Trung du và miền núi Bắc Bộ cần được đầu tư hạ tầng và nhân lực

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

“Tập trung cho công tác quy hoạch vùng. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương” đó là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW về phát triển vùng trung du và miền núi Bắc Bộ diễn ra mới đây tại Lào Cai.

Tiềm năng lớn nhưng còn trông chờ, ỷ lại

Trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng “phên dậu” và “lá phổi” của Tổ quốc, là an toàn khu, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, là vùng có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững, tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Xác định được vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng này, phát triển vùng luôn luôn được chú trọng, là chủ trương xuyêt suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế, nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 26-KL/TW, vùng trung du và miền núi Bắc bộ (TD&MNBB) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện đã làm thay đổi tích cực diện mạo của vùng. Kinh tế tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; bước đầu phát triển sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, đến nay vùng TD&MNBB vẫn là vùng khó khăn nhất cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, vùng còn khó khăn chủ yếu là do giao thông kết nối hạn chế. Đường bộ quốc gia có tuy 11 tuyến cao tốc, và đây là phương thức vận tải chủ yếu, quan trọng nhất, giữ vai trò kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội, kết nối liên tỉnh, kết nối các cửa khẩu quốc tế (Trung Quốc, Lào), nhưng còn nhỏ hẹp. Đường sắt cũng nhỏ hẹp. Về đường hàng không có Cảng hàng không Điện Biên nhưng đang khai thác hạn chế, Cảng hàng không Nà Sản xuống cấp nên đã tạm dừng khai thác; mạng lưới đường tỉnh có quy mô và chất lượng thấp.

Vùng trung du và miền núi Bắc bộ là địa bàn chiến lược kinh tế đặc biệt quan trọng cần được đầu tư hạ tầng và nhân lực.

Vùng trung du và miền núi Bắc bộ là địa bàn chiến lược kinh tế đặc biệt quan trọng cần được đầu tư hạ tầng và nhân lực.

Bí thư tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết, vùng TD&MNBB là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, giàu tài nguyên và có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả Bắc Bộ, nhưng đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Nguyên nhân được thẳng thắn nhìn nhận là “chưa khai thác được nhiều nguồn lực, thiếu thể chế cho liên kết”. Vì vậy, cần tìm ra những giải pháp mạnh mẽ, đột phá để vừa “tạo thêm”, vừa “tạo mới” động lực để “phẳng hóa vùng trũng”, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra câu hỏi và lý giải nguyên nhân vì sao tiềm năng lớn mà lại chưa phát huy được là do cơ chế. Và đây chính là mâu thuẫn phát triển ở nhiều vùng. Ở một góc độ khác, Thủ tướng chỉ rõ rằng, chưa phát triển được vì còn trông chờ, ỷ lại vào Trung ương.

Quy hoạch phải đi trước một bước

Thủ tướng nhấn mạnh: “Thể chế, chính sách phải là do chúng ta. Phải làm sao biến không thành có, biến cái không thể thành có thể. Khó như chống quân xâm lược, giải phóng đất nước cha ông ta còn làm được. Phải tự tin đi lên, vì có tiềm năng, có nhân dân ủng hộ, có bạn bè quốc tế hỗ trợ”.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, phải tập trung cho công tác chống dịch, đầu tư cho hệ thống y tế; tập trung cho công tác quy hoạch vùng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phải tập trung làm. Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; tập trung cho giải ngân vốn đầu tư công, để có thể phát triển hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó có đầu tư cho sân bay.

Quốc hội đã ủng hộ, dành gần 1 triệu tỷ đồng cho hạ tầng giao thông ở các tỉnh, do vậy, các địa phương phải tập trung làm. Đồng thời, huy động nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước làm cú hích để kêu gọi đầu tư của tư nhân, đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư PPP; tập trung cho phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, vì hiện nay, năng suất lao động còn thấp. Đầu tư cho hạ tầng, cho nhân lực chính là đầu tư cho phát triển. Phải quan tâm tới “tam an”, là an ninh trật tự, an dân, an sinh. Đồng thời, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đây là nhiệm vụ rất quan trọng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cam kết sẽ cố gắng thực hiện tốt nhất Chương trình hành động của Chính phủ, đưa vùng TD&MNBB phát triển bền vững trong thời gian tới.

“Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, cùng với các tiềm năng, cơ hội và với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong vùng, chúng ta có thể biến khó khăn, thách thức thành cơ hội mới, biến những tiềm năng, lợi thế thành động lực phát triển để vùng TD&MNBB thực sự phát triển đột phá, đón nhận làn sóng đầu tư mới, đạt được mục tiêu phát triển xanh, bền vững và toàn diện trong thời kỳ tới, người dân được hạnh phúc với một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Vân Hồng/BáoTNVN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/trung-du-va-mien-nui-bac-bo-can-duoc-dau-tu-ha-tang-va-nhan-luc-post967024.vov