Trùng Khánh, Cao Bằng: Vươn lên thoát nghèo từ du lịch
Để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã có kế hoạch phát triển du lịch nhằm từng bước tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững cho người dân.
Nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng đặt mục tiêu huyện có 5.858 hộ nghèo, chiếm 33,59%; năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,92%, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,02% (kế hoạch giảm 3,5 - 5%); 100% xã có điện lưới quốc gia; 97,5% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Để đạt được mục tiêu này, huyện đã có kế hoạch phát triển du lịch nhằm từng bước tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững cho người dân.
Hiện Trùng Khánh đang tập trung xây dựng mô hình thí điểm phát triển dịch vụ du lịch bền vững tại xóm Bản Gun, Khuổi Ky, xã Đàm Thủy; xây dựng Phố Thông Huề, xã Đoài Dương phát triển điểm dịch vụ du lịch cộng đồng. Đầu tư, chỉnh trang đô thị thị trấn Trùng Khánh, thị trấn Trà Lĩnh, các điểm dừng nghỉ trên Quốc lộ 4A, các điểm ngắm cảnh Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng và một số địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch. Hỗ trợ, chỉnh trang, tạo điểm nhấn tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa như: đền Hoàng Lục (Đình Phong), hang Ngườm Hoài (Ngọc Khê), hang Ngườm Chiêng (Công trường K50) thị trấn Trùng Khánh, núi Mắt Thần, xã Cao Chương; đầu tư đường vào miếu Nà An, xã Cao Chương. Phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng kiểm kê, sưu tầm hiện vật, đồ vật liên quan đến dân tộc Nùng để bổ sung cho điểm di sản "Homestay Ngựa của dân tộc Nùng", xóm Háng Thoang, xã Đàm Thủy; điểm di sản hạt dẻ xóm Bản Khấy, xã Chí Viễn và điểm di sản thủy điện Thoong Gót, xã Chí Viễn…
Nhằm thúc đẩy nhu cầu du lịch nội địa nhân dịp các kỳ nghỉ, ngày lễ lớn của dân tộc và các sự kiện, lễ hội văn hóa, du lịch thường niên được tổ chức tại địa phương; tập trung phát triển các loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện, định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc để thúc đẩy phát triển du lịch. Cùng với đó phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa, du lịch của địa phương, phát triển mạnh loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm cho khách du lịch gắn với sản phẩm OCOP.
Được biết, hiện toàn huyện có 45 cơ sở lưu trú du lịch (trong đó có 18 homestay) với 614 phòng nghỉ, các cơ sở lưu trú đã được thẩm định và có quyết định công nhận loại, hạng cho cơ sở đạt tiêu chuẩn để phục vụ du lịch.
Hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện Trùng Khánh phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thương mại dịch vụ chiếm 41% trong cơ cấu nền kinh tế của huyện; Lượng khách du lịch năm 2025 đạt trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó lượt khách quốc tế chiếm 20%; lượt khách nội địa chiếm 80% đến tham quan trên địa bàn. Tổ chức quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch để phát huy hiệu quả sử dụng và bảo đảm sự phát triển du lịch bền vững. Đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tại Khu du lịch Thác Bản Giốc và các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện…
Vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc
Từ ngày 15/9/2023 tới 14/9/2024, sẽ vận hành thí điểm cho du khách qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc).
Theo đó, du khách đi vào Khu cảnh quan hai bên sử dụng hộ chiếu (không cần visa), giấy thông hành xuất, nhập cảnh.
Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách từ phía Trung Quốc qua Khu cảnh quan phía Việt Nam theo lộ trình: Trạm kiểm tra trên lối qua lại Khu cảnh quan-khu vực chân thác-Khách sạn Sài Gòn Bản Giốc-Khu dịch vụ, ẩm thực-quay về Trạm kiểm tra trả thẻ và xuất cảnh về Khu cảnh quan phía Trung Quốc.
Du khách từ phía Việt Nam qua Khu cảnh quan phía Trung Quốc: Trạm kiểm tra trên lối qua lại Khu cảnh quan-điểm thác Đức Thiên-phố mua sắm-ngồi xe tham quan du lịch men theo con đường trong Khu cảnh quan-đi bộ tham quan du lịch men theo cảnh quan ven sông trong Khu cảnh quan-điểm kiểm tra qua lại Khu cảnh quan-quay về Khu cảnh quan phía Việt Nam.
Trong thời gian vận hành thí điểm, du khách hai nước thực hiện đăng ký trước, theo hình thức đoàn ra, đoàn vào, số lượng mỗi đoàn không quá 20 người.
Thời gian mở cửa buổi sáng của Khu cảnh quan là 9 giờ Hà Nội (10 giờ Bắc Kinh), thời gian dừng làm thủ tục thông quan cho đoàn du khách là 14 giờ Hà Nội (15 giờ Bắc Kinh), thời gian đoàn du khách về lại khu cảnh quan bên mình là 16 giờ Hà Nội (17 giờ Bắc Kinh).
Thời gian dừng chân của mỗi đoàn tại phía đối phương không được vượt quá 5 giờ, nghiêm cấm du khách lưu trú trái phép.
Đây được coi là hoạt động du lịch mang tính điểm nhấn của Trùng Khánh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy, mô hình hợp tác bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) là mô hình mới, chưa có tiền lệ.
Việc đưa vào vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam)-Đức Thiên (Trung Quốc) là tiền đề để đưa Khu cảnh quan này vào vận hành chính thức trong thời gian tới, thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt-Trung.
Cùng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Trùng Khánh và tỉnh Cao Bằng, hy vọng, Trùng Khánh sẽ là điểm dừng chân với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo với du khách trong nước và quốc tế, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, giúp người dân nơi đây thoát nghèo./.