Trung Đông tìm kiếm người hòa giải khi Israel tấn công Gaza

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi chấm dứt ngay cuộc giao tranh ở Gaza. Nhưng lệnh ngừng sẽ chỉ tồn tại khi được kết hợp với các cuộc đàm phán rộng lớn hơn. Câu hỏi đặt ra là cơ quan hoặc chính phủ quốc tế nào có thể đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc đàm phán như vậy?

Một vụ không kích của Israel vào Gaza. Ảnh: AFP

Bài liên quan

Giữa xung đột Israel-Gaza, một giải pháp hai nhà nước dường như không tưởng

Xung đột Israel-Gaza leo thang chết chóc, bất chấp những nỗ lực ngoại giao

Ngoại trưởng Mỹ thảo luận với các ngoại trưởng Qatar, Ai Cập, Ả Rập Xê Út về tình hình Gaza

Liên hợp quốc lo lắng trước các đòn không kích Gaza của Israel

Liên Hợp Quốc

Ông Guterres cho biết Liên Hợp Quốc đang tích cực lôi kéo tất cả các bên tiến tới một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và kêu gọi chính phủ Israel và tổ chức Hamas cho phép các nỗ lực hòa giải tăng cường và thành công. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc đã phải vật lộn để thực hiện vai trò giải quyết xung đột về mặt ngoại giao trong trường hợp Israel-Palestine vì sự ngăn cản của Mỹ trong Hội đồng Bảo an.

Tại một cuộc họp vào Chủ nhật (16/5), các thành viên hội đồng đã lên án bạo lực nhưng không đồng ý về một tuyên bố công khai. Trung Quốc, chủ tịch đương nhiệm của Hội đồng Bảo an, đã đổ lỗi cho Mỹ, nước duy nhất chống lại biện pháp này. Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về vấn đề này.

Mỹ trước đây đã sử dụng quyền phủ quyết và ghế trong Hội đồng Bảo an để ngăn chặn các nghị quyết và tuyên bố về Israel. Israel là đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông và Mỹ là nước cung cấp thiết bị và viện trợ quân sự quan trọng cho nước này. Mối quan hệ đó luôn tạo cho Mỹ động cơ đáng kể để ngăn đưa Israel vào bàn đàm phán vào những thời điểm xung đột gia tăng.

Mỹ

Mối quan hệ Mỹ-Israel đạt đến đỉnh cao mới trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, người đã thực hiện các biện pháp ủng hộ người Israel, bao gồm chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Chính quyền Biden dường như đã bị sa lưới bởi sự leo thang gần đây nhất của cuộc xung đột. Tổng thống đương nhiệm đã không có ý định ưu tiên vấn đề này sau khi các chính quyền trước đây đã không đạt được thành công. Mỹ hiện không có đại sứ tại Israel.

Hiện trường vụ không kích vào Gaza. Ảnh: AFP

Hôm thứ Bảy (15/5), ông Biden đã nói chuyện riêng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas. Đặc phái viên của ông, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề Israel-Palestine Hady Amr, cũng đã đến Tel Aviv cùng ngày.

Liên đoàn Ả Rập kêu gọi Mỹ đóng một vai trò tích cực hơn trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Vẫn chưa rõ chính quyền ông Biden có thể đưa ra một kế hoạch khả thi cho cuộc xung đột trong thời gian ngắn hay không vì vốn đây không phải là một trong những ưu tiên của họ.

Liên minh châu âu

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu, ông Josep Borrell, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức bạo lực ở Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine. Các Ngoại trưởng EU sẽ gặp nhau vào thứ Ba (18/5) để thảo luận về các sự kiện gần đây.

Ông Borrell cho biết ông đã liên lạc với các thành viên của Bộ tứ Trung Đông, bao gồm Liên hợp quốc, Mỹ, EU và Nga trong một nỗ lực làm rõ tình hình.

Theo truyền thống, Liên minh châu Âu không đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông và thay vào đó tập trung vào viện trợ nhân đạo. EU là nhà tài trợ độc lập lớn nhất cho Chính quyền Palestine. Thông qua bộ phận viện trợ nhân đạo, Ủy ban châu Âu đã gửi tổng cộng 700 triệu euro cho Dải Gaza và Bờ Tây kể từ năm 2000.

Tên lửa không kích của Israel. Ảnh: AFP

Ông Norbert Röttgen, chủ tịch ủy ban chính sách đối ngoại của Bundestag, nói đài truyền hình Deutschlandfunk hôm thứ Sáu (14/5) rằng, "Mỹ đang đóng một vai trò tích cực. Họ ngay lập tức cử đại diện Bộ Ngoại giao về vấn đề này". Ông cho biết EU thực tế không đóng vai trò gì và chủ yếu có thể đóng góp bằng cách tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo.

Ai Cập

Các cơ quan tình báo ở Ai Cập, quốc gia giáp với Israel về phía tây, vẫn có mối liên hệ tốt với Hamas. Cuối tuần qua, Ai Cập đã đóng một vai trò trong nỗ lực hòa giải cùng với LHQ và Qatar để đàm phán về một lệnh ngừng bắn kéo dài hai giờ để cho phép vận chuyển nhiên liệu đến cơ sở điện duy nhất của Gaza. Nỗ lực này đã thất bại sau khi Israel tấn công nhà của thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar.

Hôm thứ Tư (12/5), một phái đoàn Ai Cập đã gặp gỡ các nhóm người Palestine Hồi giáo ở Gaza trước khi đến Tel Aviv vào một ngày sau đó. Các nhà lãnh đạo Israel cho đến nay đã từ chối một thỏa thuận ngừng bắn, chính phủ Ai Cập cho hay.

Hôm Chủ nhật (16/5), ông Netanyahu dường như xác nhận rằng ông không tìm kiếm một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.

Ông nói với đài truyền hình Mỹ CBS rằng, "Chúng tôi đang cố gắng làm suy giảm khả năng khủng bố của Hamas và làm suy giảm ý chí của họ. Vì vậy, điều này sẽ mất một thời gian. Việc ngừng bắn có thể sẽ không diễn ra ngay lập tức".

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-dong-tim-kiem-nguoi-hoa-giai-khi-israel-tan-cong-gaza-post134075.html