Trứng dư thừa vẫn cho nhập khẩu
ANTĐ - Chăn nuôi trong nước đang đứng trước nguy cơ 'sụp đổ', thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi tháng vì giá các sản phẩm giảm mạnh. Bộ Công Thương vừa công bố hạn ngạch nhập khẩu trứng gia cầm, từ nay tới cuối năm sẽ nhập 40.000 tá (gần 500.000 quả). Việc công bố hạn ngạch này liệu có tiếp tay đẩy ngành chăn nuôi đến bên vực phá sản?
Thị trường đang thừa trứng nhưng vẫn phải nhập “ngoại”
Lượng tăng, giá còn một nửa
Vào tháng 7, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phương án giải cứu “khẩn” ngành chăn nuôi trong nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua một số chính sách cấp bách nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp nhất (11%) cho các hộ gia đình, trang trại, HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm; nuôi cá tra, chế biến cá tra xuất khẩu. Tuy nhiên, trong khi chỉ đạo của Thủ tướng chưa triển khai kịp đến nông dân thì người chăn nuôi lại phải đối mặt với hạn ngạch nhập khẩu trứng gia cầm mới đây của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mặt hàng trứng gia cầm các loại đã giảm đến 47-48%, nhưng sản lượng trứng lại tăng gần 5% so với cùng kỳ. Người chăn nuôi rơi vào cảnh khốn cùng. “Không xuất trứng thì ùn ứ, không thể bảo quản lâu dài mặt hàng này được, nhưng xuất thì lỗ vốn”, ông Sơn nói. Chăn nuôi gặp khó khăn, giá giảm, không đủ vốn tái đầu tư nên nhiều nơi phải “treo” chuồng trại, giảm đàn.
Anh Đỗ Lừng, chủ trang trại chăn nuôi ở thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, Chương Mỹ (Hà Nội) chỉ biết thở dài khi đề cập đến tình hình chăn nuôi hiện nay: “Chán lắm, hiện, các khoang chuồng nuôi gà của gia đình đã “treo” cách đây vài tháng. Vịt cũng chỉ còn nuôi một ít để lấy trứng ấp giống, không làm thương phẩm nữa. Anh Lừng cho biết, khoản lỗ gần 70 triệu đồng do nuôi vịt thương phẩm, cộng thêm trứng gia cầm mất giá vừa qua khiến anh phải đóng cửa. “Khoảng nửa tháng nay, giá trứng gia cầm các loại đã nhúc nhích lên được vài trăm đồng/quả. Hiện, trứng gà công nghiệp 1.200-1.300 đồng/quả; trứng vịt 2.200-2.300 đồng/quả. Mức giá này người nuôi vẫn lỗ. Cuối năm, chắc giá sẽ tăng hơn”, anh Lừng hy vọng.
Trứng tiếp tục bị phá giá?
Hàng triệu người chăn nuôi và các chủ trại, doanh nghiệp như anh Lừng chưa kịp mừng thì nay lại đang lo âu khi Bộ Công Thương công bố cho nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2012 gần 500.000 quả trứng “ngoại”, bắt đầu từ tháng 8-2012.
Lý giải về chủ trương trên, bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: “Theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO thì có 4 mặt hàng phải có hạn ngạch thuế quan, trong đó có trứng gia cầm. Mức nhập 40.000 tá là nằm trong quy định”. Tuy nhiên, bà Hà cũng nhìn nhận, hiện nguồn trứng gia cầm trong nước rất dồi dào, thậm chí, cung cao hơn cầu. Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Thành Biên chia sẻ: “Đúng là vào thời điểm này, công bố nhập khẩu trứng là rất phản cảm về mặt xã hội trong điều kiện trứng trong nước đang dư thừa, người nông dân không bán được sản phẩm”. Nhưng, ông Biên cũng trấn an rằng, trứng gia cầm hầu như không doanh nghiệp nào nhập về. Bởi vậy, việc phân giao hạn ngạch trứng sẽ không ảnh hưởng tới sản xuất và người chăn nuôi trong nước(?)
Theo ông Nguyễn Đức Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện mặt hàng trứng cung đang vượt cầu, nên giá thành thấp, khiến người chăn nuôi chịu lỗ khoảng 500 đồng/quả. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi dự báo sẽ còn tiếp tục tăng ít nhất là một đợt nữa từ nay tới cuối năm sẽ càng làm cho ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn hơn. “Việc công bố thông tin nhập 40.000 tá trứng, cũng có thể làm phá giá mặt hàng trứng tại thị trường nước ta, làm ảnh hưởng tới người chăn nuôi. Theo tôi, chúng ta cần có nghiên cứu thêm các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu mặt hàng trứng trong thời điểm hiện tại, nếu không, người dân sẽ còn thua lỗ hơn nữa”, ông Trọng nêu ý kiến.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/trung-du-thua-van-cho-nhap-khau-post143496.antd