Trung Đông sau một năm xung đột Israel - Hamas

Cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 đã dẫn đến những biến động lớn ở Trung Đông. Một năm sau sự kiện, xung đột leo thang, ảnh hưởng không chỉ Trung Đông mà toàn thế giới.

Người dân Palestine sơ tán khỏi các khu vực ở miền Bắc Dải Gaza ngày 6/10

Người dân Palestine sơ tán khỏi các khu vực ở miền Bắc Dải Gaza ngày 6/10

Ngày 7/10/2023, các thành viên của Hamas đã bắn hàng nghìn quả tên lửa từ Dải Gaza vào Israel. Hơn 2.000 người có vũ trang đã tiến vào lãnh thổ nhà nước Do Thái tấn công nhiều thành phố. Cuộc tấn công bất ngờ đã dẫn đến cái chết của khoảng 1.200 người, bao gồm cả dân thường và những người tham gia lễ hội âm nhạc, đồng thời hơn 200 người bị bắt giữ làm con tin.

Để đáp trả cuộc tấn công, Israel đã ban bố tình trạng thiết quân luật lần đầu tiên kể từ năm 1973 và phát động Chiến dịch Thanh kiếm sắt, nhằm trả đũa các mục tiêu ở Gaza. Một năm sau sự kiện, xung đột leo thang, ảnh hưởng không chỉ Trung Đông mà toàn thế giới, gây chia rẽ cộng đồng quốc tế giữa những người ủng hộ phía Israel và những người chỉ trích Israel. Tác động của cuộc xung đột này tiếp tục đè nặng lên cả nền chính trị trong nước và quan hệ quốc tế của Israel.

Kỷ niệm một năm sau ngày 7/10/2023 ở Tel Aviv, bất chấp những lá cờ lễ hội và khẩu hiệu đoàn kết, Israel đang rơi vào tình trạng chia rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết. Gia đình các con tin kêu gọi chính phủ thực hiện các thỏa thuận để đưa con em họ về nước, ngụ ý chấm dứt cuộc chiến với Hamas, trong khi những người khác yêu cầu tiếp tục chiến đấu cho đến chiến thắng cuối cùng. Những quan điểm đối lập này càng làm nổi bật thêm sự chia rẽ trong xã hội. Ngay cả trước các sự kiện tháng 10, Israel đã chìm trong các cuộc biểu tình phản đối cải cách tư pháp do chính phủ của Benjamin Netanyahu đề xuất, dẫn đến sự chia rẽ trong dân chúng. Một năm sau, rạn nứt đó ngày càng mở rộng do chiến tranh, khi mỗi bên đều tìm cách bảo vệ lợi ích của mình trước tình trạng bất ổn đang diễn ra.

Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô Beirut, Liban ngày 29/9/2024. Ảnh: TTXVN

Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống ngoại ô Beirut, Liban ngày 29/9/2024. Ảnh: TTXVN

Trong bối cảnh căng thẳng với Hamas ở Dải Gaza tiếp tục leo thang, số phận của các con tin chưa có hồi kết, cuộc giao tranh đang diễn ra với Hezbollah ở phía bắc và sự di dời hàng nghìn người Israel đã đặt ra những câu hỏi về môi trường an ninh quốc gia của Israel. Theo khảo sát của Viện An ninh quốc gia Israel vào tháng 9/2024, 31% người Israel đánh giá mức độ an ninh của họ ở mức “thấp” hoặc “rất thấp”, trong khi chỉ 21% cảm thấy an toàn ở mức “cao” hoặc “rất cao”. Điều này cho thấy nỗi sợ hãi và lo lắng sâu sắc trong lòng người dân.

Ngay cả trước khi xảy ra sự kiện bi thảm vào tháng 10 năm 2023, Israel đã chứng kiến mức độ di cư gia tăng. Theo Cục Thống kê Trung ương, năm 2023 có nhiều người rời khỏi đất nước hơn những năm trước và dữ liệu sơ bộ năm 2024 cho thấy số lượng người di cư sẽ tiếp tục gia tăng. Bất chấp sự chia rẽ nội bộ ngày càng gia tăng, đường phố Israel vẫn tràn ngập những lời nhắc nhở về những người đã chết vào ngày 7/10 và trong cuộc giao tranh sau đó. Khuôn mặt, tên và câu chuyện của những người thiệt mạng có thể là điều cuối cùng đoàn kết người Israel trong thời điểm khó khăn này.

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại trụ sở ở New York (Mỹ), ngày 14/9/2023. Ảnh: TTXVN

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tại trụ sở ở New York (Mỹ), ngày 14/9/2023. Ảnh: TTXVN

Sự ủng hộ của quốc tế dành cho Israel đã thay đổi đáng kể từ sự kiện ngày 7/10/2023. Nếu như khi bắt đầu cuộc xung đột, nhiều quốc gia bày tỏ tình đoàn kết với nhà nước Do Thái, ủng hộ hành động của Israel chống lại Hamas, thì khi xung đột leo thang, số thương vong dân sự tăng lên và cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, sự đoàn kết này bắt đầu tan rã. Điều này được thể hiện rõ nhất ở châu Âu và châu Phi, nơi những lời chỉ trích lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày càng gia tăng.

Mỹ vẫn là đồng minh chính của Israel với việc Tổng thống Joe Biden liên tục khẳng định quyền tự vệ của nước này. Tuy nhiên, ngay cả ở Mỹ, các cuộc biểu tình chống lại quân đội Israel đã nổi lên, đặc biệt là trong giới hoạt động cánh tả và ở các thành phố có nhiều trường đại học. Điều này làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với quan điểm của Israel, gây ra sự chia rẽ trong chính nước Mỹ.

Ở châu Âu, các nước bắt đầu xem xét lại quan điểm của mình. Đức và Pháp ủng hộ Israel trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, nhưng khi giao tranh và thương vong dân sự ngày càng gia tăng, những lời chỉ trích đã xuất hiện. Một số quốc gia như Ireland và Tây Ban Nha công nhận Palestine là một quốc gia độc lập, điều này làm gia tăng áp lực lên Israel và các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine diễn ra ở các thành phố lớn ở châu Âu.

Nam Phi đã thực hiện một trong những bước đi nổi bật nhất bằng cách đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý quốc tế, cáo buộc nước này tội diệt chủng. Nam Phi cũng rút các nhà ngoại giao khỏi nhà nước Do Thái. Động thái này đã thu hút sự chú ý của các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico và Libya, những nước đã bày tỏ ý định hỗ trợ Nam Phi trong quá trình này.

Nga giữ thế cân bằng sau sự kiện ngày 7/10/2023. Tổng thống Vladimir Putin lên án chủ nghĩa khủng bố và bày tỏ lời chia buồn về những thương vong của Israel nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột. Moscow có truyền thống ủng hộ quyền tự quyết của người Palestine và kêu gọi thành lập hai nhà nước trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt bạo lực và bắt đầu đàm phán giữa các bên.

Quân đội Israel thực hiện một chiến dịch trên bộ quy mô lớn vào Gaza, đáp trả cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas ngày 7/10/2023. Ảnh: TTXVN

Quân đội Israel thực hiện một chiến dịch trên bộ quy mô lớn vào Gaza, đáp trả cuộc tấn công xuyên biên giới của Hamas ngày 7/10/2023. Ảnh: TTXVN

Các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối hành động của Israel diễn ra trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có cộng đồng Hồi giáo lớn như Indonesia và Pakistan. Những cuộc biểu tình này đi kèm với lời kêu gọi trừng phạt chống lại Israel và hành động quốc tế mạnh mẽ hơn để bảo vệ người Palestine.

Trong một năm qua, xung đột giữa các phe phái Israel và Palestine không những không lắng xuống mà còn lan rộng đáng kể, bao trùm toàn bộ Trung Đông. Các hoạt động quân sự ở Gaza, Israel từ chối đàm phán với Hamas và việc sát hại các thủ lĩnh Hezbollah chỉ làm gia tăng căng thẳng, đưa khu vực đến gần hơn với một cuộc chiến tranh toàn diện. Nỗ lực của các tổ chức quốc tế nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn đã không thành công và cuộc xung đột đang dần phát triển thành một cuộc khủng hoảng quốc tế.

Cái chết của các nhân vật như: người đứng đầu Bộ Chính trị Hamas Ismail Haniyeh và Tổng thư ký Hezbollah Hassan Nasrallah đã thúc đẩy các cuộc tấn công trả đũa từ Iran, quốc gia đã tấn công lãnh thổ Israel hai lần. Điều này làm tăng đáng kể khả năng xảy ra xung đột quân sự trực tiếp giữa các nước, có thể kéo các cường quốc thế giới khác vào cuộc xung đột.

Cộng đồng quốc tế đang theo sát và lo ngại những diễn biến căng thẳng tiếp theo. Mỹ, đồng minh chủ chốt của Israel, đã kêu gọi kiềm chế vì lo ngại hậu quả thảm khốc cho khu vực nếu xảy ra chiến tranh toàn diện. Washington nhận thức được sự nguy hiểm của một cuộc tấn công có thể xảy ra với Iran và đang cố gắng cân bằng giữa các nghĩa vụ liên minh với Israel và sự cần thiết phải tránh một cuộc xung đột quy mô lớn ở Trung Đông.

Còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải đối mặt với một tình thế khó xử. Một mặt, ông Netanyahu cố gắng duy trì quyền lực trong nước, nơi hoạt động của chính phủ đang bị phe đối lập chỉ trích gay gắt, cáo buộc chính phủ không bảo vệ công dân khỏi các mối đe dọa khủng bố. Mặt khác, ông Netanyahu cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của Iran trong khu vực, coi Tehran là mối đe dọa chính đối với an ninh của Israel. Sự bất ổn chính trị trong nhà nước Do Thái chỉ trở nên trầm trọng hơn bởi những thách thức bên ngoài.

Năm vừa qua đã không mang lại hòa bình cho Trung Đông mà chỉ làm gia tăng xung đột. Giao tranh ở Gaza, việc mở rộng chiến tranh sang Lebanon và căng thẳng gia tăng với Iran đặt ra mối đe dọa về một cuộc đối đầu toàn diện có thể lan rộng ra ngoài khu vực. Trong khi đó, những nỗ lực giải quyết ngoại giao vẫn chưa mang lại kết quả rõ ràng.

HÙNG ANH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/trung-dong-sau-mot-nam-xung-dot-israel-hamas-395160.html