã chiếm đóng trái phép, Palestine thành lập một nhà nước độc lập theo đường biên giới trước năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô.
Tuy nhiên, kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump giữ lại tất cả các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây, cũng là những vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine sau cuộc chiến năm 1967, đây được cho là sự hậu thuẫn lớn thúc đẩy Tel Aviv tiếp tục theo đuổi tham vọng mở rộng vùng chiếm đóng.
...thêm củi vào lò
Nói cách khác, cách tiếp cận của Mỹ trong cuộc xung đột Trung Đông đã đi lệch khỏi lộ trình hòa bình đang được cộng đồng quốc tế theo đuổi nhằm đưa Palestine và Israel quay trở lại bàn đàm phán. Các giải pháp của Washington để giải quyết bài toán xung đột Trung Đông khó có thể mang tính khả thi và hàm chứa nhiều rủi ro.
Theo các nhà phân tích, một bản kế hoạch thiên lệch, không dựa trên sự cân bằng về lợi ích cho các bên mà chỉ nhằm phục vụ toan tính của Mỹ và Israel đương nhiên không thể tạo ra đột phá, thậm chí còn tiếp tục đẩy Trung Đông vốn đã rối ren càng lún sâu thêm vào khủng hoảng.
Khi bước vào Nhà Trắng năm 2017, ông Trump đã tạo ra những kỳ vọng lớn ở khu vực Trung Đông với tuyên bố ông sẽ đạt được thành công tại nơi những người tiền nhiệm của ông đã thất bại bằng việc làm trung gian cho một hiệp định hòa bình giữa người Do Thái và người Arab.
Nhằm làm nổi bật nỗ lực ngoại giao của mình, Tổng thống Trump đã chỉ định con rể Jared Kushner làm Cố vấn Nhà Trắng phụ trách khu vực Trung Đông. Trong 3 năm qua Kushner đã đi lại như con thoi giữa Jerusalem và các thủ đô lớn của Arab, gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập và có hàng giờ nói chuyện với Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Abbas cùng các cộng sự của hai ông này.
Vun đắp các mối quan hệ cá nhân chặt chẽ với Thái tử Mohammad bin Salman của Saudi Arabia và các nhà lãnh đạo khác của các nước Vùng Vịnh, ông Kushner đã thành công trong việc triệu tập hội nghị thượng đỉnh về kinh tế ở Bahrain hồi tháng 6-2019 đưa các doanh nhân Israel và Arab xích lại gần nhau. Sau đó là cam kết của Mỹ cung cấp 50 tỷ USD cho nhà nước Palestines trong tương lai.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đồng thời cũng tiến hành các bước đi mà người Palestine coi là những tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ đứng về phía Israel trong cuộc xung đột này, với việc công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel và ra lệnh chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, sau đó cắt giảm viện trợ cho chính quyền Palestine và đóng cửa Văn phòng đại diện của Palestine ở Washington; chưa nói đến quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với kẻ thù truyền kiếp của Israel là Iran.
Ngoài ra, chính quyền Mỹ còn bổ nhiệm David Friedman, nhân vật ủng hộ mạnh mẽ Likud, đảng cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu, làm Đại sứ Mỹ tại Israel. Nhiều người Palestine tỏ ra hoài nghi việc ông Kushner - người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái và là bạn thân của Thủ tướng Netanyahu - có thể là nhân vật trung gian trung thực trong giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.
Điều này, cùng với những điều khác, giải thích lý do tại sao ông Kushner đã không đạt được tiến bộ gì trong quá trình giải quyết các vấn đề then chốt nằm ở trung tâm của cuộc xung đột.
Các chuyên gia dự báo, về cơ bản người Palestine từ chối, thông điệp vẫn sẽ là Israel sẽ có được những gì họ muốn và Palestine tiếp tục ở vào tình trạnh tồi tệ hơn nữa. Rủi ro nằm ở chỗ người Palestine có thể sẽ càng tức giận. Tại khu vực dễ bùng cháy này của thế giới, đó là một nguy cơ lớn và rõ ràng kế hoạch hòa bình của ông Trump là một canh bạc không hề đơn giản.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/trung-dong-day-song-voi-ke-hoach-hoa-binh-moi-580342/