Trung hiếu bên Người

Vinh dự được thực hiện nhiệm vụ đặc biệt và vô cùng thiêng liêng là chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác Hồ, các thế hệ cán bộ, bác sĩ của Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Bộ Quốc phòng) luôn làm việc bằng cả tấm lòng trung hiếu. Những việc làm âm thầm của họ góp phần không nhỏ để người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế được mãi ngắm hình ảnh Người bình thản trong giấc ngủ dài…

Đội ngũ bác sĩ của Viện 69 luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác, trách nhiệm cao.

Vinh dự và tự hào

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn thể nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định: Phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi thể của Người. Tổ y tế đặc biệt được thành lập từ đấy. Đến ngày 29-8-1975, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Viện 69 được thành lập với nhiệm vụ chính trị đặc biệt: Trực tiếp chăm sóc y tế, giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: “Các nét đặc trưng vẻ bề ngoài của Người lúc sinh thời được giữ gìn nguyên vẹn, công đầu thuộc về các chuyên gia y tế của Liên Xô và Việt Nam. Từ năm 1969 đến 1975, thi hài Bác đã phải di chuyển 6 lần qua nhiều nơi, nhưng đội ngũ y tế của Liên Xô và Việt Nam đã khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm thi hài Bác được giữ gìn tốt nhất như quyết tâm của toàn Đảng toàn quân và toàn dân ta".

Cũng theo Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, khó khăn nhất của công việc chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác Hồ là giai đoạn Liên Xô không còn, các chuyên gia về nước, trong khi đó công nghệ gìn giữ thi hài phục vụ thăm viếng là phát minh thuộc về nước bạn.

“Trước tình huống đó, ta đã đàm phán để bạn đào tạo giúp đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên sâu. Nhờ đó, Viện 69 đã làm chủ công nghệ khoa học để thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân giao phó. Cùng với đó, năm 2005 phía bạn đã đồng ý pha chế dung dịch bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam”, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm chia sẻ.

Đại tá, bác sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Văn Vận, Viện trưởng Viện 69 thông tin thêm: “Viện 69 đã làm chủ công nghệ gìn giữ thi hài Bác với 15 lần pha chế thành công dung dịch. Đầu năm 2019, Viện đã sản xuất được “bộ quần áo đặc biệt” cho Bác theo công nghệ của Trung tâm Y sinh Mátxcơva chuyển giao”.

Là một trong những bác sĩ trẻ của Viện 69 đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ y tế để bảo quản thi hài Bác, Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Danh Khánh, Phó Chủ nhiệm Khoa Sinh hóa của Viện, cho biết: “Công việc của tôi liên quan đến việc phân tích dung dịch để gián tiếp đánh giá trạng thái thi hài Bác. Xác định đây là nhiệm vụ chính trị rất đặc biệt, không cho phép sai sót nên tôi luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác, trách nhiệm cao và tận tâm hết mình”.

Nguyện mãi bên Người

Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, khâu tuyển chọn đội ngũ bác sĩ luôn được chú trọng cả về bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), các bác sĩ còn phải học nâng cao từ 5 đến 7 năm nữa, cả ở trong và ngoài nước mới có thể được giao thực hiện nhiệm vụ bảo quản thi hài Bác.

Xác định đây là công việc khó, đòi hỏi sự chính xác và tin cậy tuyệt đối, hơn nữa bảo đảm an toàn thi hài Bác ở các năm tiếp theo sẽ khó khăn hơn trước nên các cán bộ, bác sĩ của Viện 69 cũng không ngừng nỗ lực, chủ động tìm tòi vươn lên chiếm lĩnh thành tựu khoa học. Hiện nay, hơn 70% bác sĩ của Viện có trình độ chuyên môn là thạc sĩ, tiến sĩ.

Chia sẻ về công việc của mình, Trung tá, Tiến sĩ Tưởng Phi Vương, Phó Trưởng khoa Hình thái, Viện 69 kể: “Bảo quản thi hài phục vụ thăm viếng khó hơn nhiều so với công nghệ bảo quản thông thường; phải giữ được những nét đặc trưng riêng có của Người như lúc sinh thời, để khi vào Lăng viếng Bác nhân dân cảm nhận được Bác như vừa mới ngủ. Trong các khâu bảo quản thi hài, giai đoạn bảo quản ban đầu và giai đoạn chỉnh hình quan trọng hơn cả. Nhưng khó khăn đến mấy chúng tôi đều quyết tâm vượt qua để đáp ứng công việc một cách tốt nhất”.

Còn Thượng tá Phạm Văn Vương, thành viên Đội Y tế đặc biệt chuyên làm nhiệm vụ chăm sóc, giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác thì tâm sự: “Trước đây, tôi chỉ được nghe kể về Bác qua các câu chuyện trên sách vở, nay vinh dự được làm nhiệm vụ y tế, trực tiếp chăm sóc thi hài cũng như từng bộ trang phục của Người, tôi coi đây là niềm vinh dự, tự hào lớn mà không phải bác sĩ nào cũng có được. Vì vậy, tôi cũng như các đồng nghiệp ở Viện đều không cho phép mình sai sót, dù chỉ là một chi tiết nhỏ”.

Chung suy nghĩ, nhiều bác sĩ ở Viện 69 chia sẻ, ngay cả khi học xong tiến sĩ cũng không có ý định chuyển đi đơn vị khác mà chỉ tâm nguyện được phục vụ lâu dài tại Viện.

Từ quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và những nỗ lực cố gắng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các bác sĩ, nhân viên Viện 69 nói riêng, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chung, trong những năm qua, đã có 57 triệu lượt nhân dân và các đoàn khách quốc tế đến viếng Bác.

Bà Nguyễn Thị Ngà (ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Dịp Quốc khánh 2-9 năm nay, tôi được ra thăm Hà Nội, vào Lăng viếng Bác. Nhìn thấy Bác đang nằm ngủ trong Lăng như vừa chợp mắt sau một ngày dài làm việc, tôi rất xúc động. Tôi cảm ơn các cán bộ làm công tác chuyên môn đã giữ gìn thi hài của Bác trong suốt 50 năm qua để nhân dân chúng tôi mãi được thấy Người”.

Ngày tiếp ngày, trên Quảng trường Ba Đình, dòng người thành kính vào Lăng viếng Bác vẫn cứ nối dài. Đây là động lực to lớn để mỗi bác sĩ, cán bộ của Viện 69 nỗ lực học hỏi, xác định bản lĩnh và tâm huyết hơn nữa với trách nhiệm thiêng liêng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/953585/trung-hieu-ben-nguoi