Trung du miền núi Bắc Bộ sẽ có hội đồng điều phối vùng
Sau Đồng bằng sông Cửu Long, cơ chế hội đồng điều phối vùng cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đang được Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ.
Hình mẫu phát triển xanh của cả nước
Trung du miền núi Bắc Bộ là vùng kinh tế xã hội có diện tích lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 35% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Đây là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, có vị trí chiến lược về chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Trung du miền núi Bắc Bộ cũng được biết đến là vùng có kinh tế khó khăn bậc nhất cả nước, với quy mô kinh tế nhỏ, cơ cấu chưa hiện đại, tốc độ chuyển dịch kinh tế và thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo lại ở mức cao.
Những khó khăn của khu vực này đến từ điều kiện tự nhiên với địa hình không thuận lợi, khó phát triển cơ sở hạ tầng. Mặt khác, đây cũng là khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Nhà nước còn gặp phải không ít cản trở.
Tuy nhiên, trung du và miền núi Bắc Bộ cũng có những lợi thế riêng. Đó là sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng và phong phú về văn hóa truyền thống dân tộc. Khu vực này cũng có nhiều thuận lợi để phát triển những ngành kinh tế hướng đến phát triển bền vững như các giải pháp lưu giữ carbon dựa vào tự nhiên; nông nghiệp tuần hoàn công nghệ cao; du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…
Xác định được những khó khăn và lợi thế của trung du miền núi Bắc Bộ, Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đưa vùng này trở thành hình mẫu về phát triển xanh của cả nước. Bên cạnh đó, mục tiêu phát triển kinh tế của vùng cũng được gắn chặt với mục tiêu về đảm bảo quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Cơ chế hội đồng vùng
Những nhiệm vụ, mục tiêu được đặt ra cho vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đều mang tính chất “vùng”, tức là cần một cơ chế chung để các địa phương cùng hợp tác hành động thay vì “mệnh ai nấy chạy”. Tuy nhiên, trong suốt nhiều năm qua, gần như chưa có cơ chế liên kết vùng cho khu vực này.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Duy Đông cho biết, trước đây đã thành lập Ban chỉ đạo Tây Bắc, đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, có sự tham gia của Phó thủ tướng, đại diện lãnh đạo các địa phương và đại diện các bộ, ngành. Ban chỉ đạo Tây Bắc có nhiệm vụ điều phối hoạt động của vùng, đặc biệt là cơ chế liên kết vùng.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Tây Bắc, cùng với 2 ban chỉ đạo khác cho vùng Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đều không tạo ra tác động mang tính thực chất do chưa rõ ràng về nguồn lực và cơ chế hoạt động. Vì vậy, sau khi tổng kết hoạt động, 3 ban chỉ đạo này không được thành lập nữa.
Cơ chế quản trị vùng ‘để 13 tỉnh cùng nhìn về một hướng’
“Sau khi Ban chỉ đạo Tây Bắc không còn được thành lập, có thể nói vùng trung du và miền núi phía Bắc không còn cơ chế nào để liên kết vùng”, Thứ trưởng cho biết.
Để thực hiện được những nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra cho vùng, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng và trình Chính phủ quy chế hoạt động của hội đồng vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Theo Thứ trưởng, hiện tại, quy chế hoạt động của hội đồng điều phối vùng đang trong quá trình xin ý kiến của các bộ, ngành trước khi trình Chính phủ.
Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi Bắc Bộ được xây dựng tương tự như Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình này giúp giải quyết nhiều khúc mắc trong cơ chế liên kết vùng, từ đó huy động được nguồn lực để giải quyết các vấn đề chung.