Trung Đông và trật tự chính trị thế giới hiện nay
Cuộc xung đột Israel - Hamas tại Dải Gaza leo thang căng thẳng từ đầu tháng 10/2023. Cuộc chiến tranh Israel - Iran treo lơ lửng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ngay tại Thủ đô Tehran. Xung đột tại miền Nam Lebanon giữa Israel và Hezbollah đang bước vào giai đoạn mới. Giới quan sát lo ngại Trung Đông đã trượt dốc không thể tránh khỏi và hướng tới cuộc chiến tranh trên diện rộng tại khu vực. Tuy nhiên, đến nay hiện trạng tại Trung Đông về cơ bản vẫn được giữ nguyên, và điều này cũng phản ánh cục diện chính trị thế giới hiện nay.
Trong những tháng gần đây, Israel đã nhiều lần thể hiện sự sẵn sàng leo thang bằng các cuộc tấn công nhằm vào các nhân vật mang tính biểu tượng của đối thủ. Ngày 1/4, Không quân Israel đã phá hủy một tòa nhà cạnh đại sứ quán Iran ở Damascus, khiến 16 người thiệt mạng, trong đó có một trong những chỉ huy quân sự hàng đầu của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, Mohammad Reza Zahedi.
Vào ngày 30/7, đặc vụ cấp cao của Hezbollah, Fouad Shukr, đã bị giết ở ngoại ô Beirut. Ngày 31/7, người đứng đầu bộ chính trị Hamas Ismail Haniyeh cũng bị giết ở Tehran (Israel phủ nhận trách nhiệm về vụ ám sát).
Gần đây nhất, xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon lan rộng sau các vụ nổ máy nhắn tin, bộ đàm và thiết bị điện tử ở Lebanon vào 2 ngày 17-18/9 trước đó.
Trong tất cả các trường hợp này, các chuyên gia bắt đầu nói về sự gia tăng mạnh mẽ của nguy cơ leo thang. Nhưng phản ứng của giới lãnh đạo Iran trước những hành động này lại tỏ ra kiềm chế một cách đáng ngạc nhiên (giống như phản ứng trước đó của Tehran trước vụ quân đội Mỹ ám sát Thiếu tướng Qasem Soleimani vào đầu năm 2020 ở ngoại ô Baghdad).
Mặc dù nguy cơ một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông bùng phát gần 1 năm trước từ Dải Gaza, nhưng bản thân “quả bom” ở khu vực chưa bao giờ phát nổ. Hiện có 3 nguyên nhân giải thích cho hiện trạng này.
Thứ nhất, bản chất đặc biệt của phong trào Hamas, vốn gây nhiều tranh cãi trong thế giới Ả Rập. Hamas không được ưa chuộng ở Cairo, nơi giới lãnh đạo nước này đưa ra sự tương đồng giữa những người Palestine cấp tiến và Tổ chức Anh em Hồi giáo. Damascus sẽ không quên rằng khi bắt đầu cuộc nội chiến ở Syria, Hamas đã không ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad mà là phe đối lập chính trị. Tương tự cũng còn những bất đồng quan điểm của các nước Vùng Vịnh liên quan đến phong trào Hamas.
Thứ hai, tất cả các bên tham gia trong khu vực đều chịu áp lực từ cộng đồng quốc tế, mà vì nhiều lý do, cộng đồng này không muốn leo thang xung đột ở Trung Đông. Mỹ không cần một cuộc chiến tranh lớn ở Trung Đông với kết quả không rõ ràng, đặc biệt là trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, và do đó Washington hiện nỗ lực duy trì hiện trạng khu vực. Trung Quốc không mong muốn một cuộc chiến tranh xảy ra ở khu vực, vì lo ngại sẽ làm tăng mạnh giá hydrocarbon trên thế giới và tạo ra nhiều vấn đề về vận tải, hậu cần cho Bắc Kinh.
Moscow có lẽ có thể trông cậy vào một số lợi ích chiến thuật từ cuộc xung đột lớn ở Trung Đông, bởi phương Tây sẽ phải rời xa Ukraine trong một thời gian và giá dầu, khí đốt của Nga sẽ đạt mức cao. Nhưng hậu quả tiêu cực của sự bất ổn lâu dài tại một khu vực rất quan trọng đối với Nga là lớn hơn bất kỳ lợi ích chiến thuật nào. Không phải ngẫu nhiên mà tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas hôm 13/8, Tổng thống Vladimir Putin đã nhấn mạnh mong muốn của Moscow trong việc ngăn chặn leo thang hơn nữa và thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề Palestine.
Thứ ba, các nước trong khu vực chưa sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện ở Trung Đông bởi mức độ rủi ro là rất cao. Tất nhiên, kể từ tháng 10/2023, cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Trung Đông nhận được thêm động lực mạnh mẽ và nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra gay gắt thời gian tới. Những luận điệu chống Israel của quân đội - không chỉ ở các nước Ả Rập, mà còn ở Iran và Thổ Nhĩ Kỳ - cũng vẫn còn. Những cuộc tấn công nhỏ lẻ - cả theo kế hoạch và tình cờ - sẽ tiếp tục. Nhưng một cuộc chiến lớn lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Cũng không phải vì tất cả các nhà lãnh đạo ở Trung Đông đều xuất phát từ chủ nghĩa nhân văn, hòa bình, mà bởi vì thực tế không ai trong số họ ngày nay có thể hoàn toàn tự tin vào khả năng và sự ổn định của chính mình. Xã hội Trung Đông đã thay đổi nhiều trong 40 năm qua, và khu vực đã đi quá xa theo hướng hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà những người kiên quyết ủng hộ leo thang lại là người Houthis, những người ít bị ảnh hưởng nhất bởi các giá trị và lối sống hiện đại ở Trung Đông. Có khả năng là ngay cả ở Iran, người dân nước cũng không muốn phải trả giá bằng chính máu của mình cho những quyết định của giới tinh hoa chính trị và quân sự dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn trong khu vực. Dù thế nào đi nữa, chiến thắng của ứng cử viên “cải cách” duy nhất Masoud Pezeshkian trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua là một tín hiệu rõ ràng từ xã hội đến giới lãnh đạo Iran rằng xã hội này muốn hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế chứ không phải “sa lầy” vào các cuộc xung đột quân sự.
Ngay cả Israel cũng không nằm ngoài quy luật này bất chấp những phát biểu cứng rắn của nội các quân sự nước này. Chi phí liên quan đến hoạt động ở Gaza đã vượt quá 60 tỷ USD; thâm hụt ngân sách, chính phủ phải tăng thuế và cắt giảm các chương trình xã hội là điều khó tránh khỏi ở Israel. Việc khơi mào một cuộc chiến tranh toàn diện sẽ khiến hậu quả có nó còn kéo dài. Và quan trọng nhất, như kinh nghiệm của chiến dịch ở Dải Gaza một lần nữa cho thấy, bắt đầu chiến tranh thì dễ nhưng kết thúc chiến tranh lại rất khó. Có được một Gaza thứ hai ở Bờ Tây hoặc miền nam Lebanon rõ ràng không phải là viễn cảnh hấp dẫn nhất, ngay cả đối với một chính trị gia quyết đoán như Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu. Thay vào đó, ông Netanyahu cần duy trì tình trạng căng thẳng như hiện nay ở Dải Gaza và miền Nam Lebanon để hướng lái dư luận khỏi những vấn đề trong nước.
Có thể thấy, tình hình hiện nay ở Trung Đông phản ánh tình hình chung của cục diện chính trị thế giới. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine ngày 24/2/2022, nhiều chuyên gia lo ngại rằng “thế giới đang bước vào kỷ nguyên mới của những cuộc chiến tranh lớn”, và cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây chắc chắn sẽ dẫn đến phản ứng dây chuyền xung đột vũ trang lớn trên khắp thế giới. Không ít dự báo về một cuộc xung đột giữa Mỹ - Trung Quốc liên quan đến vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), một cuộc đối đầu vũ trang giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở dãy Himalaya hay Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir, sự leo thang nhanh chóng trên Bán đảo Triều Tiên, nhiều cuộc xung đột mới ở các khu vực khác nhau ở châu Phi...
May mắn thay, chưa có điều nào ở trên xảy ra. Các cuộc xung đột vẫn chỉ diễn ra ở cường độ thấp hơn mức chiến tranh truyền thống. Hệ thống quốc tế, mặc dù lung lay, nhưng phần lớn vẫn còn nguyên vẹn. Tất nhiên, còn quá sớm để có thể lạc quan, bởi các cuộc xung đột có thể bùng phát bất cứ lúc nào và hầu hết mọi nơi đều có rất nhiều “điểm nóng”, mức độ tin cậy và thậm chí cả sự giao tiếp đơn giản giữa các cường quốc đã giảm xuống gần như bằng không. Trong tình hình quốc tế ngày nay, bất kỳ kịch bản tiêu cực nào cũng có thể xảy ra, ngay cả những kịch bản tồi tệ nhất. Và sự bất ổn này hiện đã hiện diện đầy đủ ở Trung Đông. Nhưng không phải là không có hy vọng về một quá trình chuyển đổi sang trật tự thế giới mới theo những hình thức ít tàn phá hơn và ít tốn kém hơn cho nhân loại, và điều quan trọng nhất vẫn là sự tin cậy, duy trì lòng tin chính trị giữa các cường quốc.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trung-dong-va-trat-tu-chinh-tri-the-gioi-hien-nay-225655.htm