Trung Đông: Thúc đẩy hợp tác thay vì đối đầu
Các chuyến thăm cấp cao mới đây giữa các quốc gia đối thủ ở Trung Đông cho thấy các mối quan hệ được cải thiện giữa các đối thủ sẽ không hẳn giúp xóa bỏ hoàn toàn các mâu thuẫn.
Ngược lại, các mối quan hệ được cải thiện sẽ giúp chiến trường khu vực tránh được các cuộc xung đột vũ trang tiềm ẩn, cho phép các đối thủ tiếp tục cạnh tranh trong khi tận hưởng các lợi ích của hợp tác kinh tế và thương mại cũng như các đường dây liên lạc giúp ngăn ngừa các tranh chấp và xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát.
Ngày 17-11, Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid Alzayani đã đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông có cuộc hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu về quan hệ song phương cũng như các diễn biến trong khu vực và quốc tế.
Hoàng Thái tử UAE tới Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực hàn gắn mối quan hệ căng thẳng.
Sau đó, ngày 24-11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiếp đón Hoàng thái tử Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác và đầu tư trong bối cảnh hai nước tiến tới sửa chữa quan hệ và thúc đẩy quan hệ kinh tế. Các thỏa thuận đã được ký kết trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Hoàng thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan, người được coi là nhà lãnh đạo trên thực tế và là nhân vật chủ chốt phụ trách về chính sách đối ngoại của UAE. Đây là chuyến đi chính thức đầu tiên của ông tới Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2012 và là chuyến thăm cấp cao nhất của một quan chức UAE kể từ khi quan hệ hai bên xuống mức thấp.
Sheikh Tahnoun bin Zayed Al Nahyan, anh trai của Hoàng thái tử và là Cố vấn an ninh quốc gia UAE, cũng đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8-2021 như một bước quan trọng đầu tiên để hàn gắn các mối quan hệ căng thẳng.
Hai chuyến thăm của các quan chức hàng đầu Vùng Vịnh được coi là “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới” và là bước ngoặt mang tính biểu tượng trong quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Bahrain và UAE - cả hai đều có mâu thuẫn với Ankara do bất đồng về các vấn đề từ Libya đến Syria, Ai Cập đến châu Phi.
Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và UAE rơi vào căng thẳng vì những cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ rằng UAE đã tài trợ cho một nỗ lực đảo chính quân sự bất thành hồi năm 2016 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và các UAE phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chính trị Hồi giáo, đặc biệt là Tổ chức Anh em Hồi giáo.
Thổ Nhĩ Kỳ và UAE cũng tham gia vào các cuộc chiến ủy nhiệm quân sự và chính trị ở Libya, Syria, Đông Địa Trung Hải và Pháp, nơi họ ủng hộ hai phe đối địch. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ Qatar trong suốt 3 năm rưỡi UAE-Saudi Arabia dẫn đầu nỗ lực tẩy chay kinh tế và ngoại giao với Qatar. Các biện pháp cô lập này đã được dỡ bỏ vào tháng 1-2021.
Năm ngoái, quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với hai quốc gia Vùng Vịnh càng thêm căng thẳng khi họ ký Hiệp định Abraham bình thường hóa quan hệ với Israel. Vì vậy, sẽ rất thú vị nếu theo dõi diễn biến của mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Israel, vốn cũng đang căng thẳng, sau chuyến thăm Ankara của các quan chức hai nước ký kết hiệp định.
Bầu không khí hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Vùng Vịnh cũng có thể có tác động đến Syria. Hiện có thông tin rằng Abu Dhabi quan tâm đến việc giúp khôi phục mối quan hệ của Ankara với Damascus. Mới đây, Hoàng thái tử UAE đã có cuộc gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Syria Bashar Assad tại Damascus và điện đàm với Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian.
Mối quan hệ được cải thiện giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Vùng Vịnh là kết quả của một số yếu tố trong nước, khu vực và quốc tế. Trên bình diện quốc tế, nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến các nước này không chỉ đặt câu hỏi về cam kết an ninh của Mỹ mà còn nêu bật tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác khu vực như họ từng làm trong thời kỳ trước năm 2011.
Ở cấp độ khu vực, Tuyên bố AlUla - được ký kết hồi tháng 1-2021 để chấm dứt mâu thuẫn giữa các nước Vùng Vịnh và Qatar - đã tạo thêm động lực cho Ankara trong việc phá băng với các nước Vùng Vịnh. Ở cấp độ trong nước, tình hình kinh tế bấp bênh của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như những lo ngại về an ninh và kinh tế của các quốc gia Vùng Vịnh và nhu cầu đầu tư phù hợp với tầm nhìn của họ, đã là động lực thúc đẩy mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-UAE và Thổ Nhĩ Kỳ-Bahrain.
Trong khi đó, UAE dường như đang nỗ lực để lấy lại vị thế kinh tế bên trong Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng có thể liên quan đến chiến lược của họ khi đối mặt với bất kỳ chính phủ mới nào trong tương lai ở Thổ Nhĩ Kỳ nếu đảng cầm quyền hiện tại mất quyền lực. Ngoài ra, hai cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra có thể ảnh hưởng đến bầu không khí hòa giải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Vùng Vịnh: Thứ nhất là cuộc bầu cử dự kiến vào năm 2023 ở Thổ Nhĩ Kỳ và thứ hai là cuộc bầu cử ở Mỹ dự kiến vào năm 2024.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia Vùng Vịnh vẫn đang trong quá trình phòng ngừa rủi ro và hiệu chỉnh dựa trên các chính sách mới của chính quyền Biden và các diễn biến trong khu vực. Nền tảng căn bản của quá trình này là chủ nghĩa thực tế, vì các bên dường như quyết tâm gạt tư tưởng sang một bên và tập trung vào kinh tế và duy trì can dự ngoại giao để đạt được lợi ích vững chắc.
Nhà phân tích Yusuf Erim của Thổ Nhĩ Kỳ nhận định: "Tất cả các quốc gia này hiện đang cải tổ chính sách của họ và chuẩn bị cho sự can dự ít hơn của Mỹ. Họ hiểu rằng họ cần phải đóng vai trò chủ động hơn với các nước láng giềng. Cho dù ai nắm quyền tại Mỹ đi chăng nữa, các động lực dẫn đến làn sóng quan hệ hợp tác và những luồng gió ấm hơn giữa các quốc gia này vẫn phát huy tác dụng".
Các cuộc đàm phán gần đây cho thấy rằng các quốc gia Trung Đông đã kết thúc kỷ nguyên của chính trị cứng rắn dựa trên quân sự và chính sách đối ngoại do ý thức hệ định hướng và giờ đây tập trung nhiều hơn vào chủ nghĩa thực dụng dựa trên lợi ích.